Giống thuốc lá triển vọng mới nhập nội CSC07, đối phó với các bệnh do virus gây ra

Thứ hai - 17/10/2016 01:00 404 0

Cây thuốc lá vàng sau gần 30 năm tồn tại ở huyện Bến cầu đã mang lại công ăn việc làm , giúp người nông dân tăng thu nhập góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo và nhiều hộ trở nên giàu có từ việc trồng và sơ chế thuốc lá vàng. Nhưng diện tích thuốc lá giảm dần theo tỉ lệ nghịch của sự gia tăng mức độ gây hại những loại bệnh do virus gây ra. Để đối phó với tình hình trên, giải pháp về giống chống chịu với bệnh là ưu tiên số một.


Năm 1988 cây thuốc lá được đưa về trồng đầu tiên tại xã lợi thuận huyện Bến cầu với diện tích trồng 8,8 ha bằng giống coker 176. Sau mùa thu hoạch đầu tiên năng suất đạt 18 tạ/ha có chất lượng tốt, tỉ lệ phẩm cấp đạt loại 1, loại 2 cao chiếm đến 70% sản phẩm thu được. Lợi nhuận đem lại từ cây thuốc lá vàng cao gấp 1,5-2 lần so với trồng đậu phộng, những năm sau diện tích cây thuốc lá tăng nhanh, đỉnh điểm là năm 2000 gần 3000 ha, hầu như toàn bộ diện tích trồng cây đậu phộng đều chuyển sang trồng cây thuốc lá. Nhưng cũng kể từ lúc đó bệnh lỡ cổ rễ trên giống Coker176 phát triển mạnh. Với giải pháp về giống, sau khi khảo nghiệm đã nhận thấy giống mới K326 nhập từ Hoa Kỳ tỏ ra ít nhiễm bệnh nầy, cây có dạng hình thấp hơn Coker 176 nhưng cho năng suất cao hơn, mặc dù phẩm chất có kém hơn giống củ. Vậy là, kể từ đó giống K326 thay thế toàn bộ giống Coker176 đã giải quyết được bệnh lỡ cổ rễ trên cây thuốc lá.


Từ những năm 2000 bệnh héo đốm cà chua trên cây thuốc lá ( nông dân gọi là bệnh quăn đọt do virus gây ra) đã bắt đầu có xuất hiện lẽ tẻ trên ruộng thuốc lá và đến năm 2005 bệnh trở thành dịch làm cho nhiều hộ dân trồng thuốc bị thiệt hại nặng và   bệnh khảm (TMV) cũng gây thiệt hại đáng kể. Để giúp nông dân hạn chế với những bệnh nầy nhiều nhà khoa học từ các ngành đã tiến hành nghiên cứu tìm biện pháp đối phó. Trong khi chờ đợi các nhà khoa học, từ thực tiễn so sánh những ruộng thuốc bị nhiễm nặng và ít nhiễm với những điều kiện canh tác của những nông dân nơi đó, cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp bước đầu đưa ra những giải pháp giúp người dân trồng thuốc áp dụng như sau:

Text Box:

1/ Bảo hộ tốt cây con trong vườn ươm và vườn bầu:

Cây con được gieo trên vật liệu giá thể (vật liệu được sản xuất từ than bùn, dùng vôi để trung hòa độ pH và bổ sung phân NPK), kể cả dùng làm vật liệu đưa vào khay cấy cây con. Bên ngoài được phủ 2 lớp: Lớp 1 mành mành lỗ nhỏ có khung tre chống đỡ, dùng để đậy nhằm ngăn cản sự xâm nhập của tất cả côn trùng chích hút bay đến phá hại cây con truyền bệnh virus. Lớp 2 là loại màng phủ Poly đục nhằm hạn chế ánh sáng chiếu xuống cây con và che mưa cho cây nhất là những cây mưa cuối mùa.

2/ Thời vụ trồng : Trồng sớm tháng 10 hoặc muộn tháng 12 để tránh những đợt thời tiết có nhiệt độ thấp 19-21 0C trong giai đoạn cây thuốc tăng trưởng mạnh (Virus gây bệnh héo đốm cà chua nhân nhanh mật số trên cây nhiễm mầm bệnh ở nhiệt độ thích hợp nầy sẽ đủ lượng để gây bệnh cho cây).

3/ Bón phân cân đối NPK cho tất cả các lần bón. (khảo sát thấy những ruộng bón phân lần 1 và 2 thiếu kali bị bệnh nặng).

4/ Trồng thuốc lá trên đất có luân canh với cây lúa 2 vụ: hè thu và thu đông ( Giúp phân hũy tốt tàn dư thực vật).

5/ Tránh xa những nơi có trồng cây dài ngày hoặc lâu năm sẽ là nơi trú ẩn côn trùng chích hút truyền bệnh virus.

Với những giải pháp tạm thời trên cây thuốc lá đã giảm bệnh rõ rệt.

Mãi đến năm 2011 Công ty liên doanh BAT-VINATABA tiến hành khảo nghiệm một số giống thuốc mới nhập nội từ Brazil, địa điểm khảo nghiệm tại ấp Bàu tràm lớn xã Tiên thuận, huyện Bến cầu, tỉnh Tây ninh. Trong số đó, nhận thấy giống CSC07 có những đặc điểm tốt về hình thái, khả năng chống chịu với bệnh héo đốm cà chua và kháng được bệnh khảm. Sau 3 năm tiếp tục khảo nghiệm thì đến vụ đông xuân 2013- 2014, giống CSC07 được trồng khảo nghiệm 24 ha (tỉnh Tây ninh 7 ha trồng tại xã tiên thuận huyện Bến cầu và tỉnh Gia Lai trồng 17 ha). Vụ Đông xuân 2015-2016 trồng Khảo nghiệm sản xuất diện rộng 100 ha ( Tây ninh trồng 50 ha tại xã Tiên thuận và 50 ha tại tỉnh Gia lai).

Kết quả khảo nghiệm: (Giống CSC07 so với đối chứng K326)

Thời gian sinh trưởng tương đương so với giống đối chứng (K326), 110 ngày kể từ lúc đem ra ruộng trồng (không kể thời gian cây con  khoảng 40 ngày).

Giống mới chịu thâm canh.

Kháng bệnh khảm (TMV). Ít nhiễm bệnh héo đốm cà chua hơn so với đối chứng, kháng trung bình với bệnh héo rũ.

Chất lượng sản phẩm sấy tốt hơn so với đối chứng. lá vàng sấy có màu vàng cam so với đối chứng màu vàng chanh. cấp loại 1+2 đạt 69,8 % so đối chứng 68,5 %.

Năng suất cao hơn đạt trung bình 30,1 tạ/ ha so với đối chứng đạt 24,5 tạ/ ha.

Giống CSC07 ít hấp thu nguyên tố Cl hơn K326.

Hàm lượng Nicotin cao hơn đối chứng.

          Tuy nhiên có một bất lợi là kích thước lá giống CSC07 lớn nên khi xếp lá vào lò sấy củ có khoảng cách tầng gát thuốc được xây dựng trung bình 0,6-0,7m , so với chiều dài lá đạt 0,7-0,8m sẽ dễ bị cuốn đuôi lá, làm cản trở sự thoát hơi nước trong quá trình sấy. Vì vậy tốt nhất phải xây dựng lò mới phù hợp với kích thước lá của giống CSC07.

          Với kết quả khảo nghiệm trên ngành thuốc lá sẽ kiến nghị các ngành chức năng cho phép đưa giống CSC07 ra trồng diện rộng hơn sẽ giúp nông dân giảm sự thiệt hại các bệnh do virus gây ra trong những năm tới./.

 

                                                                                                               Phạm Thái Huân – Trạm KN Bến cầu.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây