Áp dụng biện pháp cơ giới hoá - kỹ thuật thâm canh khoai mỳ bền vững tại huyện Tân Châu

Thứ hai - 17/10/2016 01:00 188 0

 Hoà cùng sự phát triển chung của tỉnh, Thực hiện chủ trương đẩy mạnh Công Nghiệp Hóa - Hiện Đại Hóa, nông nghiệp và nông thôn, những năm gần đây ngành Nông nghiệp huyện Tân Châu đã có bước phát triển rất tích cực, bà con nông dân đã mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ Khoa học - Kỹ thuật vào trong sản xuất và đã mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ rệt, trong đó có việc ứng dụng cơ giới hoá vào trong sản xuất, đây được xem là bước phát triển mới đã được chính quyền địa phương và người dân chú trọng đẩy mạnh thực hiện.

Trong bối cảnh nền nông nghiệp hiện nay có xu hướng lạc hậu, thiếu sức cạnh tranh, quá trình sản xuất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, người sản xuất thường xuyên tiếp xúc hóa chất độc hại, tình trạng thiếu hụt lao động rất cao, kéo theo hệ luỵ chất lượng sản phẩm làm ra và chí phí giá thành của chúng ta không thể cạnh tranh được so với các thị trường bên ngoài. Vì vậy việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp hoạt động sản xuất được đơn giản hơn, đảm bảo lịch thời vụ gieo trồng liên tiếp và thu hoạch kịp thời, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn.

Tân Châu là một huyện có diện tích đất tự nhiên rộng lớn với 111.058,62 ha, chiếm ¼ diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 66.091,76 ha, chiếm 59,51% diện tích tự nhiên. Với trên 70% dân số chủ yếu phát triển nền kinh tế của gia đình dựa vào sản xuất nông nghiệp, các loại cây trồng chính như mía, mì, cao su, mãng cầu... được xem là loại cây trồng chủ lực ở địa phương. Nhằm cắt giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, giải phóng sức lao động cho người nông dân. Trong vụ Đông xuân 2015 – 2016, thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện Tân Châu, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp cùng với trạm Khuyến nông huyện triển khai dự án "Áp dụng biện pháp cơ giới hoá – Kỹ thuật thâm canh mỳ bền vững" trên địa bàn xã Tân Hưng và xã Suối Dây. Thông qua dự án, tất cả các công đoạn từ Cày, xới, lên luống, bón phân, phun thuốc, làm cỏ đến chặt hom, trồng và chăm sóc đều được thực hiện bằng cơ giới hoá, thay thế trên 2/3 nhân công lao động.

Việc áp dụng cơ giới hoá trong quá trình sản xuất mỳ tại địa phương đã giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động, giúp người dân chủ động kịp thời mùa vụ xuống giống và thu hoạch, tuy nhiên vẫn tồn tại một số khó khăn như: Tình trạng đất đai trên địa bàn phân chia manh mún, nhiều bờ, nhiều thửa, nên khi cơ giới hoá vào thực hiện còn rất khó khăn.

 

Để đẩy mạnh cơ giới hoá vào trong sản xuất, thời gian tới cần phải tập trung đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm giảm chi phí đầu tư nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, phù hợp với sự thiếu hụt lao động do chuyển dịch lao động nông thôn sang làm công nhân các khu công và dịch vụ, góp phần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của người dân.

Nhà nước cần có chủ trương quy hoạch tạo ra một cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện để máy móc vào hoạt động một cách dễ dàng. Hiện nay, người dân không có đủ nguồn vốn để đầu tư nên việc mở rộng sản xuất, thâm canh, tăng vụ và đầu tư máy móc, thiết bị còn rất nhiều hạn chế.   Nhiều nông dân có nhu cầu đầu tư máy móc vào sản xuất nhưng vẫn chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, do vậy các chính sách hỗ trợ về vốn là rất cần thiết đối với nông dân trong giai đoạn hiện nay./.

 

                                                                                                   ​Dương Thanh Phương Trạm Khuyến nông Tân Châu



 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây