Hiện nay nhu cầu sử dụng đồ gỗ và các mặt hàng trang trí nội thất ngày càng cao, ngành công nghiệp chế biến gỗ vẫn sử dụng nhiều gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, điều này đã tạo sức ép lên tài nguyên rừng tự nhiên vốn đang bị suy giảm. Việc trồng rừng có hiệu quả sẽ tạo cơ hội cho việc phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, giúp giảm gánh nặng lên các khu rừng tự nhiên. Do đó, phải tạo được những khu rừng trồng đa dạng về loài, có năng suất, chất lượng tốt, đủ điều kiện khai thác bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu gỗ cho tiêu dùng và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Các mô hình trồng rừng phổ biến trong các khu rừng trồng thuộc Ban quản lý khu rừng Văn hóa Lịch sử Chàng Riệc thường là trồng hỗn giao 02 loài cây gồm 01 loài cây bản địa là cây Sao, Dầu, … và 01 loài cây phụ trợ là Keo, Xà cừ, Tếch, .. Trong đó, diện tích trồng Keo chiếm diện tích lớn nhất. Với chu kỳ khai thác 5-7 năm, cây Keo được sử dụng làm bao bì là chủ yếu nên giá trị kinh tế thấp, thu nhập của hộ nhận khoán trồng rừng từ đó cũng giảm theo.
Để nâng cao chất lượng rừng trồng, tạo nguồn nguyên liệu gỗ nhiều chủng loại, vừa đem lại thu nhập kinh tế cho người tham gia trồng rừng. Ban quản lý khu rừng văn hóa lịch sử Chàng Riệc trồng thí điểm loài cây phù trợ mới là cây chiêu liêu nước. Vì gỗ chiêu liêu hiện nay rất được ưa chuộng trên thị trường.
Chiêu liêu nước có tên khoa học là Terminalia calamansanai (Blanco) Rolfe thuộc họ Bàng (Combretaceae), Bộ Sim (Myrtales). Ở Việt Nam cây mọc ở vùng núi Nam trung bộ Gia Lai, Kontum và mọc phổ biến ở các tỉnh miền đông Nam bộ, Núi Dinh - Bà Rịa Vũng Tàu, vùng đồi núi thấp, Kiên Giang, Hà Tiên, Phú Quốc.
Đặc điểm hình thái:
Cây rụng lá vào mùa khô cao 15 - 30m, đường kính trung bình 50 - 70cm, nhưng cũng có cây có đường kính tới 2m. Phân cành mập, cao. Lá đơn, mọc cách, thường tập trung phía đầu cành. Lá cứng hình ngọn giáo, đầu có mũi nhọn thuôn dần về phía gốc dài 6 - 10cm, rộng 2 - 3cm. Phiến lá có mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới hơi thô, gân bên 4 - 6 đôi, nổi rõ ở mặt dưới, hơi rõ ở mặt trên, gân mạng lưới không rõ. Cuống lá dài 2 - 3cm, không có lông, có 2 tuyến ở gốc, cụm hoa dạng bông rất dày, hoa mọc ở nách lá phía đầu cành, dài 10 - 15cm, cuống chung phủ dày lông mịn màu vàng hung.
Hoa lưỡng tính màu trắng ngà có mùi thơm hắc, lá bắc nhỏ, dài 1 - 2mm, có nhiều lông, sớm rụng. Cánh đài hợp ở gốc thành hình đấu, trên chia 5 cánh hình tam giác, có nhiều lông. Không có cánh tràng. Nhị 10, dài 2 - 3mm đính xen kẽ với cánh đài, đĩa phân thùy có lông. Bầu hạ phủ rất nhiều lông, 1 ô, 2 noãn, vòi dài 3mm, có lông ở phía dưới.
Quả dẹt, có 2 cánh, có lông trắng mịn, bề ngang 2 - 5cm, cao 1,5 - 4cm. Một hạt, dài 7 - 10mm, rộng 3 - 6mm.
Đặc điểm sinh học, sinh thái:
Cây thuộc loài cây ưa sáng, thường gặp ven rừng, ưa đất sét pha cát, ẩm, có nhiều mùn. Hoa tháng 7 - 8. Quả tháng 9 - 10.
Công dụng:
Gỗ màu trắng trung bình, mịn, dễ gia công, dùng đóng đồ đạc thông thường trong gia đình, xây dựng. Vỏ có tanin.
(Tài liệu dẫn: Cây gỗ kinh tế - Trần Hợp, Nguyễn Bội Quỳnh - trang 823)
Chiêu liêu nước Terminalia calamansanai (Blanco) Rolfe.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc:
Hố đào 30x30x30cm trước khi trồng 15-20 ngày, kết hợp bọn lót 150 gam phân hữu cơ vi sinh cho 01 hố.
Trồng bằng cây con có bầu 01 năm tuổi, trồng hỗn giao với các loài cây bản địa như Sao, Dầu với cự ly hàng cách hàng 4m, cây cách cây 2,5m.
Mô hình cây Chiêu liêu nước xen cây Dầu
Chăm sóc năm đầu 02 lần, lần 1 sau trồng 01 tháng chủ yếu làm cỏ vun gốc, lần 2 vào tháng 10-11 làm cỏ trên hàng, xới vun gốc, xử lý thực bì chống cháy. Từ năm thứ 2 trở đi mỗi năm làm cỏ, phát luỗng thực bì xâm lấn, xới vun gốc 02 lần vào giữa mùa mưa và cuối năm.
Nếu mô hình cây chiêu liêu thành công, phát triển được mô hình trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao sản lượng gỗ thương phẩm thì sẽ góp phần nâng cao chất lượng rừng theo hướng thâm canh, cả về năng suất chất lượng. Đồng thời cũng tạo ra vùng nguyên liệu gỗ mới với loài mới có giá trị đảm bảo nhu cầu thiết yếu về gỗ của người dân, hạn chế tình trạng khai thác gỗ trái pháp luật.
Ý kiến bạn đọc