Thu nhập của người nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ

Thứ bảy - 24/12/2016 03:00 113 0

Thực hiện theo đúng quy hoạch lâm nghiệp đã được phê duyệt, trong những năm qua, trên địa bàn Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (PHDT) vẫn duy trì công tác trồng rừng phủ xanh, nâng cao độ che phủ của rừng đảm bảo khả năng phòng hộ của hồ Dầu Tiếng; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập từ rừng cho người dân, qua đó giúp người dân gắn bó lâu dài với rừng, góp phần bảo vệ biên giới, bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ trật tự trị an trên địa bàn.

Từ năm 2010-2015, Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã thực hiện giao khoán trồng rừng 2.055,9 ha cho 850 hộ gia đình nhận khoán; trung bình mỗi năm diện tích rừng trồng tăng thêm 342,7 ha.

Các mô hình trồng rừng được đa dạng hóa nhằm tạo điều kiện cho người nhận khoán trồng rừng có thêm thu nhập; trong đó, cây phù trợ là Cao su, Keo, Điều được trồng hỗn giao với cây trồng chính Sao, Dầu. Ngoài ra, người dân còn được phép trồng xen cây nông nghiệp trong 03 năm đầu khi mới trồng rừng.

Theo giá cả thị trường năm 2016, qua tính toán hiệu quả kinh tế từ việc trồng rừng mang lại, nguồn thu nhập sản phẩm từ cây nông nghiệp trồng xen và tỉa thưa rừng trồng qua một chu kỳ 06 năm, đã đem lại thu nhập cho người nhận khoán trồng rừng trung bình gần 15 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra các hộ nhận khoán trồng rừng còn được nhận thêm 135.000 đồng/ha/năm từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Tuy nguồn thu từ việc nhận khoán trồng rừng còn thấp, việc thu hái, bán sản phẩm từ cây trồng xen và cây phù trợ còn hạn chế nhưng cũng đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, tạo thêm việc làm, giảm tác động vào rừng tự nhiên nhất là đối với các hộ dân tộc thiểu số sống trên địa bàn.

Đối với diện tích rừng tự nhiên và khoanh nuôi tái sinh, Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cũng thực hiện giao khoán cho các nhóm hộ Bảo vệ rừng với các thành viên chủ yếu là người dân địa phương tham gia bảo vệ rừng. Tổng số hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng trong năm 2016 của đơn vị hiện có 58 người chia làm 10 nhóm hộ thực hiện quản lý, bảo vệ 11.608,8 ha rừng tự nhiên và 3.738,8 ha rừng khoanh nuôi tái sinh.

Thu nhập trung bình từ việc nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên và khoanh nuôi tái sinh là 76 triệu đồng/người/năm, trong đó thu nhập từ chi trả dịch vụ môi trường rừng là 23 triệu đồng/người/năm.

Có thể thấy với mức thu nhập khoảng 06 triệu đồng/người/tháng, tuy không cao nhưng đủ cho người nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên có cuộc sống ổn định

Hứa Thu Trang BQL Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây