Trước đây, chăn nuôi bò trên địa bàn huyện chủ yếu là các giống bò lai sind có ngoại hình nhỏ, trọng lượng sơ sinh nhẹ và tốc độ tăng trưởng thấp, do đó nhu cầu về cải tạo giống bò địa phương là rất cấp thiết. Khi thực hiện đề án "Phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020", đàn bò của huyện đã được cải tạo được các vấn đề nêu trên. Nhờ hiệu quả của phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) nên được người dân hưởng ứng và ủng hộ. Kết quả thực hiện đề án trong thời gian qua đã giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển đàn bò theo hướng thịt; cải tạo, nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò địa phương, tránh hiện tượng đồng huyết; giải quyết công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo và tăng thu nhập cho người chăn nuôi.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Súng ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu: Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi chủ yếu theo hình thức thả rông, khó kiểm soát việc lai tạo giống và phát triển số lượng đàn nuôi, bò tự phối giống với nhau nhiều khi xảy ra tình trạng cận huyết, nên bê con sinh ra có ngoại hình thường thấp, bé, nhiều bệnh tật, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng vật nuôi. Năm 2018, được sự hỗ trợ, tư vấn của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, gia đình tôi đã áp dụng phương pháp TTNT để gieo tinh cho đàn bò; đồng thời được tham gia tập huấn chăm sóc bò cái sau khi được TTNT, cả quá trình mang thai và phương thức sử dụng thức ăn hỗn hợp để chăn nuôi đàn bò được hiệu quả hơn. Đến nay, đàn bò của gia đình tôi có số lượng lên tới 14 con bò cái nền, với tầm vóc cao lớn, béo khỏe, cho hiệu quả kinh tế cao, lãi mỗi năm đạt tới gần 100 triệu đồng. Qua 03 năm tham gia đề án, gia đình tôi đã có nhiều bê lai chuyên thịt F1, bê đực sử dụng nuôi thương phẩm, bê cái đẹp sử dụng làm giống nhằm phát triển đàn bò đạt năng suất cao về con giống, khả năng sinh trưởng và phát triển tốt.
Ngoài hộ ông Súng còn có một số hộ khác áp dụng phương pháp TTNT bò nhằm cải tạo đàn bò theo hướng thịt hiện này đang mang lại hiệu quả cao, cụ thể:
Gia đình ông Nguyễn Thành Long thuộc ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá cho biết: Sau khi áp dụng phương pháp TTNT giúp khả năng đậu thai đạt tới 90%, gia đình có thể chọn lựa được các giống bò như mong muốn; đến nay đàn bò nhà ông lên đến 10 con, bê con sinh ra đều có tầm vóc cao hơn so với trước đây.
Gia đình ông Trần Văn Mon ấp Thuận Phước, xã Truông Mít hiện đang nuôi 4 con bò 3B. Được biết, trước đây, đàn bò cái của gia đình anh đều được phối giống bằng phương pháp truyền thống. Năm 2018, được sự hỗ trợ của cán bộ Thú y xã, gia đình ông đã sử dụng tinh bò 3B để thực hiện TTNT. Sau khi bò cái được phối giống và mang thai, gia đình kết hợp cho ăn thức ăn tự nhiên và thức ăn hỗn hợp trong cả quá trình mang thai. Nhờ đó, bê con sinh ra có ngoại hình to, khỏe, lớn nhanh, đạt năng suất cao hơn khoảng 20-25% so với bò địa phương.
Nhìn chung, qua công tác TTNT đã tăng hiệu quả của ngành chăn nuôi bò thông qua việc chủ động phối giống, rút ngắn chu kỳ sinh sản, tăng tỷ lệ số bò cái được phối giống trong năm, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Qua thực tế triển khai đề án, nhận thấy việc TTNT góp phần cải thiện được khả năng di truyền, có thể áp dụng rộng rãi đến tận các hộ chăn nuôi vùng sâu, vùng xa, cải thiện được năng suất, chất lượng ở các thế hệ đời sau; mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho người dân, đáp ứng được nguyện vọng của người chăn nuôi và phù hợp với chủ trương của tỉnh, tăng thu nhập và góp phần tăng tỷ trọng sản xuất cho ngành.
Do đó, nhằm cải tạo chất lượng đàn bò, nâng cao năng suất sản lượng thịt. Trong thời gian tới, Trạm chăn nuôi và Thú y Dương Minh Châu tăng cường đẩy mạnh công tác TTNT, nâng cao tay nghề dẫn tinh viên, tổ chức các lớp tập huấn cho người chăn nuôi về hiệu quả của việc cải tạo giống bò theo hướng bò chuyên thịt so với giống địa phương trước đây.
Hình: Hộ ông Nguyễn Văn Súng ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá
Hình: Nhân viên Thú y thụ tinh nhân tạo cho bò cái
Hình: Hộ ông Nguyễn Thành Long ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá
Chi cục Chăn nuôi và Thú y (TCNTYDMC)
Ý kiến bạn đọc