Thông tin về sâu đầu đen - Loài sâu hại mới trên cây dừa

Thứ năm - 29/04/2021 23:00 6.880 0
Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker, là loài bản địa tại một số nước ở vùng Nam Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan hay ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Riêng tại Việt Nam, sâu đầu đen xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 7/2020 tại ấp Giồng Tre, xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, gây hại nặng 02 ha dừa giai đoạn 15 – 20 năm tuổi. Tính đến tháng 4/2021, sâu đầu đen đã phát sinh gây hại tại các huyện, thành phố của 02 tỉnh Bến Tre và Sóc Trăng với tổng diện tích nhiễm là 156,6 ha, trong đó nhiễm nhẹ – trung bình là 114,3 ha, nhiễm nặng là 42,3 ha. Riêng 7,2 ha dừa nhiễm nặng, không có khả năng cho trái và đã được nông dân đốn, tiêu hủy.


Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker, là loài bản địa tại một số nước ở vùng Nam Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan hay ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Riêng tại Việt Nam, sâu đầu đen xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 7/2020 tại ấp Giồng Tre, xã Phú Long, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, gây hại nặng 02 ha dừa giai đoạn 15 – 20 năm tuổi.

Tình hình phát sinh gây hại tại các tỉnh phía Nam: tính đến tháng 4/2021, sâu đầu đen đã phát sinh gây hại tại các huyện, thành phố của 02 tỉnh Bến Tre và Sóc Trăng với tổng diện tích nhiễm là 156,6 ha, trong đó nhiễm nhẹ – trung bình là 114,3 ha, nhiễm nặng là 42,3 ha. Riêng 7,2 ha dừa nhiễm nặng, không có khả năng cho trái và đã được nông dân đốn, tiêu hủy.

Đặc điểm sinh học: sâu đầu đen có vòng đời 46 – 65 ngày, gồm các giai đoạn phát triển: trứng (Egg); ấu trùng (Larva) hay còn gọi là sâu, có màu nâu sáng và các sọc nâu chạy dọc theo cơ thể; nhộng (Pupa); thành trùng (Adult) hay còn gọi là bướm, có độ dài sải cánh 20 – 30 mm với những đốm xám nhạt và đen, thành trùng cái có khả năng đẻ từ 49 – 490 trứng.



Riêng giai đoạn ấu trùng kéo dài từ 32 – 48 ngày, phát triển qua nhiều tuổi, sâu tuổi nhỏ có phần đầu màu đen, càng lớn thì phần đầu của sâu càng chuyển sang màu nâu. Đây là giai đoạn sâu cắn phá, gây hại trên cây dừa


Cây ký chủ gồm các loại: dừa, chà là, chuối, cây cao, dừa kiểng và dầu cọ.

Cách thức gây hại: sâu cạp phần biểu bì ở mặt dưới của lá, nhả tơ bao phủ xung quanh cơ thể kết dính phân và các mảnh vụn tạo thành nơi trú ẩn giống như đường hầm và ẩn nấp bên trong, sau đó hóa nhộng, vũ hóa thành bướm bay đi.

Sâu tấn công từ các tàu lá già phía dưới trước, đến các tàu lá phía trên làm lá khô, héo, có màu trắng xám, sau đó tấn công vỏ trái, cuối cùng làm cây dừa suy kiệt hoàn toàn.




Mức độ thiệt hại: khi sâu bùng phát ở diện rộng và nghiêm trọng, hàng nghìn cây dừa có thể bị ảnh hưởng và bị tàn phá; hoa và trái non sẽ bị rụng hàng loạt, năng suất có thể bị giảm 50%, cây chậm phát triển. Theo một số nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy: cây dừa non thường chết khi bị sâu tấn công mạnh; sâu thích ăn những lá già, thích tấn công những cây dừa già (lâu năm) hơn là dừa nhỏ (ít năm).

Biện pháp quản lý được đề xuất:

Theo thông tin hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và tham khảo một số ghi nhận thực tế của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bến Tre, trước mắt để quản lý sâu đầu đen, bà con nông dân thực hiện:

- Thường xuyên thăm, kiểm tra vườn nhằm kịp thời phát hiện sâu khi vừa phát sinh, gây hại cục bộ;

- Khi phát hiện sâu đầu đen xuất hiện gây hại trên vườn, cần thực hiện ngay một số biện pháp tạm thời nhằm kéo giảm nhanh mật số gây hại của sâu, cụ thể:

1. Cắt tỉa, thiêu hủy (đốt) các tàu lá bị sâu gây hại;

2. Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học Bt (Bacillus thurigiensis) với liều lượng 80-100 ml hòa với 20 lít nước, đảm bảo phun ướt đẫm và đều ở mặt dưới lá (phun 03 – 04 lít/cây), phun định kỳ 07 – 10 ngày/lần.

3. Sử dụng thiên địch: theo hướng dẫn của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, sử dụng các loài thiên địch bắt mồi, ăn thịt như bọ đuôi kìm vàng (Chelisoches variegatus) và kiến vàng (Oecophylla smaragdina) để quản lý bền vững sâu đầu đen hại dừaNgoài ra, tại các nước Thái Lan, Ấn Độ và Sri Lanka, ong ký sinh Goniozus nephantidis (Muesebeck) được đánh giá là quản lý có hiệu quả sâu đầu đen ở giai đoạn ấu trùng (sâu).


Chi cục Trồng trọt và BVTV

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây