Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mì

Thứ ba - 20/12/2016 02:00 21.212 0

I. YÊU CẦU NGOẠI CẢNH

- Nhiệt độ thích hợp từ 15-290C.

- Khoai mì có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau.

II. THỜI VỤ

Có 2 vụ trồng mì chính:

- Vụ Hè thu (vụ đầu mùa mưa): Trồng vào tháng 4-5 (dương lịch).

- Vụ Đông xuân (vụ cuối mùa mưa): Trồng vào tháng 10-11 (dương lịch).

III. LÀM ĐẤT

- Khoai mì cần lớp đất xốp, sâu để rễ củ phát triển. Cày sâu 30-35 cm, cày 2 lần, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày, bừa 2 lần.

- Lên luống đơn: rộng 0,7-0,9m, trồng 1 hàng mì.

- Lên luống đôi: rộng 1,5-2m, trồng 2 hàng mì.

- Lên luống ba: 2,6-2,8m, trồng 3 hàng mì.

- Không nên lên luống theo chiều dốc của đất, nước sẽ rửa trôi đất màu.

IV. CHỌN GIỐNG VÀ CÁCH TRỒNG

- Các giống khoai mì đang trồng phổ biến trong tỉnh: KM94, KM98-5, KM98-1, KM419, HL-S11, ….

- Cây khoai mì làm giống lấy từ ruộng sản xuất tốt hoặc ruộng nhân giống riêng, cây khoai mì phải đạt từ 7 tháng tuổi trở lên, đường kính trên 1,5cm, không nhiễm sâu bệnh, nhặt mắt, đặc lõi và không bị trầy dập. Hom giống lấy từ 1/3 ở đoạn giữa thân cây giống. Dùng dao bén chặt hom và tránh làm hom bị dập, mỗi hom 4-5 mắt, loại bỏ phần ngọn non và phần gốc quá già.

- Xử lý hom trước khi trồng bằng cách nhúng vào các dung dịch thuốc diệt nấm hoặc nước vôi 5% trong 5-10 phút, sau đó vớt ra để ráo thuốc rồi đem trồng.

- Đặt hom xiên, đứng hoặc nằm dọc theo luống. Độ sâu lấp hom 6-8cm.

- Mật độ: 12.000-16.000 hom/ha.

- Khoảng cách: Đất tốt trồng 1m x (0,6-1m). Đất xấu trồng 0,7m x 0,8m.

V. CHĂM SÓC

1. Bón phân

- Lượng phân sử dụng cho 1 ha:

+ Phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh): 5-7 tấn hoặc tro dừa: 100-200 giạ, hay tro trấu 300-500 giạ. Bón phân hữu cơ và tro trấu cung cấp một lương chất dinh dưỡng đồng thời giúp đất xốp, giữ nước giữ phân tốt hơn. Có thể trộn thêm nấm đối kháng Trichoderma để phòng bệnh thối củ, do nấm Phytophthora gây ra.

+ Vôi:

+ Phân hóa học: Bón theo công thức 80 kg N- 60 kg P2O5-120 kg K2O tương đương 170 kg urea + 375 kg Super lân + 200 kg Clorua kali.

- Những vùng trồng khoai mì có hàm lượng bột đạt thấp sử dụng công thức: 80 kg N- 80 kg P2O5-160 kg K2O.

- Tùy theo điều kiện đất đai, có thể tăng giảm lượng phân bón cho phù hợp.

Cách bón:

- Vụ Đông xuân:

+ Bón lót: Trước lúc lên luống, toàn bộ phân hữu cơ, lân + 1/3 đạm.

+ Bón thúc lần 1: Đầu mùa mưa, 4- 5 tháng sau khi trồng, bón 1/2 đạm  + 1/2 kali.

+ Bón thúc lần 2: Cách bón thúc lần 1 khoảng 1-1,5 tháng: 1/6 đạm + 1/2 kali.

- Vụ Hè thu:

+ Bón lót trước lúc lên luống: Toàn bộ phân hữu cơ, lân + 1/4 đạm.

+ Bón thúc lần 1: 20-30 ngày sau khi trồng, 1/2 đạm  + 1/2 kali.

+ Bón thúc lần 2: 1-1,5 tháng sau thúc lần 1, 1/4 đạm  + 1/2 kali.

Lưu ý:

- Ở các lần bón thúc 1 thì phải kết hợp với làm cỏ vun gốc, cày ra một lớp mỏng, cày ốp vô dày hơn, cho đất xốp đồng thời lấp phân để mì dễ hấp thu.

- Bón phân lần 2 thường mì đã lớn, không nên cày mà dùng cuốc lấp phân, chú ý tránh làm đứt củ.

2. Phòng trừ cỏ dại

- Trường hợp sau trồng mì bị mưa cần xới phá váng giúp đất thông thoáng, để mì sinh trưởng tốt.

- Trồng hàng đơn, kịp thời làm cỏ vun gốc kết hợp cày ra ốp vô (cày xa gốc tránh làm đứt củ mì) ở thời điểm khoảng 1 tháng sau khi trồng. Trồng hàng đôi thì  không cày. Cần phải bón phân để cung cấp đủ dinh dưỡng và hạn chế không để cỏ phát triển làm ảnh hưởng sinh trưởng và giảm năng suất mì.

- Sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm (1-3 ngày sau trồng) như Antaco gold 500EC, Dual Gold 960EC,…

- Sau trồng 2,5-3 tháng có thể dùng một trong các loại thuốc như Onecide 15EC, Tagar super 5EC, Select 240EC,...

- Khi cây mì cao lá gốc rụng, có thể sử dụng Gramoxone 20SL (phun tránh không để lá mì tiếp xúc với thuốc).

3. Phòng trừ sâu bệnh hại

- Chú ý một số đối tượng sau:

a. Nhện đỏ: Sử dụng thiên địch trên đồng ruộng như bọ rùa. Khi nhện phát sinh gây hại, không để ruộng bị khô hạn, có điều kiện tưới phun là tốt nhất. Có thể dùng các loại thuốc hóa học chuyên trị như Nissorun 5EC, Alfamite 15EC / 20WP, Mitac 20EC, Ortus 5SC, ...

b. Rệp sáp bột hồng: Nhân nuôi và phóng thích ra đồng ruộng ong ký sinh Anagyrus lopezi, bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi để các côn trùng ăn thịt, thiên địch trên đồng ruộng (bọ rùa vệt đen, bọ rùa đỏ, bọ cánh gân,...), hoặc sử dụng nấm trắng (Beauveria bassiana), nấm xanh (Metarhizium anisopliea), hoặc sử dụng thuốc hóa học gốc Thiamethoxam, gốc Imidacloprid, gốc Nitenpiram, gốc Dinotefuran.

c. Bệnh chổi rồng (Do Phytoplasma gây ra): Sử dụng hom giống sạch bệnh, bón phân đầy đủ và cân đối, khuyến khích sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, tiến hành luân canh, xen canh với cây họ đậu và vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy những cây ký chủ.

d. Bệnh cháy lá vi khuẩn: Sử dụng thuốc hóa học xử lý hom. Khi bệnh mới xuất hiện, có thể dùng một số loại thuốc trừ vi khuẩn như: Norshield, Lobo 8WP, Avalon 8WP, Staner 20WP, Kasumin 2SL, Kasuran 47WP, New Kasuran 16,6WP, Ditacin 8SL, Ychatot 900SP.

e. Bệnh loét thân, thối gốc, thối củ: Vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất, bón lót vôi trước khi trồng 15 ngày, sử dụng phân hữu cơ có chế phẩm sinh học Trichoderma hoặc dùng chế phẩm sinh học Trichoderma trộn với phân hữu cơ hoai mục để bón lót. Trong trường hợp phát hiện ruộng bị nhiễm bệnh cần hạn chế tưới quá ẩm và không tưới thấm (xả tràn giữa các luống) sẽ tạo điều kiện bệnh phát sinh và lây lan. Vào mùa mưa, đánh rãnh tiêu thoát nước tốt cho ruộng mì.

g. Bệnh khảm lá (do vius): Dùng hom giống sạch bệnh, loại bỏ sớm các cây bị bệnh trong vườn.

Lưu ý: Nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn trong nhãn thuốc để tránh thiệt hại và áp dụng theo phương châm 4 đúng: Đúng thuốc; Đúng liều lượng; Đúng thời điểm và Đúng cách.

4. Thu hoạch

- Thu hoạch khoai mì phải đúng thời kỳ. Nếu thu quá sớm, khoai mì không đủ hàm lượng tinh bột. Nếu thu hoạch quá muộn, sẽ tiêu hao chất khô trong củ. Thời gian thu hoạch khoai mì trung bình là 9-10 tháng. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào giống mì, có thời gian sinh trưởng khác nhau.

5. Luân canh

- Không nên trồng khoai mì liên tục qua nhiều vụ mà phải áp dụng trồng luân canh với một số loại cây trồng ngắn ngày khác như: Đậu phộng, lúa, bắp,… vừa góp phần cải tạo đất hiệu quả, đồng thời sẽ tiêu diệt được một số nấm bệnh và sâu hại còn tồn lưu trong đất, góp phần hạn chế được sâu bệnh hại trên cây khoai mì./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây