KINH NGHIỆM TRỒNG CÂY LÚA NƯỚC TRONG ĐIỀU KIỆN NẮNG HẠN

Thứ ba - 29/01/2013 16:25 389 0
Những năm qua điều kiện thời tiết thật là bất lợi, mưa không thuận, gió không hoà, hết lũ lụt rồi đến nắng hạn, đã gây thiệt hại khá nhiều về người và của của nhân dân, anh Lâm Văn Thắng, nông dân ấp Tân Lập xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu đã áp dụng phương pháp diệt cỏ và bón phân cho lúa trong điều kiện thiếu nước và bước đầu đã có kết quả tốt.

 

 

Những năm qua điều kiện thời tiết thật là bất lợi, mưa không thuận, gió không hoà, hết lũ lụt rồi đến nắng hạn, đã gây thiệt hại khá nhiều về người và của của nhân dân.

Ở xã Tiên Thuận của tôi, vụ Hè Thu năm 2005, sau những ngày nắng hạn, đã thiệt hại hơn 100ha lúa. Nặng nhất là ấp Bàu Tép, bà con nông dân đã cố gắng tới cùng, hạ hầm sâu 2m đặt máy bơm chống hạn nhưng cuối cùng tắt mạch đành bó tay. Đến vụ mùa trời có mưa chập chững nên cũng có đủ nước để bơm cho lúa sống nhưng đến thời điểm thu hoạch thì lại phải bơm ra để vớt lúa. Nông dân hoàn toàn bị động, kẹt công  lao động và máy suốt, bà con chạy đôn chạy đáo như cá tát đìa sắp cạn vì lúa  lên mộng ở ngoài đồng. Còn hy vọng gì ở cây thuốc lá hay không? Có khoảng hơn 100 ha cây con quá lứa không ra ruộng được. Gánh nặng về nỗi lo thất mùa đang đè nặng trên vai người nông dân Tiên Thuận. Có nhiều hộ phải đổi hoặc mua lúa giống chuẩn bị sạ lúa Đông Xuân vì đất bị mưa ngập không trồng thuốc lá được, “chạy ô rồ, mắc ô mã “ coi chừng nay mai không có nước bơm rồi chết nữa. Mặc dù vậy cũng phải làm thôi, chẳng lẽ lại bỏ ruộng hoang. Nhưng làm lúa Đông xuân trên vùng đất gò thì cũng giống như đất ruộng bị hạn. Làm sao để khắc phục được khó khăn này, cũng vì vậy mà bắt buộc người sản xuất phải tự  tìm tòi những giải pháp hữu hiệu nhất để đem lại hiệu quả kinh tế. Sản xuất lúa nuớc trong điều kiện nắng hạn, hai vấn đề quan trọng và khó khăn nhất diệt cỏ và nước để bón phân. “Trong cái khó, ló cái khôn”, cũng nhờ có tham khảo một số tài liệu về thâm canh cây lúa của GSTS Võ Tòng Xuân và giáo trình nông hoá của Lê Văn Căn, đồng thời với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất lúa và kết hợp kinh nghiệm thực tế của những nông dân khác, tôi đã áp dụng phương pháp diệt cỏ và bón phân cho lúa trong điều kiện thiếu nước và bước đầu đã có kết quả tốt. Tuy mới chỉ làm thử một vụ, nhưng tôi đã rút ra được một ít kinh nghiệm trong thâm canh cây lúa nước trong điều kiện nắng hạn, xin trao đổi cùng bà con nông dân khác để cùng nhau làm, với hy vọng tiết kiệm được chi phí, đạt được hiệu quả cao hơn trong sản xuất lúa.

 

-Về diệt cỏ:

Vụ mùa năm nay tôi sạ lúa đúng ngày 10/8/2005 (âm lịch), lượng mưa không đáng kể, xem như là sản xuất lúa Đông xuân, trong điều kiện thiếu nước (sạ khô). Rút kinh nghiệm trong vụ Hè thu vừa qua, do không tìm hiểu kỹ về tính năng của thuốc diệt mầm (phun sau khi sạ từ 1-3 ngày) nên 5 ngày sau sạ tôi mới xịt thuốc diệt mầm cỏ và bơm nước theo không kịp nên bị cỏ chụp. Ngày thứ 15 tôi xịt thuốc cỏ một lần nữa nhưng vô hiệu quả, cuối cùng là bị thất thu. Tôi đã gặp những nông dân  làm lúa có kinh nghiệm, tôi thường đưa đề tài này ra để bàn bạc nhưng mãi cũng không có cách nào hơn là phải bơm nước cho đủ sau khi phun thuốc diệt mầm cỏ. Bất chợt cơ may đến với tôi, có một số anh em kỹ thuật thuốc lá bạn của con tôi đến chơi, tổ chức “xị mốt xị hai” tại nhà, vui vui tôi đưa đề tài ra bàn, hy vọng anh em thuốc lá cùng ngành Nông nghiệp sẽ có những ý hay. Có một chú tên Dũng dân Trãng Bàng nói với tôi : “ Tưởng chuyện gì chứ chuyện đó cháu giúp chú được”  Tôi nhìn Dũng bán tín bán nghi, Dũng nhìn tôi nói tiếp: “Cháu nói thật, vụ Hè Thu vừa rồi ruộng nhà cháu xài thuốc CLIPPER 25 OD của Mỹ xịt khô rồi bơm nước vô cũng được, bơm nước rồi xịt cũng được, xịt một lần là cỏ chết sạch không còn một cọng, ruộng nhà cháu cũng giống như ruộng chú, bơm nước đầy vô một đêm là cạn liền”. Nghe Dũng giới thiệu và hướng dẫn sử dụng, tôi khoái quá kêu bà xã đi mua liền. Cầm gói thuốc thấy ghi trên bao bì bằng chữ Việt là tôi đã có cảm tình ngay, bao bì nhãn mác, màu sắc cũng dễ coi. Đọc phần công dụng và cách dùng xong tôi càng khoái hơn. Trên nhãn có ghi: Clipper là thuốc trừ cỏ hậu nẩy  mầm, có tính lưu dẫn, hấp thu qua lá, chồi, rễ, an toàn cho lúa. Thời điểm xử lý từ 4-18 ngày sau sạ (khi cỏ từ 1- 5 lá), liều lượng: 0.5lít/ha, pha 1 gói thuốc 12.5ml/ bình 8 lít nước, phun 4 bình / 1000m2 hoặc 2 gói / bình 16 lít, phun 2 bình / 1000 m2. Cách hướng dẫn dễ hiểu, còn nhiều loại thuốc khác ghi cách dùng khó hiểu như: Phun 500 ml với 400 lít nước cho 1 ha, tính chóng mặt cũng không biết 1 bình là bao nhiêu cc, nhắm chừng rót đại, thuốc bột cũng nhắm chừng luôn, mệt quá !... ( xài thuốc khỏi tính sướng hơn). Một chuyện mà tôi khoái nữa là: thời điểm xử lý  4 -18 ngày sau sạ, thời gian còn dài, lúa tôi mới sạ 4 ngày, đang tính xịt thuốc diệt mầm ngay sợ bị trễ, kế hoạch xịt từng đám bơm nước từng đám không biết có đạt theo yêu cầu của mình hay không ?  Tôi lo mất ăn mất ngủ. Còn thuốc mới này cho phép tôi được kéo dài thời gian thêm 2 tuần nữa, nghe nhẹ nhõm trong người.

 

Tuy vậy để cho chắc ăn, tôi lên kế hoạch phun thử nghiệm trước. Trong 1ha ruộng của tôi có nhiều đám, nhỏ nhất là 600m2 lớn nhất là 2500m2

Sáng sớm ngày rằm tháng 8 (15/8/2005 âm lịch) tôi xịt thử 1 đám 600m2, xịt khô, một tuần sau mới bơm nước. Trước khi xịt thuốc, tôi quan sát kỹ trên mặt ruộng thấy lúa lên thật đều, chiều cao từ 2- 3cm, cỏ thì mới bèo có một hai cọng vọt lên chưa tới 1cm. Sau khi phun xong, mỗi ngày tôi đều thăm ruộng . Những ngày sau quan sát lô ruộng này tôi thấy cỏ không phát triển, cỏ bèo đã chuyển sang màu xám còn những đám khác thì cỏ đã xanh, tôi yên tâm hơn như vậy là thuốc đã có tác dụng.

 Các đám khác tôi phun thuốc cỏ Clipper vào ngày thứ 10 sau sạ, ngày sau bơm nước, rải diêm. Còn đám cuối cùng 800m2, sáng hôm sau đem diêm, thuốc xuống ruộng, nước bơm trong đêm đã đủ, tôi trộn cát khô với thuốc cỏ để rải

Cách trộn: 4 gói Clipper + 1lít nước + 5 bụm cát khô +5kg Urea rải đều cho 800m2, kết quả 2 cách trên đạt yêu cầu 100%. Riêng đám 600m2  xịt thuốc cỏ trước đó 1 tuần rồi mới bơm nước cũng đạt yêu cầu mặc dù cây rau mương vẫn còn sống nhưng không phát triển hoặc phát triển chậm

 

  Về bón phân:

Trong giai đoạn này trời có mưa nhỏ vài ba cây, ruộng không có nước nhưng cũng đủ ẩm để cây lúa sinh trưởng. Đến giai đoạn bón phân thúc cho cây lúa đẻ nhánh, Tôi ớn bơm nước vì phải canh suốt ngày đêm và tốn tiền nhiều quá, nên đến ngày thứ 18 sau sạtôi xịt phân bón lá đỡ để chờ trời mưa (vì sạ lúa trên đất trồng thuốc lá nên tôi không bón lót). Cho đến ngày thứ 24 tôi thấy cây lúa phát triển tốt, tôi xịt tiếp một lần nữa. Tính ra thông thường khi bón thúc phải bơm nước và bón 2 bao NPK gần 600.000 đồng, còn mỗi lần xịt phân bón lá tốn chỉ có 100.000 đồng, khỏi phải bơm nước. (Tôi xịt phân bón lá KING của công ty BVTV II, giá  2.500đ 1 gói, mỗi lần  xịt 40 gói. Một lần xịt hết 100.000 đồng, xịt 2 lần tốn 200.000 đồng). Đến ngày thứ 30 thấy lúa tốt màu vàng chanh như ý muốn, lúc này trời mưa đã có nước ruộng nhưng tôi đã thấy hiệu quả của phân bón lá. tôi xịt tiếp phân bón lá một lần nữa (so với bón thúc diêm ngày thứ 18 sau sạ thì đến ngày thứ 30 thì cây lúa đã sắp chuyển màu vàng, còn xịt phân bón la như tôi nói thì cây lúa vẫn sung )

 

Đến ngày thứ 40 tôi xịt phân bón lá chung với thuốc phòng bệnh SUMI –EIGHT và rải 1 bao Uréa + 1 bao Kali rước đòng, như vậy làkết thúc các đợt bón phân, phun thuốc. Hiện nay đã thu hoạch xong, được 132 bao/ha, tôi ước chừng khoảng hơn 4,5 tấn/ha. So sánh với vụ Hè Thu  năm 2005, trong thời gian sản xuất lúa thì lượng mưa như nhau, vụ Hè Thu xịt cỏ 2 lần, chi phí bơm nước khoảng 1.000.000đồng, tiền phân cũng gấp 2 lần, thu hoạch không tới 3 tấn lúa.

        Trên đây là kinh nghiệm sản xuất lúa của tôi trong điều kiện nắng hạn, dù mới chỉ làm 01 vụ nhưng cũng  xin trao đổi cùng bà con tiếp tục cùng làm thử và rất mong Tập san Khuyến nông sẽ là nơi chuyển tải những trao đổi về kinh nghiệm sản xuất của nông dân để sản xuất của bà con ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây