HƯỚNG DẪN NGƯỜI CHĂN NUÔI, THỦY SẢN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 18/2021/NQ-HĐND VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VIỆC ÁP DỤNG QUY TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT

Thứ sáu - 10/06/2022 10:41 443 0
HƯỚNG DẪN NGƯỜI CHĂN NUÔI, THỦY SẢN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 18/2021/NQ-HĐND VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VIỆC ÁP DỤNG QUY TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT
HƯỚNG DẪN NGƯỜI CHĂN NUÔI, THỦY SẢN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 18/2021/NQ-HĐND VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VIỆC ÁP DỤNG QUY TRÌNH THỰC HÀNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT

Ngày 9/12/2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ban hành Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022-2025. Để triển khai Nghị quyết này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã có văn bản số 1736/HD-SNN ngày 16/5/2022 về việc Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022-2025.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thực hiện theo Hướng dẫn số 1736/HD-SNN cụ thể như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG ĐIỀU KIỆN VÀ NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ

1. Đối tượng áp dụng

1.1. Hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, cá nhân, hộ gia đình sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp và thủy sản an toàn thuộc Danh mục sản phẩm được hỗ trợ theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND (sau đây gọi là cơ sở).

1.2. Không bao gồm hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, cá nhân, hộ gia đình chăn nuôi gia công. 

2. Điều kiện được hưởng hỗ trợ

Các cơ sở được hỗ trợ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

2.1. Sản phẩm có đăng ký thực hiện áp dụng VietGAP.

2.2. Có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ đối với sản phẩm được ghi trong Giấy đăng ký áp dụng VietGAP và có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tại địa điểm đăng ký áp dụng VietGAP. Giấy đăng ký thực hiện áp dụng VietGAP theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 16/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

2.3. Điều kiện về quy mô sản xuất

Sản phẩm đăng ký áp dụng VietGAP phải đáp ứng quy mô diện tích của nhóm sản phẩm như sau:

3. Nguyên tắc hỗ trợ

3.1. Cơ sở được đề nghị hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực sản xuất chỉ được hỗ trợ một lần.

3.2. Việc hỗ trợ chỉ được thực hiện sau khi sản phẩm được đánh giá, chứng nhận VietGAP. Cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 mục II của Hướng dẫn này và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các nội dung, thông tin đã cung cấp.

3.3. Trường hợp cơ sở có sản phẩm đã được cấp chứng nhận VietGAP trước khi chính sách ban hành, chưa được hỗ trợ kinh phí đăng ký cấp Giấy chứng nhận từ nguồn ngân sách nhà nước, khi đăng ký chứng nhận lại được đề nghị hỗ trợ kinh phí áp dụng VietGAP đối với các chính sách tại khoản 4 Điều 5 của Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND.

II. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN

1. Hồ sơ đăng ký áp dụng, hỗ trợ kinh phí áp dụng VietGAP

a) Thành phần hồ sơ đăng ký áp dụng VietGAP trong trường hợp đăng ký cấp giấy chứng nhận VietGAP lần đầu

- Giấy đăng ký áp dụng VietGAP của cơ sở có xác nhận của UBND cấp xã (theo mẫu tại Phụ lục I kèm theo Hướng dẫn này).

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định trong thời gian ít nhất là 3 năm kể từ ngày đăng ký thực hiện VieGAP (bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản sao hợp đồng thuê đất có xác nhận UBND xã).

b) Thành phần hồ sơ đăng ký áp dụng VietGAP trong trường hợp đăng ký cấp lại giấy chứng nhận VietGAP

- Thành phần hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 mục III của Hướng dẫn này và bổ sung Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP được cấp lần đầu (bản sao).

c) Thành phần hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí áp dụng VietGAP

- Bản đề nghị hỗ trợ kinh phí áp dụng VietGAP của cơ sở sản xuất (theo mẫu tại Phụ lục II kèm theo Hướng dẫn này);

- Giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP (bản sao có chứng thực);

- Hóa đơn và chứng từ có liên quan kinh phí phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí (bản chính);

-  Hóa đơn và hợp đồng xây dựng hệ thống xử lý chất thải (bản chính);

-  Hóa đơn và chứng từ có liên quan thuê đơn vị tư vấn đào tạo, tập huấn (bản chính);

-  Hóa đơn và hợp đồng với đơn vị đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAP (bản chính).

2. Trình tự thực hiện

2.1. Trình tự đăng ký

- Trước khi thực hiện VietGAP, cơ sở nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 mục III của Hướng dẫn này đối với trường hợp đăng ký cấp giấy chứng nhận VietGAP lần đầu hoặc đăng ký cấp lại giấy chứng nhận VietGAP tại Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố Tây Ninh (viết tắt là UBND cấp huyện) có trách nhiệm:

+ Tổ chức kiểm tra sự phù hợp của địa điểm đầu tư (địa điểm có phù hợp với điều kiện về quy mô sản xuất, thẩm định nội dung đăng ký của cơ sở, hướng dẫn cơ sở bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định).

+ Thông báo kết quả thẩm định bằng văn bản cho cơ sở (trường hợp không đạt yêu cầu phải nêu rõ lý do).

+ Tổng hợp Danh sách cơ sở đăng ký đạt yêu cầu (theo mẫu tại Phụ lục III kèm theo Hướng dẫn này) gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ đăng ký VietGAP trước ngày 15/6 (đợt 1) và trước ngày 01/11 (đợt 2) hàng năm.

+ Tùy tình hình đăng ký của địa phương, UBND cấp huyện có thể gộp các cơ sở đăng ký với nhau để thực hiện một số nhiệm vụ chung như: lấy đại diện mẫu đất, nước, không khí chung cho xã/khu vực; tổ chức đào tạo, tập huấn nhiều cơ sở trên địa bàn xã để triển khai thực hiện chung cho toàn huyện.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hồ sơ và thông báo kết quả hồ sơ cho UBND cấp huyện biết để thông báo cho cơ sở triển khai thực hiện và theo dõi việc thực hiện của cơ sở; định kỳ hàng năm tổng hợp hồ sơ đăng ký, kinh phí dự kiến hỗ trợ gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh để xem xét bố trí kinh phí hỗ trợ.

2.2. Trình tự hỗ trợ kinh phí

- Sau khi cơ sở được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm VietGAP gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm c khoản 1 mục III của Hướng dẫn này đến Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (đối với lĩnh vực trồng trọt) hoặc Chi cục Chăn nuôi và Thú y (đối với lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản) trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y có trách nhiệm:

+ Kiểm tra hồ sơ đề nghị hỗ trợ, thông báo đến cơ sở các trường hợp bổ sung hồ sơ hoặc không đạt yêu cầu và nêu rõ lý do.

+ Phối hợp UBND cấp huyện thẩm định nội dung đề nghị hỗ trợ kinh phí của cơ sở.

+ Tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ.

+ Tiến hành cấp phát kinh phí hỗ trợ cho cơ sở thông qua tài khoản tại ngân hàng theo đơn đăng ký hỗ trợ và thanh quyết toán theo quy định.

+ Thời gian giải quyết hồ sơ thanh quyết toán được chia làm 2 đợt như sau:

* Đợt 1: giải quyết cho các hồ sơ từ ngày 01/01 đến trước ngày 15/6.

* Đợt 2: giải quyết cho các hồ sơ từ ngày 15/6 đến trước ngày 01/11.

* Đối với năm 2022, tổ chức xem xét giải quyết hồ sơ thanh quyết toán một đợt trước ngày 01/11/2022.

III. QUY TRÌNH THỰC HÀNH CHĂN NUÔI TỐT VIETGAHP

1. Đối với chăn nuôi trang trại, thực hiện theo Quyết định số 4653/QĐ-BNN-CN, ngày 10/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VIETGAHP) gồm 14 yêu cầu:

• Các yêu cầu về địa điểm đặt trang trại nuôi;

• Các yêu cầu bố trí trong khu vực chăn nuôi;

• Các yêu cầu về chuồng nuôi và trang thiết bị dùng trong chăn nuôi;

• Các yêu cầu về giống và quản lý nguồn gốc con giống, quy trình chăn nuôi;

• Các yêu cầu về vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong chăn nuôi;

• Các yêu cầu về quản lý thức ăn và nước uống cho vật nuôi;

• Quản lý vận chuyển/di chuyển đàn nuôi;

• Quản lý dịch bệnh đàn vật nuôi;

• Quản lý chất thải và bảo vệ môi trường;

• Kiểm soát động vật và côn trùng gây hại;

• Yêu cầu về nhân sự và quản lý nhân sự;

• Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm;

• Quy định về tự kiểm tra, đánh giá trong nội bộ trang trại/công ty;

• Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại.

2. Đối với chăn nuôi nông hộ, thực hiện theo Quyết định số 2509/QĐ-BNN-CN ngày 22/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quy chế chứng nhận và quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn, gà an toàn trong nông hộ.

3. Đối với nuôi trồng thuỷ sản, thực hiện theo Quyết định số 3824/QĐ-BNN-TCTS ngày 06/9/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quy phạm thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt Việt Nam.

Việc thực hiện VIETGAHP chăn nuôi, thuỷ sản mang lại lợi ích cho người chăn nuôi; là chính sách ưu đãi của tỉnh nhằm đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi, thuỷ sản nói riêng theo hướng sản xuất tốt, sản xuất an toàn VIETGAHP, tạo tiền đề phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi, thuỷ sản./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây