HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT NUÔI CÁ LÓC BẰNG BỂ BẠT TRÒN TUẦN HOÀN NƯỚC

Thứ năm - 21/04/2022 22:00 831 0
HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT NUÔI CÁ LÓC BẰNG BỂ BẠT TRÒN TUẦN HOÀN NƯỚC

1. Tình hình chung

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 579,71 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi cá lóc là 55 ha. Cá lóc được nuôi nhiều tại huyện Dương Minh Châu (35,76 ha); huyện Bến Cầu (11,95 ha) và rãi rác một một số huyện khác. Có 3 hình thức nuôi chính gồm:

+ Nuôi ao đất với diện tích 55 ha khoảng 120 hộ nuôi. Nguồn nước sử dụng từ kênh, rạch, sông. Thức ăn sử dụng là thức ăn công nghiệp hoặc tự chế biến. Ưu điểm mô hình nuôi này là tận dụng được thức ăn thừa, ít tốn công chăm sóc. Nhược điểm năng suất thấp, tốn nhiều nước, không chủ động được nguồn nước; tốn nhiều công để thu hoạch; dễ bị thất thoát khi mưa to. Khó quản lý địch hại.   


                Hình: nuôi cá lóc thâm canh

Nếu nuôi thâm canh có thể kiểm soát được chất lượng nguồn nước cấp, xử lý nước trước khi sử dụng. Nuôi thâm canh mang lại được giá trị kinh tế cao hơn so với nuôi quảng canh.

+ Có 47 hộ nuôi lồng bè với 67 lồng nuôi. Lồng bè được nuôi chủ yếu trên sông Vàm Cỏ Đông. Thức ăn chính được sử dụng là các loài cá tạp. Ưu điểm của phương pháp này là mật độ nuôi cao. Nhược điểm khó kiểm soát được chất lượng nước nuôi, tốn công vệ sinh lồng, khó xử lý khi dịch bệnh xảy ra, không chủ động được chất lượng nước.

+ Nuôi hình thức bể, bồn có 88 hộ, với thể tích 480m3. Nguồn nước cấp đa số từ nước giếng, bể bồn thường được xây dựng bằng gạch. Thức ăn chính từ cá tạp, thức ăn viên…Ưu điểm phương pháp này chủ động được nguồn nước cấp, quản lý được dịch bệnh. Nhược điểm là sử dụng thức ăn từ nguồn cá tạp, tốn công chăm sóc.

- Mô hình nuôi bằng bể bạt tròn tuần hoàn nước là mô hình nuôi mới. Ưu điểm là kiểm soát được chất lượng nước cấp; thành phần địch hại; dịch bệnh; thuận tiện trong vệ sinh bạt nuôi; chủ động nguồn nước cấp; mật độ nuôi cao, năng suất cao. Nhược điểm là chí phí đầu tư cao.

2. Kỹ thuật nuôi cá lóc bể bạt tròn tuần hoàn nước

2.1. Hệ thống bể nuôi

- Thông thường, mô hình nuôi cá lóc bể bạt tròn tuần hoàn nước được thiết kế như sau:

+ Nước từ ao cấp được dẫn lên các bể bạt để nuôi cá sau đó nước dẫn vào các ao xử lý nước thải. Ao chứa nước thải này được sử dụng để nuôi cá trê vàng và một số loại cá khác nhằm tận dụng lượng thức ăn dư thừa và các loại động thực vật phù du.

+ 20 bể bạt tròn, dung tích mỗi bể khoảng 78m3.

+ 4 ao gồm: 1 ao lắng xử lý nước cấp và 3 ao xử lý nước thải.

+ Hệ thống ống nước: gồm hệ thống ống dẫn nước từ ao lắng lên các bể bạt và hệ thống ống dẫn nước thải từ bể bạt xuống ao xử lý nước thải.

+ Trong bể có hệ thống sục khí, để cung cấp kịp thời oxy khi môi trường nuôi bị thiếu.


                                                                                        Hình: bể nuôi với hệ thống ống dẫn

2.2. Giống

- Nguồn gốc giống: từ các cơ sở sản xuất giống có uy tín và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, cơ sở đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống.

- Tiêu chuẩn chọn lựa cá giống: cá phải khỏe mạnh, kích cở đồng đều, không bị sây xát, không dị tật, màu sắc tươi sáng.

- Mật độ thả nuôi/bể bạt: trung bình 180-200 con/m3.

2.3. Quản lý chất lượng nước

- Nguồn nước sử dụng: nước kênh thủy lợi hoặc nước giếng. Một số chỉ tiêu chất lượng nước như Oxy, pH, NO2 , nhiệt độ nước….. được đo tại cao cấp nước đầu vào ngày/lần.

- Xử lý nước: nước được dẫn vào ao lắng, sử dụng vôi, BKC để khử trùng và diệt tảo và sinh vật gây hại. Sau 2-3 ngày nước được bơm trực tiếp vào bể nuôi.

- Thay nước 3-4 ngày/lần.

2.4. Thức ăn, dinh dưỡng

- Loại thức ăn: sử dụng thức ăn công nghiệp. Có độ đạm tùy vào giai đoạn nuôi.

- Số lượng/ngày: tùy vào từng giai đoạn nuôi, trong 3 tháng đầu cá nhỏ cho ăn 3 lần/ngày; sau đó 2 lần/ngày cho tới khi xuất.

- Thời gian cho ăn: sáng và tối.

2.5. Quản lý dịch bệnh

- Giống được xử lý bằng muối hoặc chlorine trước khi thả vào bể, định kỳ 7 ngày/lần trộn Vitamin và khoáng chất vào thức ăn để giúp tăng đề kháng cho cá.

- Điều trị cá bệnh: bệnh thông thường trên cá lóc gồm gù lưng, gan thận mủ… điều trị bằng cách trộn thuốc và kháng sinh vào thức ăn cho cá ăn 2 lần/ngày.

2.6. Thu hoạch

- Sau 8 tháng kể từ khi thả giống cá đạt trọng lượng để thu hoạch.

- Trọng lượng thu hoạch từ 600-700g/con.

2.7. Hiệu quả kinh tế của mô hình

- Chi phí lưu động: 6.186.000.000 đồng/vụ. Trong đó:

+ Con giống: 300.000 con x 220 đồng/con = 66.000.000 đồng.

+ Thức ăn: 245 tấn/vụ x 24.000 đồng/kg = 5.880.000.000 đồng.

+ Thuốc và hóa chất sử dụng: 500.000 đồng/tháng/bể x 20 bể x 8 tháng =  80.000.000 đồng.

+ Nhân công: 5.000.000 đồng/tháng x 2 người x 8 tháng = 80.000.000 đồng.

+ Điện: 10.000.000 đồng/tháng x 8 tháng = 80.000.000 đồng.

- Khấu hao tài sản cố định: 180.000.000 đồng/vụ. Trong đó

+ Chi phí xây dựng bể: 50.000.000 đồng/bể sử dụng 5 năm. Trung bình một vụ 133.333.333 đồng/20 bể.

+ Chi phí xây dựng hạ tầng trại như: đào ao, hệ thống ống dẫn…: 350.000.000 đồng, sử dụng 5 năm. Trung bình một vụ khấu hao 46.666.667 đồng.

- Sản lượng thu hoạch/bể: hao hụt trên 1 bể khoảng 1.000 con. Thu hoạch khoảng 700g/con. Vậy tổng sản lượng thu hoạch: 196 tấn. Giá bán hiện nay: 35.000 đồng/kg. Doanh thu: 196 tấn x 35.000 đồng/kg = 6.860.000.000 đồng.

- Vậy lợi nhuận từ cá lóc là 490.000.000 đồng/vụ.

 

Chi cục Chăn nuôi và Thú y (phòng Chăn nuôi và Thú y)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây