Kỹ thuật làm đệm lót sinh học bằng men Balasa no1

Thứ năm - 27/02/2014 17:45 445 0

 Nguyễn Văn Quang – Trạm KN Thị xã

Hiện nay trên địa bàn Thị xã Tây Ninh nói riêng, có thể nói gần như hầu hết hộ gia đình đều có chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ để cải thiện bữa ăn gia đình hoặc bán ra các chợ, nhằm nâng cao đời sống của mình. Tuy nhiên về thực tế hiện nay, cụ thể tính từ đầu năm 2013, theo số liệu nắm được của cơ quan Thú y Thị xã, các trang trại nuôi gà, cút là 187.800 con, do 26 hộ nuôi quản lý, trong số đó chỉ tính riêng đàn cút nuôi đã là 133.800 con, được nuôi tập trung tại các khu dân cư đông đúc như: Xã Ninh Sơn 8 trại, Bình Minh 2 trại, Ninh Thạnh 2 trại, còn ở các phường như: Phường 1 có 1 trại, Phường 4 hiện có 3 trại và Phường Hiệp Ninh có đến 9 trại nuôi cút, đây cũng là phường có số lượng trại cao nhất, số lượng cút nuôi 44.800 con. Do đó việc gây ra ô nhiễm môi trường từ chất thải ra của đàn cút là điều không tránh khỏi, cho nên làm đệm lót sinh học bằng men Balasa N01, cho đàn cút, đàn gà, là việc cần làm ngay để hạn chế vấn nạn ô nhiễm, hạn chế tối đa mùi hôi thối tại các trại nuôi rất cần thiết, cần tuyên truyền, triển khai ngay.

   Do đó để giúp các hộ nuôi thông qua việc nắm thông tin, tìm hiểu rõ về hiệu quả, cách làm đệm lót sinh học cho đàn gà, cút nuôi tập trung của các hộ gia đình, các trại nhỏ lẽ ở những nơi đông dân cư sinh sống, chúng tôi giới thiệu một số cách làm đệm lót cho đàn gà từ lúc úm, cho đến khi xuất chuồng hay nuôi nhốt tập trung, bán tập trung và đàn gà, đàn cút nuôi trên chuồng lồng như sau:

1. Cách làm đệm lót dưới nền đất, đối với chuồng nuôi nhốt từ khi úm đến xuất chuồng hoặc đến khi hết chu kỳ đẻ trứng:

Đối với loại chuồng này rất đơn giản, chỉ cần làm nhà có mái thoát nước tốt, che chắn xung quanh để khi mưa nước không tạt vào là đảm bảo đạt yêu cầu và xung quanh xây một hàng gạch lên 2 hoặc 3 viên gạch, có chiều cao khoảng 20 – 30 cm, để khi gà bươi tự do kiếm ăn theo quán tính sẽ không làm cho đệm lót văng (bắn) ra ngoài.

Hiện nay, do giá cả của thị trường không ổn định, giá thức ăn tăng cao, trong khi đó giá heo lại giảm mạnh cho nên nhiều hộ dân sống bằng nghề này phải bỏ nghề, bỏ chuồng trống không, để tận dụng các chuồng trống, gần đây qua vận động trong mô hình nuôi gà An toàn sinh học, Khuyến nông thị xã đã vận động các hộ tham gia làm đệm lót, bước đầu đã thấy được hiệu quả, gà úm cho đến 1 tháng tuổi đều khỏe mạnh.

- Nguyên liệu: Chuồng có diện tích 25 m2 , cần 1 kg chế phẩm men Balasa - N01, cộng với 5 kg cám gạo hoặc bột bắp (ngô) và 2,3 đến 2,5 lít nước sạch. (Hiện nay, tại Trung tâm Khuyến nông có cung cấp loại men Balasa này)

- Trước tiên trộn đều 2 loại men và trấu hay mùn cưa lại với nhau, sau đó đổ lượng nước nêu trên vào trộn cho tơi ra rồi dùng bao hoặc khăn quấn kín lại, đem ủ ấm từ 24 - 36 giờ, khi thấy túi ủ nóng ấm là được và đem rãi đều lên mặt mùn cưa hoặc trấu.

- Cách làm đệm lót:

Tận dụng chuồng heo làm đệm lót nuôi gà an toàn sinh học ở Bình Minh - TXTN

+ Giai đoạn úm gà con: Đầu tiên đổ trấu hoặc mùn cưa vào chuồng 1 lớp dầy 10 cm, rồi đưa gà con vào úm, cho ăn, uống nước bình thường, chú ý bình nước uống, phải có khay hay vật nào đó lót phía dưới để bảo vệ không cho nước chảy ra lớp đệm lót. Đến khi úm đàn gà khoảng 8 – 10 ngày, khi thấy có lớp phân gà ở trên mặt, thì tiến hành dùng cào cho tơi ra, rồi lấy men đã ủ cùng cám gạo hoặc men cùng với bột bắp như đã nói ở trên, đem rãi đều lên mặt lớp lót chuồng, dùng tay khỏa cho đều là đạt và tiếp tục úm cho đàn gà. Tại sao không rắc men từ đầu mà lại để đến 10 ngày mới rắc, vì phân gà là nguồn dinh dưỡng giúp cho các vi sinh vật trong chế phẩm của men phát triển mạnh và  với cách làm này úm cho gà là rất tốt cho tất cả các mùa trong năm đồng thời đàn gà sẽ khỏe mạnh, đồng đều, ít dịch bệnh, nhưng phải chú ý đến nhiệt độ, nếu là trong mùa nắng nóng, phải điều chỉnh cho phù hợp. Cần chú ý nhẹ nhàng xua đàn gà vào một góc chuồng, rồi mới tiến hành làm đệm lót.

+ Giai đoạn úm đến 21 ngày tuổi (gà nuôi thịt...) trở đi: Tiếp tục dùng cào tơi bề mặt lớp phân, rồi tiếp tục rắc men đã ủ (như phần trên), rồi dùng tay cào xoa cho đều men trên mặt đệm lót là được. Nếu số lượng đàn gà đông hoặc sau một thời gian thấy phân nhiều làm lớp đệm không còn tơi mà ẩm thì phải rải thêm 1 lớp trấu hay mùn cưa, rồi tiếp tục rãi men đã xử lý lên (giống như phần trên), cứ thế cho hết chu kỳ nuôi.

2. Cách làm chuồng bán tập trung là ban ngày thả ra cho ăn, chiều tối lùa vào (chuồng hở):

Nuôi gà trên chuồng lồng

Theo cách chăn nuôi truyền thống của người dân, thì đây là loại chuồng hở dùng để nhốt gà vào ban đêm rồi sáng thả ra cho gà đi ăn bình thường. Đối với loại chuồng này thì cách làm cũng giống như cách làm của đệm lót sinh học như trên, nhưng phải chú ý che chắn không để nước mưa tạt vào, vì khi chuồng bị nước sẽ làm cho chất lượng của lớp đệm lót giảm tác dụng, mau hư do đó không tiêu hủy phân tốt, gây hôi thối, có thể gây ra các tác hại khác trên đàn gà.

3. Cách làm chuồng cho gà, nuôi nhốt trên chuồng lồng:

Loại chuồng này, thích hợp cho các hộ nuôi nhốt trên lồng như gà, cút...mà hiện nay đang nuôi tại các khu dân cư tập trung trên địa bàn các phường, xã của thị xã nói riêng và của toàn tỉnh nói chung, ở những nơi có người nuôi bằng cách này, nếu được phổ biến rộng rãi, các hộ chăn nuôi mạnh dạn áp dụng thì sẽ giúp kéo giảm ô nhiễm môi trường, giúp cho không khí trong lành, người dân xung quanh và chủ nuôi sẽ an tâm hơn.

- Đối với chuồng lồng đã nuôi cũ (không thể cải tạo): Với loại chuồng này số lượng nuôi cao, dao động từ 18 – 30 con/m2, nên lượng phân thải ra là rất lớn và chuồng đã được thiết kế cố định, để tiện chăm sóc, chuồng có mặt đáy của lồng cách mặt đất khoảng 50 cm , trong khi đó theo qui định thì độ dầy của đệm lót ít nhất phải đạt 30 cm  trở lên, như vậy nếu làm đệm lót bên dưới thì mặt đệm lót chỉ cách đáy chuồng lồng là 20 cm, do đó các thao tác trực tiếp để làm đệm lót tại chuồng là rất khó khăn và không đạt yêu cầu, cho nên chúng ta khắc phục bằng cách trộn men và xử lý ở bên ngoài xong, đạt yêu cầu, mới đưa vào bên trong chuồng.

+ Cách xử lý ở bên ngoài: Nguyên liệu cho 1 lớp mùn cưa hay trấu có độ dầy 10 cm , có diện tích 25 m2, cần 1 kg chế phẩm men Balasa - N01, cộng với 5 kg cám gạo hoặc bột bắp (ngô) và 130 đến 150 lít nước sạch. Các nguyên liệu, men, nước này đổ vào thùng đậy kín để chổ ấm, thời gian từ 2 – 3 ngày cho lên men (đây là nước dịch men); Tiếp đến sau khi nước dịch men ủ được 2 ngày, thì lấy 2,3 – 2,5 lít, trộn đều chung với 5 - 7 kg cám gạo hay bột bắp (gọi là bột men), sau đó gói vào khăn vải, đem ủ ấm trước khi làm đệm lót từ hơn 12 giờ trở lên, để khi nước dịch men đủ 3 ngày thì cùng tiến hành và bắt đầu làm đệm lót theo 4 bước sau:

Đầu tiên rải 1 lớp mùn cưa hoặc trấu dầy 10 cm , rồi lấy nước dịch men đã xử lý ủ tưới, cào nhiều lần cho thấm đều, sau đó rải bột men đều lên mặt, xoa nhẹ lên lớp mặt, cuối cùng dùng tấm bạt phủ lên trên, đậy kín, cứ như thế có thể làm thành nhiều lớp, nếu như không đủ diện tích để làm 1 lần và sau 4 ngày khi thấy lớp đệm này nóng, ấm là đạt yêu cầu, đem chuyển vào trong chuồng gà.

+ Cách làm đệm lót: Để có lớp đệm lót dầy 30 cm, thì trước tiên ta dùng một trong 2 thứ nguyên liệu là mùn cưa hay trấu, rải xuống 1 lớp ở phía dưới đáy nền chuồng lồng, có độ dầy là 20 cm, sau đó ta lấy phần đệm lót đã qua xử lý trước được làm ở bên ngoài rải đều lên trên thêm 1 lớp khoảng 10 cm cho đạt đúng độ dầy theo qui định là 30 cm là đáp ứng được cho việc xử lý phân của gà, cút thải ra.

Tóm lại đệm lót cho chuồng lồng có 2 lớp: Lớp thứ 1 ở đáy là mùn cưa hay trấu có độ dầy 20 cm và lớp thứ 2 là lớp men + cám gạo hay bột bắp và mùn cưa hay trấu, đã được xử lý trước ở bên ngoài rải chồng lên trên 10 cm  nữa cho đủ 30 cm  là lớp đệm lót mà ta cần làm. Chú ý nên tiến hành làm vào lúc chiều mát, để tránh gây ảnh hưởng đàn gà.

Sau khi đệm lót đã được làm cho chuồng lồng nuôi gà hoặc cút xong, thì nhiệm vụ của người chăm sóc là phải thường xuyên hàng ngày dùng cào để cào, xới cho lớp phân trên mặt 1 lần là đủ.

- Đối với chuồng lồng (làm mới): Đối với chuồng gà chuẩn bị làm lần đầu, thì chúng ta chủ động được và dễ dàng thực hiện hơn, bằng cách từ đáy nền của chuồng gà, cút chúng ta đào sâu xuống 1 lớp đất sâu 30 cm , như thế khoảng cách giữa mặt đệm lót và đáy của chuồng lồng là đủ 50 cm và cách làm đệm lót thì nên tiến hành đổ trấu vào lớp đáy 20 cm, sau đó rải tiếp lên lớp mùn cưa 10 cm và cách thực hiện giống như cách làm ở trên (phần xử lý ở bên ngoài), nhưng có khác là ta làm ngay trong chuồng.

4. Đối với nuôi cút:

Hiện nay cút được nuôi theo 2 dạng cút thịt và cút đẻ trứng, đối với cút thịt thì chúng ta có thể dùng cách nuôi nhốt dưới nền giống như gà, nhưng còn với cút nuôi đẻ hoặc nuôi trên lồng, do có nhiều tầng và có thiết kế vỉ hứng phân nên việc thiết kế làm đệm lót cho loại chuồng này là rất khó, do đó, có thể đề xuất cách khác là thiết kế ở một góc nào đó riêng biệt để làm đệm lót và xử lý phân tại nơi này giống như làm đệm lót trên chuồng lồng. Nhược điểm là phải có diện tích rộng mới làm được. Tóm lại cách thiết kế lồng chuồng khác nhau, nhưng làm cách nào cho phù hợp, chẳng hạn như cách làm chuồng lồng.

Tuy nhiên để hạn chế ô nhiễm trong khu vực nuôi, các hộ nuôi cút cần nên áp dụng làm đệm lót thích hợp với từng điều kiện của mình, để bảo vệ sức khỏe cho gia đình củng như mọi người xung quanh.                                                           

Một số vấn đề xem đệm lót có tốt hay không và cách cải thiện?

Đối với những chuồng nuôi có lớp đệm lót hoạt động bình thường, khi ngửi có mùi thơm nhẹ hoặc có mùi của nguyên liệu làm đệm lót như mùn cưa, trấu, vỏ đậu...

Khi đệm lót đã sử dụng quá lâu, thì mùi của nguyên liệu sẽ giảm và dần thay thế bằng mùi của phân khi phân hủy nhưng không hôi, thối.

Tùy theo mật độ nuôi, thời gian sử dụng thì có thể thay mới lớp đệm lót được quuyết định bởi nhiều yếu tố như độ dầy của lớp đệm thấp, quá mịn, có độ ẩm cao. Tóm lại tùy theo từng lớp đệm lót, từng trường hợp cụ thể mà chúng ta bổ sung hoặc thay thế cho đệm lót hoạt động, phát huy hết tác dụng, có hiệu quả, có thể đối với trại gà, cút...

- Lần 1: Có thể lấy bớt đi lớp đệm từ 15 – 20 cm  và sau đó ta bổ sung thêm lớp đệm lót mới 20 – 25 cm .

- Lần 2: Lấy đi toàn bộ và thay thế bằng lớp đệm lót mới hoàn toàn.

Một số chú ý bảo dưỡng cho đệm lót và cho vật nuôi:

- Để đệm lót hoạt động tốt và hiệu quả nhất cần thường xuyên cào trên bề mặt đệm 1 lần hoặc vì điều kiện khách quan nào đó không làm được thì 2 – 5 ngày, bắt buộc phải cào 1 lần.

- Chú ý: Không được cào sát dưới cùng của nền của đệm lót chuồng, sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của vi sinh vật.

- Đối với chuồng nuôi mật độ thấp hoặc có độ dầy đệm lót lớn, mặt đệm lót khô tốt, thì có thể giãn thời gian bảo dưỡng ra khoảng 20 ngày/lần, cào, xới tơi bề mặt, rồi rắc bổ sung men xử lý cùng cám hay bột bắp và nên làm lúc chiều mát để không ảnh hưởng đến đàn gà, cút nuôi.

- Tránh mưa tạt vào, nước uống từ các bình nước chảy ra trong lúc vật nuôi tranh uống vương vãi ra.

- Cần bổ sung thêm men tiêu hóa Balasa N01 vào trong thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi làm giảm mùi hôi, thối từ lượng phân thải ra.

- Điều quan trọng nhất là phải chú ý đến nhiệt độ của chuồng nuôi và chống nóng cho đàn vật nuôi trong mùa nóng nực bằng cách lắp nhiệt kế để kiểm tra thường xuyên và hạ nhiệt khi cần thiết.

Tác dụng của chuồng nuôi gà, cút bằng đệm lót sinh học Balasa N01, hy vọng trong tương lai sẽ giúp tiêu hủy lượng phân thải ra của đàn vật nuôi, do đó mùi hôi, khí độc sẽ bị hạn chế, nên giải quyết tốt việc cải thiện đời sống của người lao động trực tiếp, góp phần tạo ra cơ hội phát triển đối với những hộ gia đình sinh sống bằng nghề chăn nuôi, nằm ở các khu dân cư đồng thời góp phần tích cực trong việc kéo giảm vấn nạn ô nhiễm môi trường do chất thải từ các đàn vật nuôi. Mong rằng qua giới thiệu mô hình đệm lót sinh học sẽ giúp nhiều hộ chăn nuôi ở tỉnh ta nói chung sớm tìm hiểu và ứng dụng kịp thời để giúp cải thiện môi trường sống của gia đình mình cũng như mọi người dân chung quanh được an tâm hơn, vì không còn mùi hôi, thúi từ đàn vật nuôi thải ra và từng bước rút kinh nghiệm, thay đổ cách nuôi, quy trình nuôi theo hướng sản xuất an toàn sinh học, nhằm cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm sạch và chất lượng nhất.   

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây