Một số dịch hại cây trồng cần lưu ý từ 23/02 – 08/3/2017

Thứ tư - 01/03/2017 15:00 379 0
Tình hình dịch hại cây trồng từ 23/02/2017 đến 08/3/2017 có một số đối tượng gây hại cần quan tâm: bệnh đạo ôn , khô vằn trên lúa; bệnh xoắn dọt cây ớt và bệnh virus trên cây thuốc lá,.....Chú ý bón phân cân đối cho cây lúa, tránh bón thừa phân đạm dễ làm cây lúa phát sinh bệnh; ngoài ra cần phòng trừ tốt côn trùng chích hút trên cây ớt và cây thuốc lá như bọ trĩ, bọ phấn, rầy mềm…để hạn chế tác nhân truyền bệnh virus.

1. Cây lúa:

     Các đối tượng: rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, khô vằn, cháy bìa lá phát sinh gây hại ở mức nhiễm nhẹ - trung bình trên các giai đoạn của cây lúa từ cuối đẻ nhánh - làm đòng - trổ; chuột phá hại giai đoạn trổ - chín. Trong đó cần quan tâm: có lứa rầy nâu nở trên đồng; Bệnh đạo ôn trên lá và cổ bông, nhất là những ruộng bón thừa đạm, sạ dày, gieo sạ giống nhiễm,.... do điều kiện thời tiết thích hợp để bệnh phát triển;

     Đề nghị nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện dịch hại sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Khi phát hiện bệnh đạo ôn gây hại nên sử dụng loại thuốc đặc trị bệnh, pha đúng lượng thuốc và lượng nước theo khuyến cáo, phun vào thời điểm lá lúa đã ráo sương, hạn chế bón phân đạm, tuyệt đối không phun phối hợp thuốc bệnh với các loại phân bón lá có chứa hàm lượng đạm, không để ruộng khô nước khi bị nhiễm bệnh. 

2. Cây rau:

      Một số đối tượng như sâu xanh, sâu tơ, rầy mềm (rệp muội),... gây hại trên nhóm rau ăn lá; nhóm côn trùng chích hút (bọ trĩ, bọ phấn, rầy mềm, rầy xanh), nhóm nhện, sâu xanh, ruồi đục quả, bệnh thán thư, đốm lá, sương mai,... gây hại trên nhóm rau ăn quả. Trong đó, cần phòng trừ tốt nhóm côn trùng chích hút và nhóm nhện gây hại trên cây ớt, cà, cây họ bầu bí nhằm hạn chế bệnh virus gây thiệt hại cho sản xuất. Lưu ý: Sử dụng thuốc BVTV cho phép sử dụng trên cây rau, đảm bảo thời gian cách ly và kỹ thuật phun khi cần thiết.


Bệnh virus trên cây ớt


3. Cây khoai mì: 

        Bệnh chổi rồng, lỡ cổ rễ gây thối củ tiếp tục gây hại một số diện tích mì trồng vụ Hè thu 2016; rệp sáp bột hồng, nhện đỏ, bệnh lỡ cổ rễ gây thối gốc, bệnh vi khuẩn phát sinh gây hại vụ Đông xuân 2016 – 2017.


Bệnh chổi rồng trên cây mì

4.  Cây thuốc lá:

       Phòng trừ tốt nhóm côn trùng chích hút (bọ trĩ, bọ phấn) để hạn chế các loại bệnh virus gây hại tại một số vùng sản xuất.

5. Nhóm cây ăn quả có múi:

       Bọ trĩ, rệp muội và nhóm nhện xuất hiện gây hại, nhất là trên các vườn cây không tưới nước lên tán cây. Sâu vẽ bùa phát sinh gây hại rải rác trên vườn ra đọt non không đồng loạt. Bệnh ghẻ, loét vi khuẩn, nám trái do nhện gây hại,… xuất hiện trên các vườn cho trái không đồng loạt.


PHÒNG BẢO VỆ THỰC VẬT


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây