Kỹ thuật sản xuất giống cá Dĩa

Thứ năm - 27/02/2014 17:40 1.026 0

 Chi cục Thủy sản Tây Ninh

I. Nuôi vỗ                                                                    

Nuôi dưỡng một số lớn cá con, sau đó tuyển loại dần cho đến trưởng thành, chỉ để lại những cá thể có màu sắc, ngoại hình đẹp.

 

Cá dĩa đẻ trứng bám vào giá thể

 

Cá 2 tháng tuổi chọn những con có màu sắc, hình dáng đẹp để nuôi thành cá trưởng thành. Cá đạt 6 tháng tuổi, chọn lại một lần nữa để nuôi vỗ thành cá bố mẹ cho sinh sản

Tiêu chuẩn chọn: Cá có hình dáng tròn, cân đối, mập, màu sắc đẹp, phù hợp với thị hiếu của người mua. Cá có sức khỏe tốt, không bị dị hình.

Mật độ: Cá 2 tháng tuổi, sau khi sơ tuyển thả nuôi với mật độ 10 con/100         L nước. Cá 6 tháng tuổi, chọn nuôi chính thức với mật độ 5 con/100L nước.

Thức ăn: Cung quăng, trùn chỉ, ròng ròng cá lóc, cá 7 màu có kích thước nhỏ, cá bột của cá vàng, thị bò, tim bò băm nhỏ,…

II. Chăm sóc và quản lý

Mỗi ngày thay nước một lần, lượng nước mới thay bằng 1/4 thể tích bồn kiếng hoặc bằng 1/3 lượng nước cũ. Nếu sử dụng nước máy, phải chứa trong hồ ít nhất 24 giờ. Tắt máy sục khí (nếu có), siphon đáy hồ trước khi thay nước.

Hồ nuôi cá dĩa cần đặt nơi yên tĩnh, ít người qua lại vì cá dĩa rất nhút nhát, hay hoảng sợ. Tránh đặt bể nơi có ánh sáng trực tiếp sẽ làm cho rong (tảo) phát triển nhanh, nước mau dơ. Không cần đặt các vật trang trí như sỏi, đá,… ở đáy hồ để làm vệ sinh mỗi ngày được dễ dàng.

Chế độ cho ăn: Mỗi ngày nên cho cá ăn 2 lần vào những giờ nhất định, lượng thức ăn vừa đủ. Không nên cho ăn  thừa làm nước mau dơ.

III. Kỹ thuật cho cá dĩa sinh sản

Chuẩn bị bể đẻ: Bể kính có kích thước 90 x 50 x 50cm, tương đương với 225L nước, hoặc có thể: 80 x 40 x 40cm. Bể đặt nơi yên tĩnh, không có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

pH nước 6,5 – 6,8, nhiệt độ từ 27 – 28oC

Đặt giá thể: giá thể cứng, đặt đúng. Có thể sử dụng miếng gạch hình tam giác, hoặc gạch hình bầu dục, ống nước,…

Phân biệt đực cái:

Cá đực

Cá cái

Dấu hiệu sinh dục thứ cấp

- Đầu to và múp.

- Dáng điệu động hớn mạnh mẽ, các tia vây giương rộng và dài.

- Đầu thuôn hơn.

- Dáng điệu động hớn mềm dẻo, các tia vây không giương rộng bằng cá đực.

Dấu hiệu sinh dục sơ cấp

Đến thời kỳ sinh sản gai sinh dục dài ra, ngắn, chia thành 2 thùy có dạng nhọn và hơi cong về phía sau.

Đến thời điểm đẻ trứng, gai sinh dục lồi ra dài khoảng 3mm, có dạng tù và thẳng.

Bố trí cho cá sinh sản: cá dĩa khi thành thục sẽ tự bắt cặp, do đó nên chọn những con tự bắt cặp để bố trí cho sinh sản, tỷ lệ đực cái là 1:1.

Hoạt động cho sinh sản: sau khi cá bắt cặp sẽ tìm giá thể để làm tổ đẻ gọi là hiện tượng “cạp ổ”. Vài ngày trước khi cá đẻ, cá có hiện tượng rung toàn thân và lỗ sinh dục lồi ra. Cá đực và cá cái thay phiên nhau làm sạch giá thể bằng bụng và miệng. Hoạt động cạp ổ diễn ra mạnh khoảng 2 giờ trước khi cá bắt đầu đẻ. Tiếp theo quá trình cạp ổ, cá cái lướt thử vài đường lên xuống, đồng thời cá đực cũng bắt đầu đi theo đường mà cá cái đã đi qua. Sau vài lần lướt thử, khi nhận thấy đã thích hợp cá cái tiến hành đẻ trứng, gai sinh dục của cá cái chạm vào giá thể để gắn trứng theo đường dọc đứng từ phía dưới đi lên và cá đực đi theo sau để phóng tinh.

Số lần đẻ, kích thước tổ trứng phụ thuộc vào sức sinh sản của cá thể. Thời gian sinh sản kéo dài khoảng 1-1 giờ 30 phút. Trứng cá dĩa có màu vàng cam, ít trương nước, dạng hơi bầu dục, kích thước 1,25 x 1,5mm.

IV. Ấp trứng

Sau khi đẻ xong, cá bố mẹ thay nhau ấp trứng. Những trứng rơi xuống đáy sẽ được nhặt lên gắn vào tồ, đồng thời ăn những trứng hư hoặc không thụ tinh.

Thời gian ấp trứng tùy thuộc vào nhiệt độ. Nếu nhiệt độ ấp trứng từ 26-28oC thì thời gian ấp trứng là 65-75 giờ, tỷ lệ nở rất cao. Nếu nhiệt độ ấp trứng lên đến 30oC thì thời gian ấp trứng là 46-48 giờ, tỷ lệ nở thấp dưới 50% và thường bị dị hình. Khi trứng sắp nở (khoảng giữa ngày thứ 3), cá bố mẹ đã dọn một nơi khác để chuyển con mới nở sang.

Chú ý:

Trong thời gian ấp trứng không nên cho cá ăn mồi sống di động

Khi ấp trứng cần cung cấp đầy đủ oxy, môi trường trong sạch. Vì vậy, nên trang bị hệ thống sục khí nhẹ.

Trong quá trình ấp trứng vẫn thay nước bình thường.

V. Chăm sóc cá con

 

Cá bố mẹ chăm sóc cá con

 

 

Cá mới nở dính vào giá thể khoảng 3 ngày trước khi bơi. Đến ngày thứ 4 sau khi cá con bắt đầu bơi và bám vào mình bố mẹ, dinh dưỡng bằng chất nhày trên da bố mẹ.

Trong thời gian cá bố mẹ đẻ, ấp trứng và giữ con, tránh làm cá hoảng sợ, gây tiếng động mạnh hoặc có người đi vụt qua cá sẽ ngừng đẻ, hoặc ăn trứng, hoặc ăn con.

Ngoài ra, cá bố mẹ cũng có thể ăn con khi số lượng quá ít.

Trong trường hợp cặp cá dĩa bố mẹ nào xảy ra hiện tượng ăn con nhiều lần thì nên cho cá bắt cặp lại hay loại bỏ.

VI. Ương nuôi cá con

Đặc điểm của cá bột và tập tính dinh dưỡng cá con

Sau khi noãn hoàng được hấp thụ (4 ngày sau khi nở), cá dĩa bắt đầu dinh dưỡng bằng chất nhày. Cá con dinh dưỡng từ chất nhày cá bố mẹ độ 1 tuần tuổi thì bổ sung thêm Moina, Artemia. Khi cá 3 tuần tuổi nên tách cá con nuôi riêng tránh làm mất sức cá bố mẹ.

Sau khi tách bày 2,5 tháng cho ăn bằng Moina, Artemia.

Cá từ 2,5 tháng đến 4 tháng ăn Moina, Artemia, trùn chỉ, cung quăng.

Cá từ 4 tháng tuổi đến trưởng thành ăn cung quăng, trùn chỉ, ròng ròng cá lóc, cá bảy màu có kích thước vừa cỡ miệng, tôm tép nhỏ, thịt bò xay nhuyễn.

Nếu thức ăn là Artemia nên cho ăn vừa đủ, không nên cho ăn nhiều artemia sẽ chết làm dơ nước.

Nếu thức ăn là trùn chỉ nên rửa bằng nước muối 2-3o/oo trước khi cho cá ăn.

Phải thường xuyên thay nước thay 1/3-1/4 tùy thuộc vào chất lượng nước. Mật độ ương từ 200-250 con/hồ (225L).

Tốc độ tăng trưởng:

Giai đoạn ăn chất nhày trên cơ thể bố mẹ.

Bảng: Tốc độ tăng trưởng của cá trong giai đoạn ăn chất nhày

Tuổi (ngày)

Chiều dài (mm)

Chiều cao (mm)

Ghi chú

1

4

1,8

Cá dạng hình chùy

3

5-6

2-2,5

5

8-9

3-3,5

7

9-10

3-3,5

13

11-14

5-7

Cơ thể cá dẹp dần

17

11-16

5-9

Giai đoạn sau khi tách cá bố mẹ: Ngày 18-20, cá được tách ra khỏi mình cá bố mẹ, phát triển khá nhanh về chiều cao và có hình dáng gần giống cá trưởng thành.

Cá 5-6 tuần tuổi dài khoảng 25 mm, nuôi tốt sau 3 tháng cá dài 60-70 mm, ngoài các sọc đứng cá còn xuất hiện một số màu rõ hơn ở vây lưng và vây hậu môn, một ít ở đầu. Cá 5-6 tháng tuổi có màu sắc sặc sỡ.

Chú thích:

Artemia: Là loài nhuyễn thể, có kích thước nhỏ, dùng làm thức ăn trong ương giống thủy sản.

Moina: Hay còn gọi là bo bo, cung quăng cám, là động vật thủy sinh nhỏ dùng để làm thức ăn cho cá bột.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây