Loài sâu hại mới đang lan rộng ở các tỉnh phía Nam (sâu keo mùa thu)

Thứ ba - 18/06/2019 20:00 571 0
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, loài sâu hại này đã xuất hiện ở nước ta (Công văn số 937/BVTV-TV ngày 17/4/2019 về kết quả giám định sâu keo mùa Thu ở Việt Nam) gây hại cục bộ tại một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ. Và hiện nay loài sâu hại này cũng đã xuất hiện ở một số tỉnh Nam bộ như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp

Theo thông báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp liên hợp quốc (FAO), trên thế giới đã phát hiện một là loài sâu hại mới có tên tiếng anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiperda có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Loài sâu này bắt đầu xuất hiện ở Châu Phi vào đầu năm 2016 và đến đầu năm 2019 chúng đã lây lan gây hại hầu hết các quốc gia ở Châu Phi. Tại châu Á, phát hiện loài sâu này lần đầu là ở Ấn Độ vào tháng 5/2018,  sau đó chúng đã xuất hiện gây hại tại các quốc gia như Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Lào. Tại Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật đặt tên loài sâu hại mới này là sâu keo mùa Thu với tên khoa học Spodoptera frugiperda (Tại Công văn số 351/BVTV-TV ngày 19 tháng 02 năm 2019 về việc điều tra và theo dõi loài sâu keo mùa Thu). Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, loài sâu hại này đã xuất hiện ở nước ta (Công văn số 937/BVTV-TV ngày 17/4/2019 về kết quả giám định sâu keo mùa Thu ở Việt Nam) gây hại cục bộ tại một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ. Và hiện nay loài sâu hại này cũng đã xuất hiện ở một số tỉnh Nam bộ như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp. Đây là loài sâu đa thực mới xâm nhập vào Việt Nam, có khả năng di trú xa, có thể gây hại rất nhiều loài thực vật như bắp, đậu tương, lúa, kê, mía, rau, cà, bông..., trong đó gây hại nặng trên nhóm cây họ hòa thảo.

Tại Tây Ninh, các loại cây trồng vụ Hè thu 2019 đang tập trung xuống giống, trong đó bao gồm một số loại cây trồng thuộc đối tượng gây hại của sâu keo mùa Thu như: bắp, mía, lúa, rau màu,… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh các loại cây trồng này thường gối vụ, sẽ tạo điều kiện thuận lợi về nguồn thức ăn sẵn có để loài sâu hại này tồn tại và lây lan khi chúng xâm nhập vào. Do vậy, các địa phương và hộ dân sản xuất cần thiết thường xuyên thăm đồng, điều tra phát hiện và phòng trị kịp thời loài sâu keo mùa Thu ngay khi xuất hiện cục bộ.

1. Một số thông tin, đặc điểm để nhận diện là loài sâu keo mùa Thu:

1.1 Về đặc điểm sinh học:

+ Trưởng thành hoạt động về đêm, có chiều dài cơ thể từ 1,6 – 1,7 cm và sải cánh từ 3,7 - 3,8 cm, con cái thường dài hơn; có thể bay nhiều km để tìm nơi đẻ trứng, di chuyển xa hàng trăm km nhờ gió.

+ Trứng được đẻ vào ban đêm thành từng ổ có lớp lông che phủ, mỗi ổ trứng có khoảng 100-200 trứng và xếp thành 2 – 3 lớp trứng/ổ. 


Hình 1: Trưởng thành và ổ trứng sâu keo mùa Thu (nguồn: Cục Bảo vệ thực vật)

+ Sâu non có 6 tuổi, màu xanh nhạt đến nâu sẫm; mới nở có thể nhả tơ nhờ gió phát tán đến lá non của các cây khác gần đó để gây hại. Sâu non tuổi lớn có tập tính cắn chết sâu tuổi nhỏ.


Hình 2: Sâu non tuổi 1 mới nở có đầu to hơn mình, đến cuối tuổi 1 đầu và cơ thể phát triển cân xứng hơn (nguồn: Cục BVTV)


Hình 3: Sâu non có các đặc điểm cụ thể để nhận diện (nguồn: Cục BVTV

+ Nhộng: Có chiều dài 1,3-1,7 cm (tùy theo con đực và con cái) và có mầu nâu sáng bóng. Vũ hóa phần lớn trong đất ở độ sâu 2-8 cm, một số ít trường hợp hóa nhộng giữa các lá, nách bẹ lá của cây ký chủ hoặc trong bắp ngô.

1.2 Triệu chứng gây hại sâu keo mùa Thu gây hại trên cây bắp:

Sâu non tuổi 1-2 ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non gây ra các vết hình vuông hoặc hình chữ nhật màu trắng đặc trưng. Sâu non tuổi lớn hơn ăn khuyết lá, khi nguồn thức ăn khan hiếm chúng ăn cả các phần xanh, mềm của cây




Hình 5 : Triệu chứng gây hại của sâu non tuổi 4,5


Hình 6: Ruộng bắp bị SKMT gây hại tại xã Hưng Thịnh,Trảng Bom, Đồng Nai


2. Con đường xâm nhập, lây lan của sâu keo mùa Thu:

Sâu keo mùa thu có thể xâm nhập qua các con đường chính:

- Sâu non di chuyển ở khoảng cách gần (cây này sang cây khác; ruộng này sang ruộng khác).

- Sâu non, nhộng, trứng thậm chí là trưởng thành di chuyển theo sản phẩm, phế phụ phẩm của cây ký chủ (ngô, cỏ thức ăn chăn nuôi, cỏ sân golf, …) trong quá trình người dân vận chuyển cây ký chủ qua biên giới hoặc theo hàng hóa thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam hoặc giữa các địa phương trong nước.

- Trưởng thành tự bay tìm nơi đẻ trứng ở khoảng cách vài trăm mét đến hàng chục ki-lô-mét.

- Trưởng thành di trú có thể bay theo gió xa hàng trăm ki-lô-mét.

3. Biện pháp phòng trừ sâu keo mùa Thu:

Phòng trừ sâu keo mùa thu bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp theo Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu do Cục Bảo vệ thực vật ban hành, gồm:

a) Biện pháp canh tác

- Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô để hạn chế nơi trú ẩn của sâu.

- Làm đất rồi phơi đất khô để ấu trùng, nhộng trong đất chết hoặc dễ dàng bị thiên địch tiêu diệt.

- Luân canh ngô – lúa nước ngay sau vụ ngô để diệt nhộng trong đất. Làm đất kỹ cũng góp phần diệt nhộng trong đất.

b) Biện pháp thủ công

- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy.

- Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non.

c) Biện pháp sinh học

- Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu.

- Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ.

- Nhân thả ong ký sinh trứng (ong mắt đỏ, …), các loài bắt mồi ăn thịt như bọ đuôi kìm để kiểm soát sâu non mới nở - tuổi nhỏ.

d) Biện pháp bẫy, bả

- Bẫy bả, bẫy đèn: Sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt trưởng thành.

- Bẫy cây trồng: Trên cánh đồng trồng ngô trồng một số diện tích cỏ voi, ngô nếp sớm hơn so thời vụ chung để dẫn dụ trưởng thành đến đẻ trứng. Sử dụng bẫy diệt trưởng thành, ngắt ổ trứng và phun trừ sâu non trên các diện tích bẫy cây trồng.

e) Biện pháp hóa học

- Sử dụng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để phun trừ khi sâu đa số tuổi 1-3 (giai đoạn ngô 3-6 lá), phun sáng sớm hoặc chiều mát.

- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.

- Trường hợp Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có thuốc trừ sâu keo mùa thu thì theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật từ nay đến./.

 

Chi cục Trồng trọt và BVTV

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây