Mô hình nhà lưới trồng rau và dưa leo đạt hiệu quả

Thứ tư - 02/01/2013 22:00 182 0

 Nguyễn Văn Quang – Trạm KN Thị xã

 

Trong thời gian từ khoảng tháng 5-6 dương lịch nhiều nông dân gieo trồng cây rau ăn quả là dưa leo phải vất vả vì thời tiết mưa, nắng thay đổi thất thường, nên phần đông nhiều người trồng ở thời gian này phải chịu nhiều thất bại. Tuy nhiên cũng tại khu vực này có một nông dân sản xuất giỏi đó là anh Nguyễn Bá Nhẫn đã trồng thành công mô hình dưa leo an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đầu tư hỗ trợ, đem lại năng suất khá cao so với những nông dân khác cùng trồng. Sự thành công này là do anh biết rút kinh nghiệm từ những lần đi tập huấn, tham quan trong và ngoài tỉnh từ những mô hình khác... song song đó quan trọng nhất là anh đã có sáng kiến là dùng dây tưới làm hệ thống tưới phun tự do bằng loại dây tưới có tạo những lỗ nhỏ 2 bên trên ống dây để tưới phun sương khi chạy máy bơm.

Địa điểm đất trồng dưa của anh là địa bàn ấp Ninh Nghĩa, xã Ninh Thạnh thuộc Thị xã Tây Ninh, thời gian gieo hạt, cụ thể là vào ngày 06 tháng 6 năm 2012, anh bắt đầu gieo hạt trên diện tích được chọn thực hiện mô hình sản xuất dưa leo an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư hỗ trợ trên diện tích 0,25 ha. Với mức hỗ trợ 100% giống dưa leo én vàng 17 (số lượng là 17,5 bịt/10gam/bịt và về phân bón hỗ trợ 30%, gồm phân hữu cơ sinh học, phân đơn N,P,K cùng thuốc bảo vệ thực vật dùng cho việc phun xịt cho cây dưa leo.

Trong quá trình canh tác của mình anh luôn đem hết tâm sức của mình và vận dụng những kiến thức đã được học hỏi qua các buổi tập huấn do Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ Thực vật tổ chức về cây rau ăn trái, hoặc các lớp học dạy nghề về trồng rau ATSH…Ngoài ra với tinh thần ham học hỏi nên khi các Công ty sản xuất giống đến quan hệ giới thiệu giống mới và tổ chức các đợt tham quan các mô hình trồng ở trong và ngoài tỉnh anh đều tham gia không ngại xa xôi, cực khổ, vì theo anh có đi như vậy mới thấy được cái hay cái dỡ của người sản xuất ở nơi đó mà về rút tỉa kinh nghiệm, nhằm áp dụng vào sản xuất tại mô hình của mình cho đạt kết quả và hiệu quả hơn. Thật vậy, trong khoảng thời gian anh trồng dưa leo, có những người khác trong vùng cùng trồng nhưng đều mang lại kết quả không cao, nhưng riêng anh đã đạt năng suất khá cao là 8 tấn/0,25 ha. Với giá bán tại thời điểm này biến động trong khoảng từ 3.000 đồng – 4.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi khoản chi phí lãi trên 12 triệu đồng.

Với cách trồng của vườn dưa cũng như bao người chung quanh khác, nhưng có điều anh biết vận dụng cách tưới nước đủ độ ẩm cho dưa trong thời điểm mưa nắng thất thường là dùng dây tưới nước loại sản xuất có đục những lỗ nhỏ theo sợi dây (dây có lỗ sẵn 2 bên, cứ khoảng hơn 20cm có 3 lỗ), rồi đặt theo khu vực chọn sẵn trong ruộng dưa, cứ  cách 3 hàng dưa, thì đặt một đường ống, cứ thế đặt dây đều trên đám dưa làm sao khi vận hành máy bơm thì nước sẽ tự phun sương sang hai bên làm ướt đều khu vực, với cách tưới này không làm ảnh hưởng đến dây dưa còn nhỏ mà còn làm cho đất đủ nước tạo độ ẩm thích hợp cho cây dưa mặc dù trời đang nắng hạn khắc nghiệt.

Đến khi dây dưa lớn và leo chà bắt đầu bịt kín không còn tưới bằng hệ thống này, thì anh Nhẫn lại áp dụng cách tưới bằng súng bắn nước. Hệ thống này được lắp đặt 7-8 súng dựng cố định để sao cho tưới ướt đều đám dưa khi vận hành máy bơm, với cách tưới này làm cho anh không tốn công phải cầm dây tưới đồng thời đất ướt đều, đủ độ ẩm giúp cho đám dưa phát triển tốt.

Đây là cách vận dụng sáng tạo của Anh nông dân chuyên sản xuất các loại hàng bông thuộc nhiều loại rau ăn trái khác trên địa bàn luôn mang lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn những nông dân khác trên khu vực xã Ninh Thạnh này. Do vậy từ những suy nghĩ và cách làm tiêu biểu, sáng tạo đó của thành viên tổ liên kết trồng rau an toàn, nên đến tháng 10/2012, anh Nhẫn được Trạm Bảo vệ Thực vật Thị xã quan tâm, chọn điểm và hỗ trợ đầu tư cho thực hiện trên diện tích 1.000 m2 mô hình nhà lưới bao kín chung quanh nhằm cách ly với các loại côn trùng bên ngoài.

Trong nhà lưới này được anh Nhẫn thiết kế hệ thống tưới bằng dây tự phun sương, rồi trồng một số loại rau ăn lá có thời gian thu hoạch ngắn như: Rau muống, cải bẹ xanh, cải ngọt...với cách trồng là thu hoạch xong thì tiến hành gieo lại ngay trên diện tích đó, nhằm rút nắn thời gian và quay vòng liên tục. Cho đến thời điểm gần trung tuần tháng 11/2012 này trong nhà lưới đã bắt đầu trồng lại lứa rau thứ hai xanh tốt đang được chăm sóc, để tiếp tục xuất bán trong thời gian tới.

Kết quả từ vụ rau đầu tiên này, anh Nhẫn đã thu về được với số tiền là 6.500.000 đồng, sau khi trừ đi mọi khoảng chi phí phân bón, giống...là 1.500.000 đồng và còn lãi 4.500.000 đồng. Với kết quả bước đầu này, anh tỏ ra rất phấn khởi cho biết, mặc dù diện tích nhà lưới tuy nhỏ, nhưng đã thể hiện được ưu điểm của nó là cách ly với bên ngoài, ngăn ngừa được các loại côn trùng phá hại mà trước đây khi chưa có nhà lưới, mình phải vất vả phun xịt bằng thuốc BVTV, chi phí tăng cao hơn so với hiện nay. Điều đặc biệt nhất của mô hình trồng rau trong nhà lưới này là không sử dụng thuốc BVTV.

Mô hình trồng dưa leo trong thời điểm giao mùa bằng dây tưới phun sương và hệ thống súng tưới phun tự động đã giúp anh Nhẫn thành công hơn các đồng nghiệp trong tổ liên kết trồng rau của xã Ninh Thạnh đồng thời việc mạnh dạn đi đầu áp dụng xây dựng nhà lưới, trồng các loại rau ăn lá bước đầu mang lại hiệu quả, cũng là điều khích lệ cho cá nhân người nông dân đạt danh hiệu Nông sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền và là một thông điệp cho tất cả những nông dân tổ liên kết trồng rau nên hướng tới để ứng dụng sản xuất rau an toàn và mong rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều nông dân trồng rau sẽ cung cấp ra thị trường Thị xã nhiều loại rau ăn lá, cũng như rau ăn trái có chất lượng tốt an toàn cho người tiêu dùng.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây