Kỷ thuật canh tác tôm càng xanh - lúa luân canh

Thứ năm - 27/02/2014 17:35 250 0

 TS. Phạm Trường Yên – ThS. Võ Văn Vinh

 (Tiếp theo kỳ trước)

Ương tôm

Tôm bột có thể ương 3 - 4 tuần trước khi thả ra ruộng nhằm hạn chế hao hụt và tiện cho việc chăm sóc. Tôm bột có thể ương trong ao hay một phần của mương bao, mật độ ương từ 40 - 80 con/m2.

Đối với ruộng nuôi được chuẩn bị tốt nên thả trực tiếp tôm bột (Postlarva) trên ruộng.

Thả tôm

Nên thả tôm lúc sáng sớm hay chiều mát. Trước khi thả tôm cần ngâm bao tôm trong nước ao từ 20 - 30 phút để cân bằng nhiệt độ bên trong bao và bên ngoài môi trường nước. Khi nhiệt độ bên trong và bên ngoài bao tương đối cân bằng thì mở miệng bao cho nước bên ngoài vào trong bao, sau đó hạ từ từ cho tôm bơi ra ngoài. Không nên thả tập trung mà phải thả nhiều nơi và cách bờ khoảng 2,0 m.

Thức ăn

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong nuôi tôm là thức ăn. Tôm cần phải được cung cấp thức ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng để có thể phát triển tốt. Vì vậy việc xác định nguồn thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng và ổn định là điều cần thiết đối với người nuôi tôm.

- Thức ăn tự nhiên: Là thức ăn có sẵn trong thủy vực bao gồm động thực vật thủy sinh, thức ăn tự nhiên giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của các đối tượng thuỷ sản nuôi.

- Thức ăn tươi: Bao gồm cá, tép, cua, ốc, hến,... các phế phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản. Thức ăn tươi rất dễ làm chất lượng nước xấu đi nhanh chóng, hệ số tiêu tốn thức ăn cao. Đối với thức ăn tươi sống như cua, cá tạp, tép, ốc,... trước khi cho ăn phải được rửa sạch và đặt trong sàng ăn để hạn chế ô nhiễm nước.

- Thức ăn viên (công nghiệp), thức ăn chế biến: Các thành phần dinh dưỡng đã được phối chế phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của đối tượng nuôi. Qui trình công nghệ sản xuất thức ăn hiện đại đảm bảo chất lượng thức ăn, thời gian bảo quản lâu, hệ số thức ăn thấp, ít ảnh hưởng đến chất lượng nước trong hệ thống nuôi.

Trong quá trình nuôi nên kết hợp thức ăn viên và thức ăn tươi sống.

Các yếu tố quyết định đến chất lượng thức ăn viên

- Chất lượng của nguyên liệu: Nguyên liệu phải tươi, ít lẫn tạp chất. Nguyên liệu phải được tôm nuôi hấp thu tốt.

- Quy trình sản xuất phải hiện đại, vệ sinh. Kích cỡ viên thức ăn phù hợp với từng giai đoạn của đối tượng nuôi. Viên thức ăn phải có độ bóng, chậm tan trong nước, có mùi kích thích tôm nuôi mau bắt mồi.

- Thành phần dinh dưỡng phải cân đối và phù hợp với từng giai đoạn phát triển giúp tôm mau lớn. Hệ số thức ăn thấp.

Làm thế nào để xác định thức ăn tốt bằng phương pháp cảm quan

- Đặc điểm ngoài: Kích cỡ viên tương đối đều nhau, bề mặt của viên thức ăn bóng, thức ăn ít vụn, chìm nhanh khi đưa vào nước, có mùi hấp dẫn, khô ráo.

- Độ tan trong nước ít nhất 2 - 3 giờ để có thời gian cho tôm bắt mồi, hạn chế chất dinh dưỡng tan trong nước.

- Có mùi thơm hấp dẫn giúp tôm mau phát hiện và kích thích tôm ăn nhiều và ăn hết.

- Không có nấm mốc làm ảnh hưởng đến tôm nuôi.

- Kích cỡ viên thức ăn: Phải phù hợp với kích cỡ miệng của tôm nuôi ở từng giai đoạn.

Những vấn đề lưu ý khi sử dụng thức ăn viên

- Thức ăn kém chất lượng hoặc hư: Do quá trình trữ quá lâu, hết thời gian sử dụng hoặc do bảo quản không đúng yêu cầu kỹ thuật. Khi sử dụng thức ăn này tôm sẽ chậm lớn, tỉ lệ hao hụt cao.

- Chất lượng nước: Cho ăn dư sẽ làm chất lượng nước xấu đi. Lượng thức ăn dư thừa nhiều sẽ tích tụ ở nền đáy, khi thức ăn phân huỷ sẽ sinh khí độc (H2S) và làm giảm lượng oxy trong nước. Ngoài ra, thức ăn dư ở mức độ ít sẽ tác dụng như phân bón làm tảo phát triển mạnh (hiện tượng tảo nở hoa) gây ra hiện tượng thiếu oxy vào lúc sáng sớm.

Cách cho ăn

- Trong thời gian đầu tôm còn nhỏ khả năng bắt mồi kém, yêu cầu thức ăn có chất lượng dinh dưỡng cao, do đó nên sử dụng thức ăn viên (hàm lượng đạm từ 35 - 40%), thức ăn được rải đều khắp ao hoặc mương bao. Cho ăn 3 - 4 lần/ngày.

- Khi tôm đạt kích cỡ trên 10 g/con dùng thức ăn viên kết hợp luân phiên với thức ăn tươi sống. Thức ăn tươi sống phải được rửa kỹ và đặt trong sàn ăn để tiện theo dõi điều chỉnh lượng cho ăn tránh dư thừa. Cho ăn 2 - 3 lần/ngày.

Lượng cho ăn

Lượng thức ăn viên cho tôm được tính theo bảng dưới đây căn cứ theo ước lượng trọng lượng bình quân của mẫu thu và tỉ lệ sống của đàn tôm.

Lượng thức ăn tươi sống cho ăn từ tháng thứ hai trở đi, lượng cho ăn gấp 5-6 lần so với thức ăn chế biến.

Lượng thức ăn viên cho tôm

Trọng lượng tôm (g/con)

Lượng thức ăn (% trọng lượng đàn tôm)

2,5 - 3,0

4,0 - 5.0

6,0 - 9,0

10 - 13

14 - 20

21 - 27

28 - 34

35 - 40

6,5

5,5

4,2-4,5

3,7-4,0

3,0-3,5

2,5-2,7

1,7-2,0

1,0-1,4

Để điều chỉnh lượng cho ăn phù hợp cần lưu ý một số yếu tố như:

+ Theo dõi tăng trưởng của tôm, ước lượng trọng lượng đàn tôm.

+ Kết hợp cho ăn rải đều và cho ăn trong sàng để đánh giá lượng thức ăn tôm sử dụng.

+ Những ngày mưa bão nên giảm lượng thức ăn.

+ Khi nước ao bị dơ hay có mùi nên giảm lượng cho ăn.

Chăm sóc và quản lý ruộng nuôi

Nhiệt độ: Khoảng tháng 3-5 là thời điểm nắng nóng, nhiệt độ nước trên ruộng rất cao, đôi lúc lên đến 37 - 38oC làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm, tôm dễ bị tình trạng đục cơ hay cong thân. Ngoài ra khi nhiệt độ tăng cao sẽ làm giảm oxy và làm tăng hàm lượng khí độc. Để giảm tình trạng nhiệt độ tăng cao cần lưu ý độ sâu của mương bao phải giử được mực nước 1,2 - 1,5 m.

Oxy: Trong ruộng nuôi tôm lượng oxy hoà tan trong nước có sự biến động giữa ngày và đêm, nói chung vào thời điểm sáng sớm khi mặt trời chưa lên là lúc oxy thấp nhất. Tôm càng xanh yêu cầu hàm lượng oxy trong nước cao, do đó không được để màu nước quá xanh hay xám đen. Thường xuyên kiểm tra tôm vào ban đêm và lúc sáng sớm để xem tôm có bị thiếu oxy nổi đầu cặp bờ hay không. Biện pháp để tăng cường và ổn định oxy ở mức cao là thay nước và điều chỉnh màu nước.

pH: pH trong hệ thống nuôi biến động theo sự phát triển của tảo. pH tăng khi tảo quang hợp và phát triển mạnh. Những cơn mưa đầu mùa, nhất là đối với những hệ thồng nuôi mới xây dựng, sẽ rửa phèn từ bờ xuống hệ thống nuôi làm pH giảm. Ngoài ra sự phân huỷ mùn bã hữu cơ ở đáy ao cũng làm cho pH ở tầng này thấp. Dùng vôi CaO 7-10Kg/100m2 rải quanh bờ trước những cơn mưa lớn. Nếu pH nước xuống dưới 7 thì dùng vôi nông nghiệp CaCO3 hoặc Dolomite (đá vôi đen) CaMg(CO3)2 bón với lượng 2-3 kg/100m2.

Thay nước: Việc thay nước sẽ tăng thêm oxy, giảm các chất độc trong hệ thống nuôi. Ngoài ra việc thay nước sẽ kích thích tôm bắt mồi và lột xác. Thay nước được thực hiện định kỳ 2 lần trong tháng theo con nước cường.

Vào đầu mùa mưa, mùa lũ thường xuyên kiểm tra đăng, cống,... dọn cỏ quanh bờ bao tránh để nước dâng cao ngập cỏ gây phân huỷ làm thiếu oxy.

Địch hại: Bao gồm cá tạp, cá dữ, cua, rắn, ếch, chim,... tấn công trực tiếp đến tôm hay gián tiếp cạnh tranh thức ăn. Để hạn chế các đối tượng này bờ bao cần có lưới chắn và nước trước khi vào hệ thống nuôi phải qua lọc. Một dạng địch hại cũng cạnh tranh thức ăn với tôm rất nhiều mà người nuôi ít quan tâm là ốc bươu vàng và ốc đắng (ốc quắn)

Kiểm tra sinh trưởng: Kiểm tra tôm định kỳ là việc làm rất cần thiết nhằm xác định tình trạng phát triển của tôm để kịp thời giải quyết những tình huống xấu xảy ra. Hàng tháng cân đo tôm để xác định tốc độ tăng trọng; kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm hàng ngày, xem tôm có các dấu hiệu bệnh (như thối đuôi, các phụ bộ bị ăn mòn,...) hay chậm phát triển hay không để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thu hoạch

Sau 3 tháng nuôi, tiến hành thu tỉa để bán loại những con tôm cái, tôm mang trứng, tôm đực có càng xanh dài, tôm đóng rong.

10 ngày trước khi thu hoạch cần thay nước để kích thích tôm lột xác đồng loạt nhằm hạn chế số lượng tôm hao hụt do lột xác và tăng chất lượng tôm thành phẩm. Nên thu hoạch vào lúc sáng sớm, ao được bơm cạn một nửa sau đó dùng lưới kéo, số còn lại tát cạn thu hoạch bằng tay.

Một số trở ngại thường gặp trong nuôi tôm

+ Chất lượng nước xấu, thức ăn kém dinh dưỡng hay không đáp ứng đủ yêu cầu tăng trưởng của tôm là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tôm chậm lớn, phát sinh bệnh và tỉ lệ hao hụt rất lớn, trong quá trình nuôi cần lưu ý việc quản lý chất lượng nước và cho ăn là nhân tố quyết định đến thành công trong nuôi tôm.

+ Tôm đóng rong, tôm đực đôi càng phát triển rất lớn: Nguyên do chất lượng nước không tốt, dinh dưỡng kém, tôm chậm lột xác trong thời gian dài tạo điều kiện cho các sinh vật như tảo, nguyên sinh động vật ký sinh và phát triển mạnh tạo thành một lớp phủ lên cơ thể tôm. Khi tôm bị đóng rong, tôm khó di động thường hay cặp vào mé bờ, kém ăn, nếu tôm không lột xác được sẽ chết. Khắc phục bằng cách thay nước mới, tăng cường thức ăn giàu dinh dưỡng.

+ Tôm bị đen mang: Do nền đáy bị bẩn, nước có nhiều chất hữu cơ lơ lững, pH thấp, các nguyên sinh động vật, tảo, nấm. Tôm bị đen mang sẽ khó hô hấp và thường hay nổi đầu vào lúc sáng sớm. Khắc phục bằng cách thay nước mới, bón đá vôi nghiền (CaCO3) 7 - 10 kg/100m2.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây