Tác hại của chất cấm trong thực phẩm nông lâm thủy sản

Thứ sáu - 29/10/2021 00:00 1.060 0

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề được quan tâm của toàn xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm thường xuyên được thực hiện sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, đảm bảo sản phẩm "sạch" trên thị trường góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở Nông và Phát triển nông thôn phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành, phòng kinh tế thị xã Hòa Thành, thành phố Tây Ninh và Ban quản lý các chợ triển khai thực hiện giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ thuộc địa bàn thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành và huyện Châu Thành; 02 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại huyện Châu Thành.

Đoàn kiểm tra đã lấy 41 mẫu thực phẩm các loại tại 37 cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn để giám sát an toàn thực phẩm với các chỉ tiêu phân tích: kháng sinh cấm, chất cấm, phụ gia, chất bảo quản, hóa chất cấm. Kết quả: có 04/41 mẫu vi phạm có kháng sinh, hóa chất cấm. Cụ thể: 01 mẫu khô cá cơm tại chợ Long Hải, thị xã Hòa Thành phát hiện tồn dư Trichlorfon với hàm lượng 3.709,18 mg/kg; 01 mẫu mắm tôm chua ngọt tại chợ Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh phát hiện tồn dư Enrofloxacin với hàm lượng 14,37 mg/kg; 01 mẫu khô cá nục tại chợ Cao Xá, huyện Châu Thành phát hiện tồn dư Trichlorfon với hàm lượng 319,8 mg/kg; 01 mẫu mề gà tại chợ Thanh Điền, huyện Châu Thành phát hiện tồn dư Formaldehyde với hàm lượng 16,24 mg/kg và Hàn the (Borax).

Đoàn kiểm tra tiến hành thông báo kết quả đến cơ sở có mẫu không đạt, thực hiện truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào đồng thời hướng dẫn cơ sở thực hiện ký cam kết kinh doanh thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phổ biến thông tin về tác hại của các hóa chất có trong thực phẩm qua đợt giám sát như sau:

1. Enrofloxacin

- Enrofloxacin là một loại thuốc kháng sinh diệt khuẩn, có hoạt phổ kháng khuẩn rộng với vi khuẩn Grma âm và Gram dương. Thuốc có dạng bột, kết tinh màu trắng, ít tan trong nước, nhưng tan tốt trong dung môi hữu cơ. Enrofloxacin được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa của hầu hết động vật, Enrofloxacin phân bố chủ yếu ở gan, thận và phổi và thấp nhất là ở não.

- Enrofloxacin được sử dụng để phòng trị bệnh trên động vật thủy sản, việc lạm dụng kháng sinh đã làm tồn dư kháng sinh trong thực phẩm. Người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có tồn dư kháng sinh không chỉ gây hội chứng ngộ độc cho con người, về lâu dài có thể phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật đường ruột gây rối loạn quá trình tiêu hóa, đồng thời tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể, gây ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác trong gan, thần kinh, hệ tiêu hóa, tim …

Do những tác hại của kháng sinh nói chung, Enrofloxacin nói riêng đến sức khỏe của con người, Enrofloxacin được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục hóa chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam, công bố mã HS đối với thuốc thú y nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam.

2. Trichlorfon

- Trichlorfon là một loại hóa chất hữu cơ không mùi, không màu có trong thuốc trừ sâu Dipterex. Đây là loại thuốc trừ sâu lân hữu cơ được sử dụng để diệt côn trùng như gián, rệp, bọ chét, ruồi, bọ ve, và rầy lá. Một số người sử dụng để đuổi ruồi, muỗi, kiến …. đối với sản phẩm thủy sản khô.

- Trichlorfon có độc tính cao và dễ dàng hấp thụ qua da, sau khi hóa chất tiếp xúc qua da trong vài phút hay kéo dài trong vài giờ, thuốc sẽ thấm qua da, đi vào máu và tác động đến chức năng thần kinh do ức chế enzyme cholinesterase. Biểu hiện ngộ độc Trichlorfon sẽ đến nhanh trong vòng vài phút cho đến 12 giờ tùy vào hàm lượng nhiễm độc.

- Một số triệu chứng gặp phải như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, đau mắt, mờ mắt, chảy nước mắt, đổ mồ hôi hay hôn mê. Bên cạnh đó, hóa chất này còn gây độc mãn tính đối với người sử dụng. Khi tiếp xúc nhiều với Trichlorfon xuất hiện một số biểu hiện như: giảm trí nhớ, mất tập trung, mất phương hướng, trầm cảm, ác mộng, mộng du và buồn ngủ hoặc mất ngủ. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy trichlorfon có khả năng gây đột biến gen, quái thai và biến dạng xương trên chuột (mice), chuột cống (rat) và chuột đồng (hamster).

- Trichlorfon được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục hóa chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, cấm sử dụng ở Việt Nam, công bố mã HS đối với thuốc thú y nhập khẩu được phép lưu hành tại Việt Nam.

3. Hàn the (hay Borax)

Hàn the (Borax) là một hợp chất thường thấy trong cuộc sống hằng ngày. Chúng có màu trắng, không mùi không vị, tan trong nước, có tính sát khuẩn.

Nhiều người sử dụng hàn the nhằm mục đích bảo quản thực phẩm được tươi ngon và lâu hư hơn vì chúng sát khuẩn và diệt được nấm mốc. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá liều lượng hoặc người ăn phải hàn the trong thời gian dài lại tác động đến sức khỏe một cách nghiêm trọng, điển hình như:

Lượng hàn the tồn tại trong cơ thể nếu lên đến 5g có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính hoặc tử vong. Cơ thể chỉ có thể đào thải độc tố được khoảng 70%, phần còn lại sẽ bị hấp thụ và tích tụ dần vào các cơ quan khác.

+ Tích tụ trong gan lâu ngày gây hại gan, suy gan, các bệnh lý khác về gan.

+ Tích tụ trong thận gây suy thận, rối loạn các chức năng tuyến thận.

+ Kích thích thần kinh làm cho người dùng dễ bị trầm cảm, khó chịu, mệt mỏi, suy nhược.

+ Đối với phụ nữ, gây rối loạn kinh nguyệt.

+ Hàn the cực kì có hại cho mẹ bầu, thai nhi và trẻ em, gây biếng ăn và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.

4. Formaldehyde (hay Formol, Formalin)

- Formol là dung dịch bão hoà của formaldehyde trong nước. Formaldehyde là loại hoá chất với mùi cay hăng rất đặc trưng được sử dụng tương đối rộng rãi trong công nghiệp. Formaldehyde có thể hình thành từ những hoạt động của con người (đốt rác, khói thuốc lá, ....). Formaldehyde có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, cơ chế diệt khuẩn giống như các tác nhân diệt khuẩn khác nghĩa là "giết" các mô tế bào. 

- Người ta sử dụng Formol để bảo quản thực phẩm do Formol dễ dàng kết hợp với các Protein (thường là thành phần các loại thực phẩm) tạo thành những hợp chất bền, không thối rửa, không ôi thiu, nhưng rất khó tiêu hóa. Chính tính chất này đã bị lợi dụng để kéo dài thời gian bảo quản của các thực phẩm như bánh phở, hủ tiếu, bún, bánh ướt…

- Tuy nhiên, Formol có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo, chỉ với hàm lượng thấp, Formol mà cơ thể con người tiếp xúc thường xuyên trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho sức khoẻ như có khả năng gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng, phổi. Nghiêm trọng hơn, Formol là tác nhân gây ra sai lệch và biến dị các nhiễm sắc thể, phụ nữ có thai bị nhiễm có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.

Do những tác hại mà hàn the (Borax) hay Formaldehyde (Formol, Formalin) gây ra cho sức khỏe con người, Bộ Y tế không đưa hai (02) chất này vào danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội, người tiêu dùng nên lựa chọn các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, xuất phát từ cơ sở kinh doanh có uy tín và không sử dụng chất cấm (Borax), Formaldehyde (Formol, Formalin), Trichlorfon và các chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH LẤY MẪU CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT ATTP NÔNG LÂM THỦY SẢN NĂM 2021




  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây