Kỹ thuật nuôi dế

Thứ năm - 27/02/2014 17:45 2.346 0

 Dương Hồng Đức – Trạm KN huyện Gò Dầu

Nghề nuôi dế ở nước ta xuất hiện cách đây hơn 10 năm, bắt đầu từ huyện Củ Chi – TP.Hồ Chí Minh, sau đó nhân rộng ra các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh,.. và hiện nay, hầu như rải rác khắp cả nước đều có mô hình nuôi dế, từ các hộ nuôi nhỏ lẻ cho đến các trang trại nuôi quy mô lớn. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân đặc thù sau:

+ Hiệu quả kinh tế cao;

+ Vốn đầu tư thấp;

+ Không tốn nhiều thời gian chăm sóc;

+ Ít dịch bệnh;

+ Ít tốn diện tích;

+ Ít ô nhiễm môi trường;

+ Tận dụng được lao động nhàn rỗi.

Nhìn chung, nghề nuôi dế là một trong những nghề mới, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với một số ngành nghề chăn nuôi trước đây. Tuy nhiên, để nuôi quy mô lớn thành công, bà con cần nắm vững quy trình kỹ thuật, thường xuyên trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, học hỏi những người nuôi trước.

I. KỸ THUẬT NUÔI DẾ BỐ MẸ

- Sau khi dế mọc cánh (từ 55 – 60 ngày tuổi) bà con tiến hành chọn và ghép giống.

- Chọn dế bố dế mẹ to khỏe, cơ thể phát triển đầy đủ, không dị tật, màu sắc cơ thể sáng đẹp.

- Thức ăn, nước uống cho dế bố mẹ tương tự như dế con.

- Tỷ lệ ghép đôi giao phối đực cái là 1 đực - 2 cái.

- Mật độ nuôi là 30 – 40 con/m2 đối với chuồng gỗ, hay đối với thùng nhựa thì mỗi thùng 45 lít cho vào 2 con mái và một con trống, như vậy đảm bảo chất lượng con giống cũng như đảm bảo được số lượng và chất lượng trứng.

- Dấu hiệu dế sắp đẻ: Dế mái thường thụt lùi và chọc cây kim nhọn sau đuôi xuống đáy xô. Lúc này ta đặt máng đẻ vào là dế leo lên đẻ ngay.

1. Chuẩn bị máng đẻ:

Khi dế đẻ cần chuẩn bị máng đẻ cho dế, máng đẻ hình tròn có thể làm bằng xi măng, đường kính 10 - 12 cm, cho vào lớp đất dày ít nhất là 1,5 cm, độ ẩm vừa phải. Đặt khay đất vào đáy xô lệch sang một bên, bên kia úp chồng rế lên, phủ lên rế một ít cỏ tươi. Phun nước dạng sương lên cỏ tươi mỗi ngày 1 - 2 lần tạo nhiệt độ trong xô 25 – 27oC.

Mỗi ngày lấy máng đẻ trứng ra một lần cho vào xô ấp trứng và đưa máng mới vào để nhận trứng cho hôm sau.

2. Kỹ thuật ấp trứng:

Xô ấp trứng được thiết kế như sau:

Bỏ một lớp đất xốp vào đáy xô, cao khoảng 1cm, rộng khoảng 3cm. Để 3 máng trứng vào chính giữa xô, phủ lên một lớp cỏ mỏng, mỗi ngày phun nước 1- 2 lần để giữ ẩm.

Hoặc trước khi cho máng trứng vào xô ấp trứng, ta chuẩn bị hai khăn bông vuông (loại khăn rửa mặt trẻ em nhỏ, cỡ 10 x 10 cm), nhúng nước ướt rồi đặt dưới đáy thùng ấp, sau đó đặt máng trứng trên khăn ướt và dùng khăn ướt thứ hai đã nhúng nước đậy lên máng trứng để giữ độ ẩm. Sau khi đã làm xong các việc nói trên đậy nắp thùng lại. Cứ 3-4 ngày, thay khăn ướt một lần để giữ độ ẩm. Nhiệt độ cần cho trứng nở khoảng 25-27oC. Sau 8-12 ngày là dế nở. Khi thấy dế đã nở hết, ta lấy khay đẻ ra khỏi xô ấp và chuyển dế con vào xô ương nuôi riêng.

Nên để 2 - 3 máng trứng vào một chậu nuôi, như thế vừa đảm bảo mật độ vừa tạo đồng đều cho dế, không nên để khay trứng đẻ của 2 - 3 ngày khác nhau vào cùng một chậu, như vậy khi dế nở sẽ có con to, con nhỏ không đồng đều.

II. KỸ THUẬT NUÔI DẾ THỊT

1. Chuồng nuôi, dụng cụ và vật liệu:

a. Chuồng nuôi:

Tùy theo điều kiện của mỗi hộ nuôi, có thể lựa chọn một trong các hình thức nuôi sau:

- Nuôi trong thau nhựa;

- Nuôi trong thùng nhựa;

- Nuôi trong chuồng sàn bằng gỗ phủ bạt hoặc kẽm nhuyễn xung quanh;

- Nuôi trong chuồng xi măng;

- Nuôi trong thùng giấy cạc tông loại lớn, dày.

b. Dụng cụ:

- Rế tre, rổ tre, chà cây khô, cọng rơm, giấy… là những vật tạo khoảng không cho dế sinh sống leo trèo, lột xác và trốn tránh kẻ thù. Mỗi lần lột xác dế rất mềm và thường bị đồng loại cắn, ăn vì thế cần tạo nhiều không gian sinh sống cho dế như vậy sẽ tránh được hao hụt đầu con. Các loại giấy đã qua sử dụng hoặc giấy báo được vo lại rất hữu ích để nuôi dế, dưới đáy chậu nuôi được lót 1 lớp giấy sẽ dễ dàng hơn cho lần vệ sinh sau, đồng thời đây cũng là thứ để dế gậm nhấm.

- Máng ăn: Bà con có thể tận dùng nắp nhựa có sẵn, vỏ hộp sữa chua, các đĩa chấm thức ăn có đường kính từ 4 - 5cm, có vành cao 1cm, hoặc bà con có thể tự đổ bằng xi măng.

- Máng uống: Tương tự như máng đựng thức ăn. Ngoài ra, có thể sử dụng bình phun nhỏ tưới hoa phun dưới dạng phun bụi vào thành thùng nhựa nuôi dế (mỗi ngày 1 – 2 lần)  hoặc phun lên rau cỏ trước khi cho dế ăn

c. Vật liệu nuôi dế

Thức ăn: Chủ yếu là rau, cỏ tươi và cám hỗn hợp.

Nước uống: Sạch, đảm bảo vệ sinh, không nhiễm thuốc trừ sâu, …

2. Kỹ thuật nuôi dế thịt:

a. Cách nuôi dế từ mới nở đến 15 ngày tuổi

- Dế mới nở từ 01 máng trứng trung bình được khoảng 1.000 con, ta chuyển sang ương nuôi riêng trong thùng nhựa 80 lít.

- Mỗi thùng nuôi để từ 1 - 2 cái rế tre cho dế có chỗ đậu, leo treo, trú ẩn.

- Để vào chậu dế 2 - 3 khay thức ăn .

- Lúc này ta để thức ăn của gà con xay nhuyễn vào cho dế mới nở ra ăn, ngày 2-3 lần và bỏ vào xô nuôi một lớp cỏ tươi non cho dế con trú ẩn và nhấm nháp.

- Để tránh làm dế con chết đuối, bà con không nên để khay nước vào mà chỉ cho dế uống nước bằng cách phun vào búi cỏ, hoặc lá rau cho dế ăn, cũng có thể dùng miếng vải tẩm nước cho dế hút nước.

b. Cách nuôi dế từ 15 đến 45 ngày tuổi

- Lúc này dế đã lớn các bạn có thể đặt máng nước vào cho dế uống được mà không sợ dế bị chết đuối nữa. Thông thường, nên để 1 khay nước, 2 khay thức ăn cho dế. Bà con nên cho thêm rế tre cho dế đậu, thêm các loại lá, rau, cỏ cho dế ăn.

- Cỏ được rửa sạch, nếu cỏ chuẩn bị từ trước đã ráo nước thì phun nước cho cỏ hơi ướt rồi bó thành từng bó nhỏ cỡ bằng nắm tay (0,1 – 0,2 kg/bó) để trong thùng nuôi cho dế ăn và leo trèo. Tuỳ theo tốc độ dế ăn mà cho ăn phù hợp đảm bảo không lãng phí.

- Cứ mỗi ngày thay nước và thức ăn một lần, nếu còn cám bà con nên bỏ đi và thay cám mới. Riêng cỏ xanh có thể 2-3 ngày thay mới một lần.

- Khoảng 5 - 7 ngày vệ sinh một lần, tránh nước đọng, ẩm mốc, tránh để thức ăn tồn dư, hôi mốc và không để máng đẻ trong thùng nuôi như nuôi dế đẻ.

- Mật độ tối ưu:

+ 400-500 con/thùng 80 lít.

+ 300 con/thùng 45 lít.

- Đối với chuồng nuôi dế bằng xi măng hoặc chuồng gỗ, thành chuồng nhẵn tránh dế bò ra, che đậy bằng lưới phía trên, nuôi 1.000 con/m2, chồng vào 25 rế, tạo khoảng không cho dế.

- Chuồng xi măng xây xong cần ngâm nước cho hết chất xi măng.

- Xung quanh chuồng làm rãnh nước tránh kiến, côn trùng xâm hại….

c. Thu hoạch:

Dùng vợt nylon nhỏ thu hoạch, cho vào thùng giấy cùng với rế, cỏ tươi di chuyển xa dế không chết.

Vận chuyển xa: Rửa sạch dế, đem đông lạnh, thời gian có thể 5 –7 ngày.

Phải vệ sinh dụng cụ sau mỗi lần thu hoạch. Và rế phải để hơn 1 tháng mới đem dùng lại.


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây