Những định hướng phát triển ngành mía đường bền vững trong thời kỳ hội nhập

Thứ sáu - 18/11/2016 21:00 432 0

Tây Ninh là một tỉnh nông nghiệp, với lợi thế địa hình bằng phẳng, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với một số loại cây trồng như: Lúa, cao su, khoai mì, mía và rau quả thực phẩm… Trong đó, cây mía được xác định là một trong những cây trồng chính và được phát triển mạnh từ năm 1995, và nhà máy chế biến đường với công nghệ khá hiện đại được xây dựng đi vào hoạt động có hiệu quả. Song song đó, việc triển khai ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới, các loại giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Tây Ninh; các loại máy móc thiết bị cơ giới hóa cây mía từ khâu trồng đến chăm sóc, thu hoạch,… đưa vào sử dụng đạt hiệu quả góp phần tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập.

Tuy nhiên trong thời gian qua, ngành mía đường cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như: Diện tích sản xuất mía nhỏ, manh mún đan xen cho nên khó khăn trong canh tác chuyên canh, ứng dụng cơ giới hóa, tưới tiêu; Thời tiết nắng hạn kéo dài, mía nhanh khô, giảm trọng lượng và chất lượng cây mía vào những tháng cuối vụ thu hoạch, chi phí vận chuyển cao; Chế biến tận dụng phụ phẩm sau chế biến đường chưa nhiều, hiệu quả chưa cao nên chưa hạ giá thành sản xuất đường;  Hạn chế trong cơ cấu giống mía như: Giống chín rải vụ; Giống chịu hạn; Giống kháng bệnh... Mối quan hệ giữa các Công ty, nhà máy với nông dân trồng mía chưa hài hòa, nhất là trong đầu tư, quản lý đầu tư, kiểm tra chữ đường.

Chính từ những khó khăn, thách thức, để cây mía đứng vững và phát triển bền vững cần có những định hướng như sau: Tập trung tổ chức triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Định hướng phát triển kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 tỉnh Tây Ninh sẽ điều chỉnh quy hoạch 20.000 - 25.000 ha; Xây dựng các hệ thống hạ tầng trong vùng nguyên liệu trên cơ sở nguồn vốn ngân sách và vốn đóng góp của doanh nghiệp như hệ thống kênh tưới, tiêu trong vùng nguyên liệu mía; Sẽ thực hiện chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn; Tỉnh cũng đang khuyến khích các tổ chức, các nhân sản xuất mía Organic sản xuất đường sạch để xuất khẩu; sản xuất các sản phẩm sau đường, các phụ phẩm từ chế biến đường nhằm vừa giúp cải thiện môi trường vừa gia tăng chuỗi giá trị mía đường, đảm bảo giá thành đường giảm, nhưng giá mía nguyên liệu thu mua của nông dân không giảm.

Bên cạnh đó, các công ty, nhà máy đường đã thực hiện các dự án, mô hình tập trung trên những vùng chuyên canh cây mía, hình thành cánh đồng mía lớn; Tổ chức trình diễn và chuyển giao mô hình đồng bộ cơ giới hóa cây mía từ khâu làm đất đến khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến bà con nông dân trồng mía trong toàn tỉnh.

Các Sở, Ngành, UBND các Huyện, Thành phố, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tây Ninh,... triển khai hướng dẫn thực hiện các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ phát triển nông nghiệp như: Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND ngày 03/6/2016 của UBND tỉnh Tây Ninh về Ban hành quy mô diện tích tối thiểu cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh đã đề ra một số giải pháp phát triển vùng nguyên liệu mía: đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT (để lá, bón phân, phù hợp với từng vùng đất tưới nước, giống mới,…); Phát triển nhanh các kỹ thuật tiên tiến trong cơ giới hóa từ trồng đến thu hoạch (cày sâu, cày không lật, cơ giới hóa thu hoạch…); từng bước nghiên cứu thiết bị thu hoạch cơ giới trên diện tích nhỏ; Tiếp tục triển khai nghiên cứu ứng dụng các đề tài KHCN về giống, kiểm soát sâu bệnh, kỹ thuật canh tác.

Đồng thời, cách doanh nghiệp chế biến cũng đang nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm đường (đường thô, đường tinh luyện nhiều dạng hạt, đường lỏng..), sử dụng hiệu quả phụ phẩm chế biến đường (ethanol, phân bón, thức ăn chăn nuôi; các sản phẩm sinh học, men chăn nuôi, điện, ván ép,…), phát triển mía đường hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng nhằm hạ giá thành sản xuất đường để cạnh tranh mà không hạ giá mua mía nguyên liệu cho nông dân; Xây dựng chính sách đầu tư và thu mua rõ ràng; minh bạch trong đánh giá chữ đường để tạo niềm tin cho người trồng mía, tiếp tục cải thiện mối quan hệ tốt hơn với người trồng mía; Dành kinh phí cho công tác nghiên cứu giống, các kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa, hỗ trợ liên kết sản xuất cánh đồng lớn./.

 

Chi cục Quản lý chất lượng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây