Hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng và xử lý phản ứng sau tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục trâu, bò

Thứ ba - 17/08/2021 16:00 952 0

Hiện nay tình hình dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò đang có diễn biến phức tạp, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như vệ sinh, tiêu độc khử trùng; tiêu diệt côn trùng truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng,…) đang rất được quan tâm đặc biệt việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cực kỳ quan trọng trong phòng ngừa bệnh.

Nhằm giúp người chăn nuôi nâng cao hiệu quả tiêm phòng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng và xử lý phản ứng sau tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục (VDNC) trâu, bò như sau:

I. LOẠI VẮC XIN VÀ BẢO QUẢN, SỬ DỤNG

1. Loại vắc xin

Hiện nay có 02 loại vắc xin có hiệu quả cao phòng bệnh VDNC trên trâu, bò là Lumpyvac do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất và vắc xin Mevac do Ai Cập hoặc Jordan sản xuất.

2. Đường tiêm, liều lượng

- Đường tiêm: dưới da.

- Liều lượng:   + Vắc xin Lumpyvac: 2ml/con.

                       + Vắc xin Mevac: 1ml/con.

3. Bảo quản, sử dụng

Người chăn nuôi cần đọc kỹ và thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin về chủng loại, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, bảo quản, liều lượng, cách dùng, vị trí, đường tiêm trước khi sử dụng, cần lưu ý một số nội dung như sau:

- Vắc xin bảo quản ở nhiệt độ từ 20C đến 80C, tránh ánh sáng trực tiếp. Trong quá trình vận chuyển phải luôn giữ trong thùng xốp đá lạnh hoặc đá khô.

- Vắc xin nhược độc dạng đông khô pha với nước muối sinh lý vô trùng hoặc dung dịch pha vô trùng chuyên biệt dùng pha vắc xin, đã được làm lạnh. Sau khi pha, dùng trong 2 giờ. Thời gian miễn dịch ít nhất là 12 tháng; không cần tiêm liều tăng cường.

II. QUY TRÌNH TIÊM PHÒNG

1. Nguyên tắc thực hiện

- Tiêm vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò của các hộ tại thôn/xóm có nguy cơ thấp trước, sau đó tiêm vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò của các hộ tại thôn/xóm đã có trâu, bò bị bệnh.

- Bảo đảm tuyệt đối tránh làm lây nhiễm chéo giữa các hộ, khu vực khi tổ chức tiêm vắc xin.

- Kiểm tra lâm sàng trâu, bò, bê, nghé trước khi tiêm phòng.

2. Đối tượng tiêm phòng

a) Trường hợp tiêm phòng vùng không bị áp lực dịch bệnh, tiêm phòng định kỳ bình thường

- Trâu, bò sức khỏe bình thường bao gồm cả trâu, bò đang cho sữa không mắc bệnh VDNC.

- Bê, nghé sinh ra từ những con mẹ đã được tiêm phòng vắc xin VDNC và được bú sữa non; từ những con mẹ đã từng mắc bệnh: tiêm lúc > 6 tháng tuổi.

- Bê, nghé sinh ra từ những con mẹ chưa được tiêm phòng vắc xin VDNC: tiêm lúc > 4 tháng tuổi.

- Trâu, bò đang mang thai: trước đẻ 1 tháng không nên tiêm.

b) Trường hợp tiêm phòng vùng đang bị dịch

- Trâu, bò sức khỏe bình thường bao gồm cả trâu, bò đang cho sữa không mắc bệnh VDNC.

- Bê, nghé sinh ra từ những con mẹ đã được tiêm phòng vắc xin VDNC và được bú sữa non; từ những con mẹ đã từng mắc bệnh VDNC: tiêm lúc >6 tháng tuổi.

- Bê, nghé sinh ra từ những con mẹ chưa được tiêm phòng vắc xin VDNC: tiêm lúc > 2 tháng tuổi. Nên lặp lại 1 mũi lúc bê, nghé được 4 tháng tuổi.

- Trâu, bò đang mang thai: trước khi đẻ 1 tháng không nên tiêm.

3. Chuẩn bị trước khi tiêm

- Dụng cụ liên quan đến việc tiêm phòng phải được xử lý vô trùng trước và sau khi sử dụng; thay kim tiêm cho mỗi con trâu, bò (không được dùng chung kim tiêm để rút vắc xin hoặc tiêm phòng cho nhiều con trâu, bò). Sử dụng kim tiêm phù hợp.

- Để đảm bảo tiêm vắc xin đúng liều lượng, đúng vị trí, tránh trường hợp tiêm vắc xin ra ngoài, thiếu liều hoặc không đúng vị trí làm ảnh hưởng đến chất lượng tiêm phòng cần phải chuẩn bị đủ dây thừng, kẹp mũi,...để cố định trâu, bò chắc chắn tại chuồng nuôi.

- Panh, bông, cồn sát trùng.

4. Kỹ thuật tiêm phòng

- Pha vắc xin đông khô với nước pha.

- Lắc kĩ chai vắc xin đã pha, lấy dung dịch vắc xin vào xi lanh.

- Đứng phía sau mắt con vật hoặc khuất tầm nhìn con vật.

- Sát trùng phần da cổ nơi định tiêm bằng cồn Iot hoặc dung dịch sát trùng.

- Kéo da phần cổ con vật lên, cắm kim tiêm vào chếch 1 góc 45-60 độ nếu con vật nhỏ hơn 6 tháng và chếch 1 góc 60 - 90 độ nếu con vật lớn hơn 6 tháng. Bơm nhẹ nhàng vắc xin vào và day nhẹ chỗ tiêm sau khi rút kim để cho dung dịch vắc xin tản đều, tránh con vật giãy giụa mạnh làm chệch kim tiêm khiến vắc xin bị trào ra ngoài.

- Thay kim tiêm sau mỗi lần tiêm.


Hình ảnh cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin VDNC

III. LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH TIÊM PHÒNG

- Không tiêm vắc xin phòng các bệnh khác, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc corticosteroid trước và sau một tuần tính từ thời điểm tiêm vắc xin VDNC.

- Kiểm tra lâm sàng trước khi tiêm phòng: Trâu, bò khỏe có gương mũi ướt, đi đứng, ăn uống,… mọi trạng thái đều bình thường.

- Chỉ tiêm vắc xin cho trâu, bò hoàn toàn khỏe mạnh, đúng tuổi; không tiêm cho đàn trâu, bò đang mắc bệnh (chưa khỏi triệu chứng lâm sàng), trâu, bò ốm yếu hoặc đang có những vết thương chưa lành.

- Sau khi tiêm thân nhiệt có thể tăng nhẹ và sản lượng sữa có thể giảm tạm thời ở một số cá thể.

- Theo dõi sức khỏe đàn trâu, bò hàng ngày sau khi tiêm và cho trâu, bò nghỉ ngơi; không cho trâu, bò làm việc nặng như cày, kéo,... Khi trâu, bò có biểu hiện phản ứng bất thường cần báo ngay cho cán bộ thú y hoặc người trực tiếp tiêm phòng để can thiệp, xử lý.

IV. XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP TRÂU, BÒ BỊ PHẢN ỨNG SAU TIÊM PHÒNG VẮC XIN

- Phản ứng cục bộ: vị trí tiêm, vùng xung quanh nơi tiêm sưng tẩy, đỏ. Con vật thấy mệt mỏi hơn bình thường, có thể thấy thân nhiệt tăng nhẹ và sản lượng sữa giảm tạm thời. Biện pháp xử lý là cho trâu, bò ăn uống đầy đủ, nằm nghỉ ngơi râm mát, kín gió,yên tĩnh trâu, bò sẽ tự khỏi sau một vài ngày.

- Phản ứng toàn thân: con vật có thể biểu hiện như triệu chứng bệnh, ủ rũ, mệt mỏi ăn ít hoặc bỏ ăn, không muốn đi lại, có con rơi vào trạng thái sốt, khó thở. Biện pháp xử lý dùng loại thuốc (Adrenaline, Atropin, vinathazin...) để xứ lý ngay khi trâu, bò bị phản ứng, viêm, sốc phản vệ và dùng thuốc trợ sức trợ lực cho con vật như: Cafein, Promethazine, Glucoza, Vitamin, Bcomlex,…

V. QUẢN LÝ, GIÁM SÁT SAU TIÊM PHÒNG

- Bảo đảm tuyệt đối không được bán hay di chuyển trâu, bò đã được tiêm phòng đi nơi khác, không nhập thêm trâu, bò mới vào đàn đã tiêm trong vòng ít nhất 21 ngày sau khi tiêm.

- Cách ly nghiêm ngặt trâu, bò đã bị bệnh trong vùng tiêm phòng. Tuyệt đối không nhốt chung trâu, bò đã bị bệnh, nghi bị bệnh với trâu, bò được tiêm vắc xin.

- Theo dõi, chăm sóc tốt đàn trâu, bò đã được tiêm phòng vắc xin.

- Hàng ngày thực hiện vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chuồng trại và phun hóa chất đặc hiệu diệt côn trùng như ruồi, muỗi, ve, mòng, ...

Chi cục Chăn nuôi và Thú y


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây