Phòng trừ Rầy nhảy (Rầy phấn) trên cây sầu riêng

Thứ tư - 16/08/2023 15:28 6.507 0
Sầu riêng là loại cây ăn quả được thị trường ưa chuộng, để sản xuất sầu riêng đạt hiệu quả, bên cạnh kỹ thuật canh tác tốt, việc thường xuyên kiểm tra vườn và phòng trừ kịp thời các loài sinh vật gây hại phổ biến là nội dung quan trọng, cần được quan tâm thực hiện. Rầy nhảy (hay còn gọi là rầy phấn) có tên khoa học là Allocaridara malayensis, là đối tượng gây hại phổ biến, quan trọng trên cây sầu riêng.

Sầu riêng là loại cây ăn quả được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao, có giai đoạn kinh doanh trung bình là 25 năm. Nếu được chăm sóc tốt, giai đoạn kiến thiết cơ bản thường kéo dài đến hết năm thứ 4, sau đó cây bắt đầu cho trái với năng suất tăng nhanh dần, cho thu hoạch ổn định ở năm thứ 7 và năng suất vườn sẽ giảm nhanh ở giai đoạn cuối. Để sản xuất sầu riêng đạt hiệu quả, bên cạnh kỹ thuật canh tác tốt, việc thường xuyên kiểm tra vườn và phòng trừ kịp thời các loài sinh vật gây hại phổ biến là nội dung quan trọng, cần được quan tâm thực hiện.

         Rầy nhảy (hay còn gọi là rầy phấn) có tên khoa học là Allocaridara malayensis, là đối tượng gây hại phổ biến, quan trọng trên cây sầu riêng. Chúng thường phát triển mạnh trong các tháng mùa nắng, gây hại bộ lá của cây (chủ yếu trên lá non) từ đó làm cây không quang hợp được, ra hoa ít, đậu trái kém, trái bị sượng, phẩm chất kém.

           - Đặc điểm nhận biết của rầy nhảy:

+ Trứng: có màu vàng lợt, hình bầu dục có một đầu hơi nhọn; kích thước rất nhỏ; được đẻ thành từng ổ (8-14 trứng) ở mặt trên lá non còn xếp lại và có thể được quan sát khi đưa lá non về phía ánh sáng.

+ Ấu trùng: có cấu trúc giống như lông màu trắng xung quanh cơ thể, đặc biệt là ở phía sau có lông tơ màu trắng dài trông giống như một cái đuôi gà; di chuyển rất nhanh khi bị động.

          + Thành trùng: không có cấu trúc lông trắng như ấu trùng; không bay thường xuyên mà chỉ bay khi chúng bị quấy phá; cơ thể có màu nâu lợt; cánh trong suốt; thường xuất hiện ở mặt dưới lá và có thể sống đến 06 tháng.

h1 3

Hình 1: Hình thái trứng, ấu trùng, trưởng thành của rầy nhảy

Nguồn: sưu tầm

- Triệu chứng gây hại:

+ Rầy nhảy thường sống ở mặt dưới lá; cả ấu trùng và thành trùng đều chích hút các lá non, lá bị hại thường có những chấm vàng. Khi bị hại nặng, lá thường khô, quăn queo, cong lại, rụng hàng loạt (lá non rụng nhiều) và khô ngọn.

          + Ngoài ra rầy nhảy còn tiết ra mật ngọt tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển làm đen lá, trái.

h2 3h3

Hình 3: Rầy nhảy gây hại lá sầu riêng

 (Nguồn: sưu tầm)

           - Biện pháp phòng trừ:

+ Điều khiển cây ra đọt non đồng loạt để thuận tiện trong kiểm soát rầy;

          + Phun nước khi lá vừa mở để rửa trôi ấu trùng, thành trùng góp phần giảm mật số rầy.

          + Sử dụng bẫy dính màu vàng để hấp dẫn và bẫy rầy trưởng thành.

          + Tạo điều kiện phát triển thiên địch của rầy nhảy trong tự nhiên như: ong ký sinh nhỏ (thường có nhiều ở những nơi ít sử dụng thuốc hóa học), ấu trùng bọ rùa, ấu trùng bọ cánh gân, ....

          + Khi mật số rầy cao, có thể dùng các loại thuốc chứa hoạt chất như: hỗn hợp Nitenpyram + Pymetrozine + Imidacloprid; hỗn hợp Acetamiprid + Buprofezin + Isoprocacarb; hỗn hợp Abamectin + Azadirachtin; hỗn hợp Abamectin + Petroleum oil; ... Lưu ý, luân phiên sử dụng các hoạt chất để hạn chế bộc phát tính kháng của rầy nhảy.

 TRẠM TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT THỊ XÃ HÒA THÀNH

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TÂY NINH

Tác giả: Bao ve thuc vat

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây