Mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao

Thứ năm - 03/01/2013 22:50 154 0

 Lê Phúc An – Trạm KN Tân Biên

 

Thạnh Bắc là một xã thuộc diện nghèo nhất trong các xã trên địa bàn huyện Tân Biên, nhưng không vì thế mà người dân ở đây cam chịu cảnh nghèo túng, họ luôn cố gắng phấn đấu lao động và sản xuất để vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên thoát nghèo và có một cuộc sống ấm no, điều kiện kinh tế vật chất đầy đủ hơn, góp phần thay đổi diện mạo cuộc sống của gia đình và của xã Thạnh Bắc. Một trong những gia đình có ý chí vươn lên từ hoàn cảnh khó khăn như thế là gia đình chị Phạm Thị Liên, ngụ tại số nhà 51, tổ 4, ấp Bàu Rã, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên mà bà con nông dân ở đây thường gọi là chị năm Liên.

 Chúng tôi đến thăm nhà chị vào một buổi sáng đầu tuần, lúc chị đang bận rộn với việc chăm sóc cho đàn gà hơn 500 con và đàn heo thịt hơn một trăm con, vừa làm việc chị vừa vui vẻ trò chuyện với chúng tôi một cách chân tình theo đúng kiểu nông dân Nam bộ, chân chất thật thà. Sau khi đã tạm xong công việc buổi sáng, chị tiếp chúng tôi bên tách trà thơm lừng bốc khói, câu chuyện quay về thời điểm chị bắt đầu lập nghiệp tại xã Thạnh Bắc này.

Chị cho biết quê gốc ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành, Tây Ninh, xuất thân từ gia đình cách mạng, cha mất sớm, mẹ tham gia kháng chiến từ năm 1947, gia đình có hai chị em, chị của chị đi bộ đội năm 1965 đã phục viên từ năm 1976, còn chị tham gia kháng chiến từ năm 1966 đến năm 1979 chuyển ngành làm việc ở Công ty Tamimex huyện Tân Biên, Tây Ninh, đến năm 1993 về hưu, cấp bậc trung úy, nghề nghiệp quân y sĩ, là thương binh ¾.

Từ khi về địa phương, chị được Nhà nước giải quyết chế độ chính sách một số tiền, chị mua được 3 ha đất rẫy cộng với nỗ lực lao động tích góp gia đình chị có thêm một số vốn nữa, chị đã mạnh dạn đầu tư sản xuất theo mô hình VAC(Vườn-Ao-Chuồng) do Hội Nông dân phát động. Buổi dầu, do chưa có kinh nghiệm nên chị đầu tư hơi dàn trải từ nuôi bò, nuôi dê, nuôi heo, nuôi vịt, nuôi cá… nhưng theo chị có lẽ do thời vận chưa tới cộng với chị chưa năm bắt được kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, kết hợp với việc giá cả thị trường, dịch bệnh liên tiếp xảy ra nên gia đoạn đầu chị đã gặp thất bại trong sản xuất. Với bản chất kiên cường của người lính bộ đội Cụ Hồ, không nản lòng trước khó khăn, thất bại, chị bắt tay vào làm lại từ đầu.

Chị tạm ngưng sản xuất một thời gian và tìm hiểu, nắm bắt kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất từ những mô hình có hiệu quả mà khuyến nông đã triển khai thực hiện đồng thời với việc tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật, tìm hiểu qua sách, báo, đài truyền hình. Chị đã dần tích lũy được cho mình một vốn kiến thức phong phú về sản xuất nông nghiệp.

Khi đã cảm thấy vững tin vào những gì mình đã có được, chị tiến hành thực hiện kế hoạch sản xuất mà chị đã dự tính, với diện tích đất rẫy, chị đầu tư trồng cao su, trong thời gian cao su còn nhỏ, rãnh rỗi chị quyết định đầu tư nuôi gà thả vườn.

Giai đoạn một: Chị chọn mua 40 con gà mái đẻ hết 6.000.000đ, sau đó gà đẻ, chị cho ấp nở và  tách mẹ ngay từ gà 01 ngày tuổi để gà mẹ mau đẻ lại, chị úm và chăm sóc gà con theo quy trình kỹ thuật, khi gà lớn, chị chọn lại một số gà mái đẹp để tiếp tục gây giống và bán số còn lại để đầu tư tiếp vào thức ăn, chuồng trại, thuốc thú y…

Giai đoạn hai: Năm 2010, chị chọn thành công được 150 con gà mái đẻ, chị tận dụng vật liệu sẵn có trong nhà và mua tôn để làm chuồng gà đẻ với diện tích 30m2 và chuồng úm gà con 30 m2 chia thành 30 ô với chi phí khoảng 4 triệu đồng, chi phí thức ăn hỗn hợp 90.000đ/ngày x 30 ngày x 12 tháng = 32.400.000đ, chi phí thuốc thú y 1.000.000đ, tổng chi 37.400.000đ/năm.

Gà mái giống ban đầu đẻ khoảng 80 trứng/ngày x 18 ngày x 12 tháng = 17.280 trứng x 3.500đ/trứng = 60.480.000 đồng.

Lợi nhuận trong năm 2010  của chị đạt 23.080.000 đ.

Giai đoạn năm 2011, chị nhận thấy gà đẻ ngày càng tăng, bán trứng thu nhập không cao, chị mạnh dạn lấy tiền lãi bán trứng năm 2010 đầu tư mua máy ấp trứng công suất 1.000 trứng/đợt ấp, cứ 21 ngày cho ra một đợt, chị chuyển qua chuồng úm và chăm sóc, phòng bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật: 3 ngày tuổi ngừa Newcastle, 7 ngày tuổi ngừa Gumboro, 11 ngày tuổi ngừa Đậu gà, 14 ngày tuổi ngừa Gumboro lần 2, 17 ngày tuổi ngừa cúm gia cầm, 21 ngày tuổi ngừa Newcastle lần 2. Trong suốt giai đoạn này, chị theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh nhiệt độ úm gà phù hợp, chị cho biết nếu gà con trong giai đoạn này úm không đúng cách sẽ bị còi cọc, chậm lớn.

Với năng suất 1.000 trứng, chị có được 800 con gà con, nuôi đến 21 ngày tuổi với quy trình chủng ngừa và chăm sóc như trên chị bán giá 20.000đ/con, chi phí cho một con gà con đến 21 ngày tuổi là 15.000đ/con chị còn lãi 5.000đ/con. Trong năm 2011 chị xuất bán gần 10.000 con và lãi được gần 50.000.000đ.

Hiện nay, cao su của chị cũng đã cho thu hoạch năm thứ 3, với diện tích 7 ha đã đem lại cho gia đình chị một nguồn thu nhập đáng kể mỗi năm hàng trăm triệu đồng, chị dùng vốn đầu tư nuôi heo, hiện tại trong dãy chuồng của chị có hơn 100 con heo thịt sắp xuất bán.

Chúng tôi được biết thêm, ngoài việc sản xuất giỏi, chị còn là một cán bộ hưu trí nhiệt tình với công tác đoàn hội, từ khi về địa phương, chị đã tham gia Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Suối Mây, ấp Bàu Rã, xã Thạnh Bắc. Chị sẵn sàng hỗ trợ cho các hội viên của các Chi hội trên gà con giống để phát triển chăn nuôi sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình và gây quỹ cho hội.

Chia tay chị, vẫn còn đọng mãi trong chúng tôi hình ảnh một người phụ nữ vóc người nhỏ nhắn với làn da ngăm đen nhưng lúc nào cũng tươi rói nụ cười và toát lên sự mạnh mẽ, dẽo dai của người phụ nữ Việt Nam qua mọi thời đại luôn cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc, cho gia đình thân yêu và cho cộng đồng.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây