Ngày 29/3/2018, Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 29 tháng 3 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh Quy định về mức hỗ trợ các đối tượng tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018-2020.
Ngày 29/5/2018, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND Quy định về mức hỗ trợ các đối tượng tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018-2020.
So với quy định trước đây (Quyết định số 1934/QĐ-UBND ngày 29/8/2014 của UBND tỉnh quy định hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh) Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND và Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND có sự điều chỉnh theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ và nâng cao mức hỗ trợ cho các đối tượng tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Cụ thể:
- Về đối tượng hỗ trợ có bổ sung thêm đối tượng là "hộ mới thoát nghèo". Hộ mới thoát nghèo được quy định theo Điều 2 Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo). Lưu ý ưu tiên đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo, tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về thuộc hộ nghèo được tham gia dự án. Bổ sung thêm " Nhóm hộ, cộng đồng dân cư theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 2 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (sau đây viết tắt là Thông tư số 15/2017/TT-BTC) và tổ chức và cá nhân có liên quan.
- Về phạm vi áp dụng: Mở rộng phạm vi áp dụng, ngoài các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (xã thuộc Chương trình 135), quy định tại Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND còn áp dụng cho các đối tượng tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã ngoài Chương trình 135.
- Về mức hỗ trợ: Mức hỗ trợ được nâng lên 2- 3 lần so với mức hỗ trợ của giai đoạn trước đây. Cụ thể:
+ Đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc từ mức 7.000.000 đồng đối với hộ nghèo và 5.600.000 đồng đối với hộ cận nghèo nâng lên thành 15.000.000 đồng đối với hộ nghèo và 13.000.000 triệu đồng đối với hộ cận nghèo.
+ Đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo sinh sống ở vùng khác từ mức 5.000.000 đồng đối với hộ nghèo và 4.000.000 đồng đối với hộ cận nghèo nâng lên thành 13.000.000 đồng đói với hộ nghèo và 11.000.000 đồng đối với hộ cận nghèo.
+ Riêng đối với hộ mới thoát nghèo là đối tượng mới được bổ sung trong Nghị quyết, có mức hỗ trợ với người lao động dân tộc thiểu số hỗ trợ tối đa 11.000.000 đồng/hộ; hộ mới thoát nghèo khác mức hỗ trợ tối đa 9.000.000 đồng/hộ.
Người dân nhận nuôi bò theo hình thức xoay vòng từ mức hỗ trợ của Quyết định số 1934/QĐ-UBND
Đối với các đối tượng tham gia dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã ngoài Chương trình 135 (đây là điểm mới của Quyết định 18/2018/QĐ-UBND so với quy định cũ)
+ Hộ nghèo: Là người lao động dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ tối đa 14.000.000 đồng/hộ; hộ nghèo khác mức hỗ trợ tối đa 12.000.000 đồng/hộ.
+ Hộ cận nghèo: Là người lao động dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ tối đa 12.000.000 đồng/hộ; hộ cận nghèo khác mức hỗ trợ tối đa 10.000.000 đồng/hộ.
+ Hộ mới thoát nghèo: Là người lao động dân tộc thiểu số, mức hỗ trợ tối đa 10.000.000 đồng/hộ; hộ mới thoát nghèo khác mức hỗ trợ tối đa 8.000.000 đồng/hộ.
Ngoài ra, Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 29/5/2018 còn có sự thay đổi về phương thức đầu tư hỗ trợ. Cụ thể: Việc hỗ trợ đối tượng (hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo) được thực hiện thông qua dự án, trường hợp hộ đã được hỗ trợ nhưng chưa thoát nghèo hoặc thoát cận nghèo (địa phương qua rà soát không còn đối tượng hỗ trợ theo quy định) thì UBND xã vẫn được xem xét để bình xét thông qua cộng đồng, nếu được chọn thì tiếp tục hỗ trợ tham gia dự án tiếp theo nhưng không quá 03 lần/hộ; Đối với những hộ mới thoát nghèo đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, theo kết quả điều tra, rà soát hàng năm theo quy định, được UBND cấp xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm thì được hỗ trợ duy nhất 01 lần/hộ/dự án.
Về nội dung hỗ trợ có sự thay đổi. Ngoài hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và hỗ trợ ngành nghề và dịch vụ thì hằng năm, căn cứ tình hình thực tế của địa phương và nhu cầu hỗ trợ của từng đối tượng tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, chủ đầu tư lập dự án tùy theo điều kiện cụ thể cho phù hợp đối với từng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, có thể theo từng lĩnh vực hoặc kết hợp các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phát triển ngành nghề, dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh trong một dự án.
Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND ngày 29/5/2018 có hiệu lực kể từ ngày 10/6/2018 và bãi bỏ Quyết định số 1934/QĐ-UBND ngày 29/8/2014 về việc ban hành Quy định hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Chi cục Phát triển nông thôn
Ý kiến bạn đọc