Trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh, cây đậu phộng (cây lạc) được xem là một trong những cây trồng truyền thống, chủ lực, được nông dân Tây Ninh trồng ở nhiều vùng trong tỉnh, trong đó tập trung ở các huyện Gò Dầu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu... Đậu phọng là loại cây sử dụng nhiều công lao động, từ khâu trỉa đậu, khâu chăm sóc (làm cỏ, bón phân, tưới…), đáng chú ý là khâu thu hoạch, đây là khâu cần nhiều công lao động. Do đó, vấn đề đưa cơ giới hóa vào thu hoạch đậu phộng là cần thiết.
Nhằm từng bước đưa ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch đậu phộng trên địa bàn tỉnh. Vừa qua Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh và các đơn vị: Công ty Cơ khí Tây Ninh, Trung tâm khuyến nông, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Trảng Bàng, phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gò Dầu…đã tiến hành nghiệm thu Đề tài: " Chế tạo và ứng dụng máy bứt quả lạc tươi công suất 0,5 tấn/giờ
Kết quả cho thấy: Máy bứt quả lạc tươi BL-500 có khả năng bứt quả lạc tươi với độ ẩm ≤ 70%, công suất đạt từ 260- 500 kg/giờ, tỷ lệ hạt vỡ, sót cuống… phù hợp với yêu cầu kỹ thuật cho phép. Máy bứt quả lạc BL-500 đã góp phần giải quyết cơ bản lao động thủ công trong thời vụ hiện nay (khoảng 90%), khả năng thu hồi vốn 1,4 năm. Hiện nay Sở Khoa học và Công nghệ đang chuyển giao máy bứt lạc BL-500 cho Trung tâm khuyến nông tỉnh để giới thiệu cho nông dân Tây Ninh ứng dụng vào sản xuất, thu hoạch lạc tại các địa phương trong tỉnh.
Việc nghiên cứu, hoàn thiện máy thu hoạch lạc BL-500 và chuyển giao đưa vào sản xuất, đã góp phần triển khai thực hiện Đề án " Cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất, thu hoạch một số cây trồng chính của tỉnh Tây Ninh: Cây Lúa, Cây Mỳ, Cây Đậu phộng" giai đoạn 2013-1015 và định hướng đến năm 2020" của tỉnh Tây Ninh./.
Chi cục QLCL
Ý kiến bạn đọc