Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2014

Thứ ba - 18/03/2014 16:05 239 0
Triển khai thực hiện Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc quy định kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản; Thông tư số 01/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 01 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT và Chỉ thị số 167/CT-BNN-TTr ngày 20 tháng 01 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản,

 

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch số 494/KH-SNN, ngày 27/02/2014 về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2014 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với các nội dung như sau:

            I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao kiến thức hiểu biết về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm của các nhóm đối tượng: người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp và người tiêu dùng nhằm giảm thiểu tình trạng sản xuất, buôn bán, sử dụng vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng và hạn chế ngộ độc thực phẩm.

- Cải thiện tình trạng an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản và bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp lưu thông trên thị trường.

- Thanh kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

2. Yêu cầu

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản (ATTP), thực hành sản xuất tốt đến các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thực phẩm nông, lâm, thủy sản và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, nhằm giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP. Nâng cao trách nhiệm và đạo đức kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thực phẩm nông, lâm, thủy sản đối với cộng đồng, xã hội; hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn sản phẩm chất lượng, an toàn, tẩy chay các cơ sở thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, các sản phẩm, thực phẩm không bảo đảm an toàn, nhận biết các sản phẩm vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng.

- Tăng cường thanh, kiểm tra về ATTP các mặt hàng thực phẩm nông lâm thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm, các mặt hàng vật tư nông nghiệp kém chất lượng; xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vi phạm, tuyệt đối không để cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản không bảo đảm ATTP và các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp kém chất lượng tiếp tục hoạt động, các sản phẩm hàng hóa không đảm bảo chất lượng tiếp tục lưu thông.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đối tượng

Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản và người tiêu dùng.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Chính quyền địa phương, cán bộ công chức và viên chức nhà nước.

2. Nội dung

a) Công tác thông tin tuyên truyền

- Tập trung tuyên truyền, phổ biến kịp thời, rộng rãi các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm và các văn bản khác có liên quan.

- Đưa tin tuyên truyền về các hoạt động bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh; biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản đồng thời phê phán, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm ATTP.

b) Công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản

- Tổ chức xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra chuyên ngành trong năm 2014 tập trung vào lĩnh vực chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm có trọng tâm, trọng điểm từ cơ sở sản xuất, chế biến đến kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm:

+ Đối với chất lượng vật tư nông nghiệp: Thanh tra, kiểm tra giống cây trồng kể cả giống cây lâm nghiệp, giống vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón, chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.

+ Đối với an toàn thực phẩm: Thanh tra, kiểm tra các loại sản phẩm có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người như: rau, củ, quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản; thịt gia súc, gia cầm, thủy sản không rõ nguồn gốc, chứa tồn dư hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép hoặc chất cấm.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở được đánh giá xếp loại C theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Đặc biệt chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm là nguyên nhân quan trọng làm ô nhiễm thịt. Qua công tác thanh tra, kiểm tra cần phát hiện loại sản phẩm, công đoạn nào trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ có nhiều sai phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm để tập trung xử lý triệt để.

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cơ sở, đại lý sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, các chợ đầu mối và chợ buôn bán các mặt hàng nông sản, thực phẩm có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

III. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT

Chủ trì, phối hợp thanh tra chuyên ngành tiến hành thanh kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng các loại vật tư nông nghiệp: Giống cây trồng kể cả giống cây lâm nghiệp, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), các chất kích thích tăng trưởng, hóa chất cấm sử dụng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo nghị định của Chính phủ về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về:

- Các mặt hàng thực phẩm nông lâm thủy sản nhập lậu, không rõ nguồn gốc, gia súc, gia cầm nhập khẩu trái phép, không bảo đảm ATTP; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản không bảo đảm ATTP.

- Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y không đảm bảo chất lượng công bố, chứa các loại kháng sinh, hóa chất độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng; phân bón và thuốc BVTV không đảm bảo chất lượng công bố, không nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh.

2. Chi cục Bảo vệ Thực vật 

- Tăng cường thực hiện các biện pháp sản xuất theo hướng thực hiện nông nghiệp tốt (VietGAP…) trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng giá trị sản phẩm nông sản.

- Tăng cường công tác kiểm tra vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV),  cơ sở sản xuất rau, củ, quả; cơ sở xếp loại C trong các đợt kiểm tra, đánh giá phân loại theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 và Thông tư số 59/2012/TT-BNNPTNT ngày 9/11/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và thực hiện cấp giấy chứng nhận theo quy định.

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý và sử dụng thuốc BVTV; triển khai thực hiện công tác thanh, kiểm tra kiểm dịch thực vật nội địa, các cửa khẩu biên giới và các đầu mối giao thông khác có trao đổi hàng hóa là thực vật, sản phẩm thực vật trong phạm vi giữa hai tỉnh biên giới theo phân cấp.

- Triển khai thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” , Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014.

3. Chi cục Thú y

- Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch; giết mổ gia súc, gia cầm không đúng nơi quy định.

- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các cơ sở kinh doanh chất cải tạo xử lý môi trường, thức ăn nuôi các loài thủy sản và kiểm soát việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng, hóa chất cấm trong chăn nuôi; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có dấu hiệu vi phạm các quy định về ATTP; cơ sở xếp loại C trong các đợt kiểm tra, đánh giá phân loại theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 và thực hiện cấp giấy chứng nhận theo quy định.

- Triển khai thực hiện công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật lưu thông trong và ngoài tỉnh và tại các cửa khẩu biên giới theo phân cấp.

- Thực hiện thanh, kiểm tra theo các chỉ đạo không định kỳ của Cục Thú y và Sở Nông nghiệp và PTNT.

- Triển khai thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”, Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014.

4. Chi cục Thuỷ sản

- Thực hiện thanh, kiểm tra việc sử dụng kháng sinh cấm, các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường đã bị cấm sử dụng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, các cơ sở nuôi trồng thủy sản.

- Tăng cường công tác kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản, cơ sở nuôi trồng thủy sản theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011, Thông tư số 01/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thực hiện cấp giấy chứng nhận theo quy định.

- Phối hợp với Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nam bộ triển khai Chương trình Giám sát dư lượng trong thủy sản nuôi.

- Triển khai thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”, Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014.

5. Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản

- Chủ trì, phối hợp Đoàn thanh tra liên ngành Tỉnh về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Nông nghiệp.

- Phối hợp với Cơ quan Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nam Bộ triển khai Chương trình giám sát ATTP thủy sản sau thu hoạch, Chương trình giám sát dư lượng nông sản.

- Tăng cường thanh, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011, Thông tư số 01/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2013 và Thông tư số 35/2012/TT-BNNPTNT ngày 27/7/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”,  Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014.

6. Chi cục Phát triển nông thôn; Trung tâm Khuyến nông; Trung tâm Giống nông nghiệp

 Phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông dân áp dụng quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản an toàn. 

7. Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế Thành phố

Phối hợp các phòng, ban có liên quan của huyện, thành phố, Trạm Thú y và Trạm Bảo vệ thực vật, đề xuất UBND huyện, thành phố triển khai kế hoạch; phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát các hoạt động về ATTP trên địa bàn, tổ chức tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa của công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP đến mọi tầng lớp nhân dân.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây