Ngành sắn thực hiện SPS [Bài 1]: Tăng nguyên liệu từ canh tác bền vững

Thứ tư - 22/11/2023 15:52 274 0
Nongnghiep.vn - Tinh bột sắn được xem là ngành xuất khẩu tỷ đô. Để thực hiện theo Hiệp Định về Vệ Sinh An Toàn Thực
Phẩm và Kiểm Dịch Động Thực Vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) và có nguồn nguyên liệu bền vững, ‘thủ phủ’ sắn Tây Ninh có nhiều giải pháp thực thi.

Canh tác bền vững

Sắn là loại cây ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp với sinh thái và điều kiện kinh tế của nhiều nông dân. Với đặc thù chủ yếu đất xám pha cát trên nền phù sa cổ phù hợp với cây sắn, từ lâu, sắn trở thành cây trồng chủ lực của người dân Tây Ninh.

dscn4861 101354 392 101422 134453

Cây sắn trên đất Tây Ninh. Ảnh:Trần Trung - Nongnghiep.vn

Năm 2017, Tây Ninh là tỉnh đầu tiên phát hiện bệnh dịch khảm lá sắn, loại bệnh do bọ phấn trắng gây ra đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị khiến năng suất củ sắn tươi giảm. Các nhà máy chế biến tinh bột sắn vẫn canh cánh nỗi lo thiếu nguyên liệu chế biến. Nhưng nhờ truyền thống canh tác sắn lâu đời, ham học hỏi và chịu khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong khâu canh tác theo hướng bền vững, người dân Tây Ninh đã nhanh chóng thích ứng với dịch, giữ được năng suất, chất lượng củ tương đối ổn định.

Là một trong những nông dân có nhiều năm gắn bó với cây sắn và sở hữu diện tích sắn lên đến cả trăm ha, ông Bùi Công Ngọc, ngụ tại huyện Tân Châu cho biết, sắn là loại cây trồng có sức hút dinh dưỡng mãnh liệt từ đất. Để canh tác bền vững, người trồng cần có chế độ thâm canh hợp lý. Việc bón phân, bổ sung dưỡng chất cho đất là yêu cầu bắt buộc nếu không muốn đất nhanh bạc màu, tạo cơ hội cho các dịch bệnh tấn công.

dscn4899 101507 103 134453

Ông Ngọc (thứ 2 từ phải sang) khoe thành quả thay đổi tư duy sản xuất với đoàn khách quốc tế ghé thăm. Ảnh:Trần Trung - Nongnghiep.vn

Theo ông Ngọc, không giống như nhiều người khác, ông đã hạn chế sử dụng phân hoá học, thay vào đó là phân bón có nguồn gốc hữu cơ, hữu cơ vi sinh. Đồng thời, để cải tạo đất trồng, ông Ngọc áp dụng phương pháp luân canh, trồng nhiều loại cây khác nhau như bắp, đậu phộng chứ không chỉ độc canh cây sắn.

Cách trồng sắn cũng là yếu tố quan trọng tác động nhiều đến năng suất. Khi trồng, đất phải được dọn kỹ, phải tơi xốp. Ông Ngọc đã thử nghiệm nhiều cách trồng khác nhau từ trồng hom nằm truyền thống đến cách trồng mới là cắm hom đứng, hom xiên.

Kết quả cho thấy, mỗi cách trồng cho hiệu quả khác nhau, trong đó nếu trồng theo cách cắm hom xiên cho năng suất cao nhất. Sắn được trồng theo cách cắm hom xiên giúp mầm phát triển nhanh hơn. Nếu gặp mưa, bào cây sắn vẫn không bị đất vùi lấp và vẫn nảy mầm, phát triển với tỷ lệ từ 96 - 98%. Năng suất sắn trồng hom xiên cao hơn các cách trồng khác còn là do bề mặt hom tiếp với đất nhiều, phần củ phát triển vòng tròn xung quanh gốc và được nhiều tầng củ.

Nhờ áp dụng các giải pháp canh tác thông minh, khi dịch bệnh khảm lá sắn tấn công, cây sắn có sức khỏe tốt, sức đề kháng cao chống chọi được với dịch bệnh. Tuy khảm lá vẫn xảy ra nhưng mức độ nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất và chữ bột.

Trong khi năng suất sắn bình quân Tây Ninh đạt khoảng 35 tấn/ha nhưng năng suất sắn của gia đình ông Ngọc luôn đạt bình quân từ 55 - 60 tấn/ha. Sau khi trừ đi chi phí đầu tư (khoảng 30 triệu đồng/ha), mỗi năm đem lại lợi nhuận cho gia đình ông khoảng trên 100 triệu đồng/ha.

dscn5188 101853 463 134453

Nhờ kỹ thuật canh tác tốt, cây sắn Tây Ninh vẫn giữ được năng suất cao. Ảnh:Trần Trung - Nongnghiep.vn

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, bên cạnh sự chủ động của người trồng sắn địa phương, Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các điểm trình diễn trồng thâm canh bền vững ở các địa phương có thế mạnh như Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành. Những điểm trình diễn này áp dụng các biện pháp kỹ thuật như cải tạo đất, sử dụng những giống sạch bệnh.

“Hiện hầu hết diện tích canh tác sắn của tỉnh đều sản xuất theo hướng bền vững, ứng dụng giải pháp tưới tự động kết hợp ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ. Các mô hình đều đem lại kết quả khả quan, năng suất bình quân đạt 40 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 60 tấn/ha. Việc này đã góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng sắn và tạo nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến tinh bột sắn của tỉnh Tây Ninh”, ông Hà Thành Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh khẳng định.

“Chìa khóa” chất lượng cây giống

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, năm 2023 ghi nhận toàn tỉnh Tây Ninh có gần 62.000 ha sắn, tăng khoảng 1.000ha so với năm 2017 (năm bùng phát dịch khảm lá sắn tại địa phương và lan rộng ra cả nước). Để đáp ứng phần nào bài toán nguyên liệu cho các doanh nghiệp tinh bột sắn, ngay từ khi xảy ra dịch khảm lá sắn, chính quyền và nông dân Tây Ninh đã đồng lòng thực hiện quyết liệt chính sách "Zero dịch bệnh" khảm lá sắn. Cùng với đó, việc khẩn trương tìm ra các giống kháng khảm là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.

dscn5113 102010 346 134454

Các nhà khoa học thẩm định chữ bột giống sắn mới canh tác tại Tây Ninh. Ảnh:Trần Trung - Nongnghiep.vn

Nhờ nằm trong hệ thống khảo nghiệm cây sắn quốc gia, dưới sự phối hợp của các tổ chức quốc tế và nỗ lực không ngừng nghỉ của địa phương, năm 2021 địa phương tuyển chọn được 175 dòng sắn vô tính, có tính kháng khảm. Trong đó, 23 dòng sắn vô tính có năng suất tinh bột cao đã được chọn cho các thử nghiệm năng suất sơ bộ vào năm 2022.

Đến nay, đã có 6 giống gồm: HN1, HN3, HN5, HN36, HN80, HN97 đã được Bộ NN-PTNT cấp phép lưu hành tại khu vực Đông Nam bộ. Tỉnh Tây Ninh đang tiếp tục tiến hành thử nghiệm để tìm ra các giống sắn mới khả thi để đề xuất Bộ NN-PTNT cấp phép lưu hành nhằm nâng cao chất lượng giống mới, đáp ứng ngăn ngừa các dịch bệnh điển hình trên cây sắn như khảm, thối thân, xì mủ...

dscn5153 102116 979 102252 134454

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, từ những giống có được, địa phương đang tập trung đẩy mạnh nhân nhanh giống. Hiện tổng diện tích các giống mới khoảng 2.000ha, diện tích giống sắn kháng bệnh khảm lá ở Tây Ninh có thể tăng lên 10.000ha vào niên vụ 2023 - 2024.

“Những nỗ lực nhân nhanh giống sắn kháng bệnh khảm lá từ Tây Ninh đang mở ra cơ hội cung ứng giống kháng nhiều hơn cho nhu cầu sản xuất của nông dân trong tỉnh cũng như cả nước, đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành xuất khẩu tinh bột sắn trị giá tỷ đô”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

Tác giả: So Nong Nghiep

Nguồn tin: nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây