Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng các nội dung bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2022

Thứ ba - 11/01/2022 01:00 341 0

Ngày 07/01/2021, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn số 62/SNN-VP xây dựng các nội dung thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2022 thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp và PTNT quản lý, cụ thể như sau:

1. Mục tiêu

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

2. Các chỉ tiêu cần đạt

- 100% nhiệm vụ Kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT về công tác thanh tra, kiểm tra, phổ biến giáo dục pháp luật; thông tin truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm được thực hiện.

- Vận động 100% hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm.

- Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng 2 % so với năm 2021 (theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT).

- Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản được thẩm định đạt yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm xếp loại A, B tăng 1% so với năm 2021.

- Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản giám sát (theo Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT) vi phạm về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hoá chất, kháng sinh giảm 5% so với năm 2021; tiếp tục kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

- Các đối tượng tham gia chuỗi giá trị nông lâm thủy sản từ người sản xuất, chế biến, lưu thông, buôn bán đến người tiêu dùng được phổ biến, hướng dẫn, vận động tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

3. Các nhiệm vụ trọng tâm

- Xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022 theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

- Hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất, chế biến áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đặc biệt không sử dụng chất cấm, chất bảo quản, phụ gia, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y ngoài danh mục.

- Cập nhật công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin về các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, địa chỉ nơi bày bán sản phẩm nông lâm thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi. Thông tin kịp thời, đầy đủ kết quả điều tra, truy xuất và xử lý các vụ việc vi phạm được phát hiện về an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

- Phổ biến, vận động người dân, doanh nghiệp áp dụng quy trình sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm; hỗ trợ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGHAP, GlobalGAP....),thực hành sản xuất tốt (GMP, HACCP…) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và phát triển bền vững.

- Công tác giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thực hiện theo Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tập trung vào các vấn đề gây bức xúc trong xã hội như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả và chất cấm, kháng sinh trong thịt, thủy sản... nhằm đánh giá rủi ro, kịp thời cảnh báo và khoanh vùng đối tượng tăng cường thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm.

- Phối hợp chặt chẽ  với Sở Y tế, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và Công an tỉnh phát hiện, điều tra, triệt phá, xử lý dứt điểm các đường dây nhập lậu thực phẩm nông lâm thuỷ sản không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm. Qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm để xử lý triệt để; tập trung thanh tra, kiểm tra đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản chưa đủ điều kiện bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm./.

 

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây