Vào thời điểm mưa lớn hàng năm (từ tháng 8, 9 trở đi), mực nước lòng Hồ Dầu Tiếng dâng lên rất nhanh, đây là thời điểm khó khăn, phức tạp trong công tác bảo vệ rừng ở các khu vực rừng ven Hồ Dầu Tiếng, nhất là trên tuyến sông Sài Gòn.
Nước dâng lên, len theo các con suối, rạch chạy sâu vào trong rừng, đây chính là con đường thuận tiện cho các đối tượng chuyên trộm cắp lâm sản vận chuyển bằng đường thuỷ. Ban ngày họ lẻn vào rừng lựa chọn, đánh dấu cây, ban đêm hoặc khi trời mưa thì vào cắt cây và dùng xe gắn máy (kéo cù tự chế có 02 bánh), vận chuyển xuống bến nước nơi gần nhất. Sau đó, dùng xuồng (ghe) chuyển qua bên kia sông thuộc địa phận tỉnh Bình Phước, tập kết tại các bến bãi có sẵn để bán cho thương lái, khi đủ số lượng thì thương lái đem xe tải vào bốc xếp và chuyển đi tiêu thụ.
Việc trộm cắp lâm sản gia tăng vào mùa nước lớn là điều biết trước; tuy nhiên, để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các đối tượng khai thác rừng trái phép là hết sức khó khăn, phức tạp, đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng của lực lượng bảo vệ rừng. Tại các chốt, trạm bảo vệ rừng, hầu như ngày nào lực lượng bảo vệ rừng đi công tác đều bị theo dõi. Trên lòng hồ Dầu Tiếng, một số đối tượng giả danh hành nghề đánh cá nhằm mục đích để theo dõi hoạt động công tác của lực lượng tuần tra bảo vệ rừng. Một số trường hợp phát hiện quả tang vận chuyển lâm sản trái phép cũng khó bắt giữ, trên sông họ sẵn sàng chặt đứt dây thừng, đẩy gỗ xuống nước rồi tháo chạy.
Một vụ vận chuyển lâm sản trái phép trên sông Sài Gòn
Trong thời gian qua, lực lượng bảo vệ rừng tại Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã có nhiều cố gắng nỗ lực, gian nan vất vả cả ngày lẫn đêm, thường xuyên phối hợp với cơ quan kiểm lâm sở tại tổ chức tuần tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi khai thác rừng, trộm lậu lâm sản trái phép ven sông Sài Gòn. Kết quả đã bắt giữ, chuyển giao cho cơ quan chức năng xử lý phương tiện vi phạm gồm: 06 cù kéo tay, 04 xe gắn máy, 03 ghe máy và hơn 100 cây cừ tạp, cùng một số lâm sản phụ khác (sầm sim, le). Ngoài ra, Ban quản lý Khu rừng cũng đã bố trí thêm 02 chốt bảo vệ rừng tại khu vực suối Bồ Húc (K16, TK 48) và khu vực suối Dứa (K6, TK 50); nhờ tăng cường lực lượng bảo vệ rừng nên đã hạn chế tối đa tình trạng khai thác rừng; tình trạng ngang nhiên vận chuyển lâm sản trái phép trên sông Sài Gòn đã không còn xảy ra.
Đặng Quang Thắng, chuyên viên BQL Khu rừng PHDT
Ý kiến bạn đọc