Công tác thanh, kiểm tra liên ngành về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ hai - 17/10/2016 00:00 279 0

Đến tháng 12 năm 2015 trên địa bàn tỉnh có khoảng 126 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, 67 cơ sở giết mổ, 14 cơ sở sản xuất rau an toàn, 254 cơ sở chế biến thực phẩm trong lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý và rất nhiều điểm bán rau củ, thịt, và các loại sản phẩm của thủy sản tại 103 chợ huyện, xã. Trong quá trình sản xuất chế biến không tuân thủ quy trình theo quy định, sử dụng các loại chất cấm, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật làm cho sản phẩm không an toàn cho người sử dụng và hiện nay đang xuất hiện tình trạng sử dụng chất tạo nạc trên heo, chất vàng O trong chăn nuôi gà, dư lượng thuốc bảo vệ trong trồng trọt nhất là rau, quả gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt trong dịp Lễ, Tết nhu cầu thực phẩm tăng cao, tập trung dự trữ, vận chuyển các nguồn thực phẩm để phục vụ cho dịp tết cho nên vấn đề an toàn thực phẩm được đặt hàng đầu

Trên cơ sở đó, Ngành nông nghiệp đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-SNN ngày 07 tháng 01 năm 2016 về việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa Lễ hội Xuân 2016. Thực hiện Quyết định số 154/QĐ-SNN ngày 15/01/2016 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thanh tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016; từ ngày 18/01/2016 đến ngày 25/01/2016, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn 03 huyện: Gò Dầu, Dương Minh Châu và Tân Châu.

Đoàn đã tiến hành thanh, kiểm tra 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (trong đó: Thanh, kiểm tra được 29 cơ sở và 01 cơ sở ngưng hoạt động). Kết quả: 06 cơ sở (20,69%) đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, 19 cơ sở (65,52%) vi phạm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, 04 cơ sở (13,79%) vi phạm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm; đồng thời tiến hành lấy 28 mẫu thực phẩm (rau, củ, quả, thịt, khô ...), gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu về tồn dư chất bảo quản, chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; kết quả: 23 mẫu đạt, 05 mẫu không đạt. Trong đó

- 04 mẫu thủy sản và khô: 02/4 mẫu (50%) có chất bảo quản Trichlorfon và hàm lượng histamin vượt ngưỡng cho phép.

- 08 mẫu thịt và sản phẩm từ thịt: 08/08 mẫu (100%) không có chất cấm trong chăn nuôi thuộc nhóm Bêta-Agonist.

- 08 rau, củ quả, trái cây: 08/08 mẫu (100%) không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Clo, lân hữu cơ, carbendazim vượt quá giới hạn cho phép.

- 08 mẫu thực phẩm chế biến (cá viên, bò viên, chả lụa, lạp xưởng...): 2/8 mẫu 25 % không đạt, do có hàm lượng hóa chất, phụ gia thực phẩm vượt quá giới hạn cho phép.

ž Các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đã áp dụng:

a) Đề nghị cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh thực hiện:

- Tham gia xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ hàng năm.

- Đăng ký làm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

- Thực hiện ghi chép và truy xuất nguồn gốc việc tiếp nhận nguyên liệu, vật tư đầu vào quá trình sản xuất.

b) Xử lý hành vi vi phạm:

- Nhắc nhở 16 cơ sở vi phạm khắc phục các lỗi nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất kinh doanh.

- Xử phạt hành chính 07 cơ sở vi phạm với tổng số tiền là 18.700.000 đồng.

 

Qua kiểm tra cho thấy người sản xuất đã có ý thức dần trong việc sử dụng chất cấm, thuốc BVTV trong chăn nuôi và trồng trọt, tuy nhiên việc sử dụng các chất bảo quản, chất cấm trong chế biến còn xảy ra ở một số sản phẩm./.

 

                                                                                                                                       Trần Minh Trí - Chi cục QLCL NLS&TS

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây