Một số thuận lợi và khó khăn trong việc định hướng sản xuất cho đàn bò trong thời kỳ cơ giới hóa nông nghiệp

Thứ năm - 27/02/2014 21:10 196 0

 ThS. Võ Văn Vinh -TTKN

Trong khoảng 50 năm gần đây, dân số tăng đã kéo theo nhu cầu thực phẩm tăng thêm 100%. Để đáp ứng nhu cầu thì khoa học kỹ thuật đóng góp khoảng 70% để đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng thêm. Thời gian qua ngành sản xuất thịt bò đã đạt được nhiều thành tựu trong khoa học và kỹ thuật góp phần quan trọng nâng cao năng suất, sản lượng thực phẩm. Tuy nhiên, trong tương lai ngành chăn nuôi nói chung, nuôi bò nói riêng sẽ đối diện với nhiều thách thức mà chúng ta cần quan tâm hơn nữa.

       Tiến sĩ June Cappers, đại học Washington State nhận định: 30 năm qua, lượng thức ăn để tạo ra 1 pound (đơn vị đo trong lượng Anh, Mỹ 1 pound = 453,592gram) thịt bò đã giảm 16%, nhiên liệu giảm 9%, nước giảm 12%, sử dụng đất giảm 33% và Carbon giảm 19%. Để đạt được những thành tựu trên các nhà khoa học kỹ thuật đã không ngừng cải tiến về con giống, thức ăn, sinh sản …

       Tổng đàn bò của Brazil năm 2010 là 209,5 triệu con, qua 10 năm tiến hành lai giống với các giống bò thuộc nhóm Zebu kết hợp với sử dụng kỹ thuật đánh dấu gene để đánh giá khả năng di truyền và áp dụng các kỹ thuật để nhân nhanh giống tốt như kích thích lên giống thụ tinh nhân tạo … đã nâng tổng đàn lên 23,3% tương ứng số lượng tăng thêm là 39,6 triệu con và sản lượng thịt lên 79,7% tăng thêm 3,1 triệu tấn (Biểu đồ 1).

 

 

Bò Madarin FIV Matinha, sinh tháng 10/2008 là một trong những kết quả chương trình giống của Rancho Da Matinha, Brazil.

 

Biểu đồ 1: Tổng đàn, số lượng xuất bán thịt, sản lượng thịt và tỷ lệ số con xuất thịt so với tổng đàn của Brazil từ năm 2000 đến năm 2010.

       Trong đánh giá tuyển chọn bò, các khoa học Brazil đặc biệt quan tâm những tính năng liên quan đến sinh sản như khả năng sinh sản của bê cái. Kết quả lai tạo với các giống nhóm Zebu với bò Nellore cùng với áp dụng chương trình chọn giống và kích thích động dục, họ đã nâng tỷ lệ phối giống đậu thai năm 2000 là 13,11% lên 77,97% vào năm 2010 đối với những bê cái phối giống lần đầu ở 14-17 tháng tuổi (Racho da Matinha, 2012).

       Với kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và cấy chuyển phôi đã góp phần nhân nhanh những cá thể bò giống tốt. Năm 2011, Trại nghiên cứu chọn lọc và nhân giống bò Nindooinbah đã cấy chuyển phôi cho 1.141 bò cái với tỷ lệ thành công 70,25%. Qua nghiên cứu, họ cho rằng có 3 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến kết quả cấy chuyển phôi. Nhóm yếu tố đối với bò cái cho phôi, gồm: giống, tuổi, khả năng sản xuất sữa, thành tích sinh sản, tính tương đồng, dinh dưỡng, khí hậu, thời tiết, liều, đường tiêm và tần suất tiêm gonadotropin, stress …; Đối với bò cái nhận phôi cũng tương tự như bò cái cho phôi tuy nhiên có một số yếu tố khác cũng được họ ghi nhận là có ảnh hưởng đến khả năng cấy phôi thành công như: kỹ thuật kích thích động dục, phương pháp cấy và tay nghề của kỹ thuật viên; Đối với nhóm yếu tố do phôi, họ ghi nhận như sau: tuổi của phôi, giai đoạn của phôi, chất lượng phôi, môi trường lưu giữ, thời gian lưu trữ, phôi tươi hay phôi đông lạnh, phôi có phân cắt hay không …

       Qua theo dõi 13.485 ca cấy chuyển phôi do 23 kỹ thuật viên tiến hành năm 2005 ở Brazil kết quả bò mang thai của từng kỹ thuật viên như biểu đồ sau:

 

Biểu đồ 2: Ảnh hưởng tay nghề của kỹ thuật viên lên tỷ lệ bò cái mang thai do cấy chuyển phôi. Kỹ thuật viên số 1 cấy chuyển cho 251 bò cái nhưng chỉ 1 bò mang thai, những kỹ thuật viên còn lại có kết quả từ 15 đến gần 50% (Lamb, et al., 2005).

       Giải pháp thụ tinh nhân tạo để nhân nhanh bò có chất lượng giống tốt cũng được nhiều quốc gia sử dụng, giải pháp này có ưu điểm chi phí thấp và dễ áp dụng. Qua theo dõi kết quả thụ tinh cho hơn 6.000 bò cái của 12 kỹ thuật viên và sử dụng 2 loại tinh cọng rạ khác nhau cho thấy: Loại tinh khác nhau thì tỷ lệ đậu thai khác nhau giữa các kỹ thuật viên và giao động trong khoảng 65-75%, trong khi đó sử dụng loại tinh chất lượng tốt thì tỷ lệ đậu thai chỉ giao động trong khoảng 72-75% (Uwland, 1983). Như vậy yếu tố tay nghề kỹ thuật viên và chất lượng tinh có ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu thai trong công tác thụ tinh nhân tạo cho bò.

       Với sự tài trợ của chính phủ, các chủ thể chăn nuôi bò thịt Viện nghiên cứu sản xuất và kinh doanh nông nghiệp của Úc đã thành lập hệ thống đánh giá di truyền của bò thịt để phát hiện và phổ biến, nhân nhanh nguồn gene tốt trên toàn thế giới. Với việc sử dụng phần mềm Breedplan, hệ thống này đã theo dõi 44 giống bò thịt với sự tham gia của hơn 100 công ty và hiệp hội chăn nuôi bò thịt của 14 quốc gia trên thế giới. Các chỉ tiêu theo dõi như tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ thịt xẻ, và nhiều đặc điểm khác. Hệ thống này hiện đang lưu giữ số liệu của hơn 40 triệu con bò. Đây thực sự là một nguồn tài liệu quý phục vụ cho công tác phát triển chăn nuôi bò thịt.

       Bên cạnh những thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh thì chăn nuôi bò thịt sẽ gặp một số khó khăn trở ngại được Craig Huffhines – Chủ tịch hiệp hội chăn nuôi bò Hereford Mỹ nêu ra một số thách thức như sau: Nguy cơ mất tính đa dạng nguồn gen, với sự phát triển nhanh về hệ thống thông tin cùng với công tác điều hành quản lý nên các tiến bộ về giống sẽ mau chóng được các chủ thể chăn nuôi cập nhật và thay thế những bò giống tốt dẫn đến các nguồn gene bò bản địa sẽ mau chóng bị loại bỏ. Giá thức ăn liên tục tăng cao. Từ năm 2003 đến năm 2011 giá bắp đã tăng từ 2,42USD lên 6,5USD cho 1 bushel (đơn vị đo thể tích Mỹ = 36 lít). Một trong những nguyên nhân bắp tăng giá là bắp được dùng để sản xuất ethanol làm nhiên liệu. Vào thời điểm năm 1995 chỉ có 0,429 triệu tấn bắp được dùng để sản xuất ethanol thì đến năm 2010 đã lên đến 4,9 triệu tấn và hiện nay ở Mỹ có đến 39,5% sản lượng bắp được sử dụng để sản xuất ethanol.

       Trong tương lai, Nindooinbah xác định một số hướng cải tiến kỹ thuật trong sinh sản bò như sau: (1) Cải tiến đồng bộ các chương trình; (2) Sử dụng vòng CIDIR hoặc Cue Mate; (3) Cải tiến kỹ thuật chuyển cấy phôi; (4) Áp dụng kỹ thuật cắt phôi nhưng vẫn đảm bảo các phôi giữ toàn vẹn DNA của phôi gốc.

       Ở Tây Ninh, trước đây khi người Pháp sang lập điền cao su đã nhập một số giống bò thuộc nhóm Zebu và cho lai tạo với bò bản địa để phục vụ cho việc cày kéo nên chất lượng giống, tầm vóc của đàn bò đã được nâng lên. Vì vậy thời gian qua một người người chăn nuôi các tỉnh bạn đến Tây Ninh mua bò về làm giống. Ngày nay sức kéo của máy động cơ đã thay thế nên chăn nuôi bò của tỉnh cần phải có hướng đi phù hợp. Trên cơ sở nguồn gene hiện có cũng như đánh giá thị trường trong và ngoài nước để đề ra mục tiêu sản xuất cho đàn bò. Từ mục tiêu tiến hành các giải pháp phù hợp như: Nhập giống và kỹ thuật phù hợp để khai thác đàn bò có hiệu quả.  

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây