Vụ lúa Đông xuân 2016 – 2017, toàn tỉnh Tây Ninh xuống giống được 44.887 ha, trong đó gieo trồng tập trung tại các huyện: Trảng Bàng (13.131 ha), Châu Thành (13.026 ha), Bến Cầu (8.491 ha), Gò Dầu (7.007 ha), Hòa Thành (1.137 ha). Tính đến ngày 28/02/2017, đa số diện tích lúa trên đồng tập trung ở giai đoạn cuối đẻ nhánh – làm đòng, một số diện tích xuống giống sớm đã vào giai đoạn trổ - chín. Ảnh hưởng điều kiện thời tiết thuận lợi, hiện nay trên đồng có lứa rầy nâu nở rộ trên các trà lúa với mật số từ 3 – 5 con/tép, tuổi rầy phổ biến từ 1 – 3, nhất là trên các giống như OM 4900, OM 5451, OM6162, IR 50404; sạ dày và bón thừa phân đạm.
Để bảo vệ lúa Đông xuân 2016 – 2017, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rầy nâu gây ra; đề nghị nông dân khẩn trương kiểm tra đồng ruộng, tiến hành phun thuốc đặc trị rầy nâu kịp thời khi phát hiện ruộng lúa có mật số rầy từ 3con/tép (dảnh) lúa, tuổi phổ biến 2 – 3. Đối với lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh – làm đòng: Sử dụng nhóm thuốc ức chế sự sinh trưởng có hoạt chất Buprofezin; buprofezin + isoprocard để phun tập trung trong thời gian từ 28/2 – 03/3/2017. Đối với lúa giai đoạn làm đòng và trổ thì sử dụng các nhóm thuốc diệt rầy nhanh để phun như các hoạt chất Fenobucarb; Pymetrozine; Clothianidin,… .
* Lưu ý:
- Trước khi phun cần lấy (hoặc bơm) nước vào ruộng để đưa rầy di chuyển lên phía trên ngọn cây lúa nhằm tạo điều kiện để rầy dễ tiếp xúc với thuốc. Đảm bảo lượng thuốc và lượng nước cần phun trên đơn vị diện tích (320 – 400 lít nước thuốc đã pha). Khi phun cần rà sát ngọn lúa và hướng béc phun xuống gốc lúa.
- Tiếp tục theo dõi sát tình hình rầy nâu trên đồng và phòng trừ kịp thời lứa rầy nâu phát sinh vào trung tuần tháng 3/2017.
CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT
Ý kiến bạn đọc