MÔ HÌNH TRỒNG THANH LONG RUỘT ĐỎ

Thứ hai - 29/07/2013 21:30 897 0
Anh Phùng Nhật Phong, quê quán ở Vĩnh Long, nay đến lập nghiệp tại ấp Gia Huỳnh, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng. Là thành viên của Viện Cây Ăn Quả Miền Nam, vốn tích luỹ được kinh nghiệm về trồng các loại cây ăn quả và qua tìm hiểu anh Phong đã mạnh dạn xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ.

 

       Ngoài giống Thanh Long ruột trắng hiện có, hiện nay ở ấp Gia Huỳnh, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh đã xuất hiện một mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ (Hylocereus.spp).

Anh Phùng Nhật Phong, sinh năm 1947, quê quán ở Vĩnh Long. Trước đây anh ở thành phố Hồ Chí Minh, nay đến lập nghiệp tại ấp Gia Huỳnh, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng.

Được biết anh Phong là thành viên của Viện Cây Ăn Quả Miền Nam, vốn tích luỹ được kinh nghiệm về trồng các loại cây ăn quả và qua các cuộc hội thảo, tìm hiểu qua sách báo khoa học, kinh tế nông nghiệp nên anh đã mạnh dạn xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ.

Hiện nay vườn thanh long ruột đỏ của anh trồng được 450 gốc (trụ) đang bắt đầu thu hoạch, do trồng 2 đợt, đợt 1 trồng tháng 6/2007, đợt 2 tháng 9/2007 nên ra quả chưa đồng đều.

Qua trao đổi anh cho biết:

Giống thanh long ruột đỏ được lai tạo giữa giống thanh long ruột trắng của tỉnh Bình Thuận (cây mẹ) và giống thanh long ruột đỏ từ colombia (cây bố). Giống lai F1 đã được chọn lọc và trồng thử nghiệm rộng khắp ở tỉnh Tiền Giang, Long An, Bình Thuận. 

Đặc điểm của giống thanh long ruột đỏ này:

Cành to, khoẻ có hình dáng giống thanh long ruột trắng.

Hoa: Đài hoa có màu xanh, chóp đỉnh màu đỏ, cánh hoa trắng, hoa nở từ 1 đến 4 giờ sáng, muộn hơn thanh long ruột trắng (9 đến 12 giờ đêm). Có khả năng ra hoa mạnh và gần như quanh năm.

Ra hoa tập trung vào tháng 3 DL đến tháng 9 DL. Thời gian hoa nở đến thu quả 29 – 32 ngày. Hoa có khả năng thụ phấn tự nhiên để tạo quả. Đặc điểm này là một trong những ưu điểm của thanh long ruột đỏ.

Trọng lượng quả từ 450gr – 650gr, thon dài, rất giống thanh long ruột trắng, màu vỏ đỏ sáng, tai quả cứng có mầu xanh, quả có phẩm chất ngon, vị ngọt, chua nhẹ, thịt quả khá chắc.

Năng suất (theo tài liệu trồng thử nghiệm)

-Vườn cây 1 tuổi: 10 tấn/ha/năm.

-Vườn cây 2 tuổi: 20 – 25 tấn/ha/năm.

-Vườn cây 3 tuổi: 40 – 45 tấn/ha/năm.

-Vườn cây 4 tuổi trở lên: 60 – 80 tấn/ha/năm.

Khoảng 6 tháng sau trồng là cho trái, cây có tuổi thọ khoảng 20 – 30 năm.

Cây cho trái quanh năm, không cần xử lý đèn như thanh long ruột trắng.

Trái ở vị trí: Thân, cành, nhánh, trái từ dưới đất lên trên. 

Chi phí đầu tư trồng thanh long ruột đỏ trên 1.000 m2 đất

Trụ  xi măng: 12 cm x 12 cm x 2 m/trụ: 60.000 đồng/ trụ.

Hom giống: 4 hom x 30.000 đồng/hom/trụ: 120.000 đồng/trụ

Công trồng trụ + bón phân ban đầu:10.000 đồng/trụ

1 gốc thanh long chi phí ban đầu: 190.000 đồng.

100 gốc  trên 1.000 m2 đất: 190.000 đồng x 100 trụ = 19.000.000 đồng.  (19 triệu đồng) 

Kỹ thuật trồng

Hàng cách hàng 3 m, cây cách cây 3 m., trồng từ 3 đến 4 hom giống /1 gốc (trụ).

Trụ bằng xi măng 12 cm x 12 cm x 2 m trụ chừa 4 lõi sắt phía trên, bẻ cong làm giá đỡ, trụ chôn sâu 0,5 m.

Lên mô đất trồng (để thoát nước) cao 30 cm so với mặt đất, đường kính 60 đến 100 cm.

Đất làm mô được trộn phân chuồng hoai 10 – 15 kg hoặc phân hữu cơ vi sinh 10 – 15 kg/ trụ + 500gr Super lân, Basudin 2 gr/mô, dùng Benomyl 0,1% tưới vào đất trước khi trồng để ngừa nấm bệnh.

Chọn cành trên 6 tháng để làm giống, cắt hom dài 30 – 40 cm, Phía gốc hom cắt bỏ phần thịt bên ngoài chừa lõi để tránh thối hom, sau đó nhúng vào dung dịch thuốc trừ nấm Benlat C, Coc85  0,1% trong 5 phút, hom có thể giâm trước khi trồng ở nơi có giàn che nắng tới khi cành ra rễ, đâm chồi bứng ra trồng.

Chăm sóc

Nên trồng thanh long đầu mùa mưa, sau khi trồng, tưới nước 2 lần/ngày, không để quá khô hay quá ẩm.

Giai đoạn cây còn nhỏ dưới 3 tháng tuổi, bắt đầu từ sau trồng khoảng 2 tuần sử dụng phân urê, DAP hoặc 20:20:15, 16:16:8 tưới với lượng 20 – 30gr/trụ/10 ngày 1 lần.

Giai đoạn cây 3 đến 12 tháng,  tăng lên 30 – 50 gr/trụ tưới 15 ngày/lần.

Giai đoạn cây từ 1 đến 3 năm tuổi, dùng phân chuồng hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh 20 – 50 kg/trụ/năm (tăng theo tuổi) chia làm 2 lần bón, lần 1 khi cây chuẩn bị ra hoa rộ vào tháng 2 – 3. Lần 2 vào tháng 9 – 10, sau giai đoạn cho trái rộ là giai đoạn sinh cành mới và chuẩn bị nuôi trái vụ nghịch, cần xới nhẹ xung quanh gốc, cách gốc 15 – 30 cm cho phân đều khắp tán rồi dùng đất lấp lại.

Dùng phân bón lá kích thích cây mau ra hoa, tăng độ bóng vỏ trái, kích cỡ trái, ngưng bón trước khi thu trái 2 tuần. 

Sâu bệnh:

Côn trùng gây hại trên thanh long là kiến, dùng thuốc phun hoặc rải xung quanh gốc hay đúng vào vị trí tấn công.

Với ruồi đục trái dùng bao trái sau khi hoa thụ phấn 7 – 10 ngày.

Bị thối cành, trị bằng các loại thuốc gốc Benlat C, Coc85, Ridomyl…

Bệnh thán thư: xuất hiện trên cành và trái, phun Ridomil, Atracol, Benlat C…

Đối với hoa sau khi hoa nở: 3 -5 ngày cắt bỏ nhụy đã héo rũ ở đỉnh và có thể bao trái bằng bao vải.  

Công dụng của thanh long ruột đỏ:

Ngoài ăn tươi còn ép làm rượu bổ (giúp tiêu hoá nhuận trường, bồi dưỡng cơ thể, mịn da )

Làm phẩm màu dùng trong dược phẩm, thực phẩm, kháng được 1 số bệnh hiểm nghèo.

Chất lượng và công dụng cao nên giá bán gấp 2 – 3 lần thanh long ruột trắng.

Anh Phong dự kiến trong tháng 6/2008 sẽ trồng mới 510 gốc, chi phí không bằng một nửa mà anh đã trồng trước đây vì hom giống anh chiết từ vườn thanh long đang trồng.

 

 

Nguyễn Văn Hết- CTV TRảng Bàng(2008)

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây