Thúc đẩy chế biến NTLS và cơ giới hoá nông nghiệp Tây Ninh

Thứ sáu - 11/01/2019 16:00 1.344 0

Tây Ninh là tỉnh có các điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi để phát triển nông nghiệp (đất đai bằng phẳng, ít ảnh hưởng của bão, lũ lụt). Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 340 ngàn ha, trong đó đất lâm nghiệp 71 ngàn ha; đất xám chiếm chủ yếu (84,37%). Nguồn nước mặt, nước ngầm dồi dào, chất lượng nước khá tốt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; dân số đông, nguồn lao động chiếm trên 60% dân số, chất lượng lao động được đánh giá ở mức khá. Là địa phương có truyền thống sản xuất nông nghiệp những sản phẩm có thế mạnh như mía, mì, cao su, mãng cầu, bò thịt với trình độ thâm canh và ứng dụng KHKT khá mạnh mẽ. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã và đang từng bước được hoàn thiện, thực sự là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.

Để tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU ngày 22/12/2016 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp; và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 382/QĐ-UBND ngày 20/02/2017 phê duyệt Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hiện nay, Tây Ninh có 4 nhà máy sản xuất, chế biến mía đường, với tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 15.800 tấn mía/ngày; chế biến mủ cao su: có khoảng 23 công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, còn lại là các cơ sở thu mua, sơ chế nhỏ lẻ với tổng công suất khoảng 431 tấn sản phẩm/ngày; chế biến mì: có khoảng 65 nhà máy chế biến khoai mì đang hoạt động với tổng công suất hoạt động khoảng 5.527 tấn bột/ngày (có 50 công ty, doanh nghiệp và 15 cơ sở nhỏ); chế biến rau, cây ăn trái: có 01 nhà máy chế biến rau quả Tanifood.

Về cơ giới hóa hiện nay đang dần được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp. Thống kê máy móc cơ giới trong sản xuất Nông, Lâm, Ngư nghiệp tỉnh Tây Ninh: Máy kéo lớn từ 35 Cv trở lên: 2.192 cái; Máy kéo trung trên 12 CV trở xuống: 1.424 cái; Máy kéo nhỏ từ 12 CV trở xuống 1.424 cái; Máy gặt đặp liên hợp: 344 cái; Máy cấy lúa: 1 cái; Máy cuốn rơm: 120 cái; Máy thu hoạch mía: 10 cái; Máy trồng mỳ: 7 cái; Máy thu hoạch đậu phộng: 10 cái. Tình hình phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh năm 2017 khá đa dạng với nhiều loại cây trồng, trong đó tập trung một số cây trồng chính sau:

Đối với cây lúa: Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt khoảng 98%; khâu gieo, cấy khoảng 2,5% (phần lớn còn lại là gieo cấy thủ công, hoặc dùng ống xạ); khâu làm cỏ, bón phân khoảng 45% (về khâu làm cỏ lúa hiện nay chủ yếu là dùng máy xịt thuốc cỏ, tỷ lệ cơ giới hóa khoảng 85%. Còn việc bón phân tỷ lệ hiện nay rất thấp, khoảng 5% – 10%); khâu tưới nước khoảng 92%; khâu thu hoạch đạt khoảng 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy.

Đối với cây mía: Tỷ lệ cơ giới hóa trên cây mía tương đối khá, cụ thể: khâu làm đất (100%), khâu trồng (37%), chăm sóc (40%: làm cỏ, bón phân, bón vôi,...), tưới  nước 60% diện tích, và khâu thu hoạch mía (10,2%); có một số diện tích mía được cơ giới hóa đạt tỷ lệ cao (95%), điển hình là Nông trường mía Biên Hòa - Thành Long và Nông trường mía Hưng Thịnh...

Đối với cây mì: Trong sản xuất cây khoai mì cơ giới hóa tập trung ở khâu làm đất (98%); khâu bón lót (80%), tưới (40%), khâu vận chuyển cây giống, khâu vận chuyển củ khoai mì về nhà máy (95%), còn lại khâu thu hoạch phần lớn làm thủ công.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cũng đang đối mặt với những khó khăn nhất định như:

Công nghệ giống, kỹ thuật cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực yếu và thiếu.

Vốn đầu tư cho nông nghiệp luôn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng đầu tư toàn xã hội; các nguồn đầu tư chủ yếu từ nông dân và ngân sách nhà nước; vốn đầu tư cho các thành phần kinh tế theo chuỗi giá trị chưa có định chế tài chính phù hợp (mức tín dụng, chính sách ưu đãi,...).

Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đầu tư theo chuỗi giá trị; dịch vụ thương mại phục vụ hỗ trợ nông nghiệp phát triển chưa nhiều chưa hỗ trợ tốt cho tiêu thụ nông sản; chuỗi giá trị sản phẩm còn nhiều bất cập.

Ngày 22/12/2016 Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 07-CTr/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với cơ cấu lại nông nghiệp; ngày 20/02/2017 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 382/QĐ-UBND phê duyệt Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 605/QĐ-UBND ngày 17/3/2017 thành lập nhóm công tác thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2021 về lĩnh vực nông nghiệp và 04 Đề án phát triển nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh trên các cây trồng vật nuôi chủ lực của tỉnh (lúa; rau; heo; bò).

* Đổi mới cơ chế chính sách

Tỉnh đã cụ thể hóa chính sách của Trung ương về Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg. Ban hành triển khai thực hiện 06 chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016 – 2020; Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2016-2020; Chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn  trên địa bàn tỉnh; Chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng CNC).

Đang đề xuất UBND tỉnh quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với 18 vùng, diện tích trên 17.048 ha; trong đó đề nghị công nhận 4 vùng cơ bản đạt tiêu chí quy định và đề xuất quy hoạch 14 vùng NNUDCNC, giai đoạn 2016-2020 nhà nước sẽ đầu tư hạ tầng 07 vùng, giai đoạn 2021-2025 tiếp tục đầu tư hạ tầng 06 vùng còn lại, còn lại 01 vùng sẽ do Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh làm chủ đầu tư. Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Tiêu chí kêu gọi đầu tư tại khu đất xã An Cơ, huyện Châu Thành cũng như Hướng dẫn thực hiện Tiêu chí kêu gọi đầu tư thực hiện dự án phát triển NNCNC tại khu đất trên. 

Kết quả bước đầu

Ngành trồng trọt có chuyển biến rõ nét. Đối với ngành hàng truyền thống (mía, mì, cao su, lúa,...) sản xuất theo hướng tập trung phục vụ công nghiệp chế biến, đối với các ngành hàng tiềm năng (rau thực phẩm, cây ăn quả…) từng bước chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích như: nhãn, mãng cầu, bưởi, sầu riêng, xoài, chuối, mít... đem lại giá trị tăng thêm từ 3-4 lần so với cây truyền thống.

Số cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAHP là 45 cơ sở. Liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngày càng phát triển mạnh, đối với heo thịt, gà thịt, bò sữa, trứng công nghiệp hiện nay đã có 60% sản phẩm liên kết.

Lĩnh vực lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2017 là 16,2% (nếu tính cả diện tích cao su ngoài quy hoạch lâm nghiệp, cây ăn quả 41,5%), ước đến cuối năm 2018 tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,3%.

Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhân rộng sản xuất; tỷ lệ sử dụng giống cây trồng, vật nuôi tiên tiến được nâng lên đáng kể (trên 80%); năng suất tăng từ 5 - 10%, chất lượng nông sản ngày càng nâng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp; trên 5% nông sản sản xuất theo quy trình VietGAP. GlobalGAP (an toàn). Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 14,8% (tăng 31,9% so với năm 2015), sản phẩm nông nghiệp ngày càng đạt chất lượng đáp ứng yêu cầu tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu.

Tập trung tái cơ cấu đầu tư công, đầu tư chuyển đổi tập trung theo hướng phát triển hệ thống hạ tầng tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh phục vụ chuyển đổi cây trồng cạn. Đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ vùng phát triển nông nghiệp UDCNC chuyển đổi cây trồng với diện tích khoảng 6.500 ha, theo đó hiện đã triển khai vùng Tà Xia huyện Tân Biên, Hội Thành huyện Tân Châu.

Thu hút đầu tư với 57 dự án, vốn đầu tư trên 4.040 tỷ đồng, đặc biệt có dự án đầu tư phát triển rau, củ và cây ăn quả với số vốn trên 1.000 tỷ đồng , đây là dự án có thể là đòn bẩy giúp nông dân chuyển đổi sản xuất, kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong giá trị gia tăng của chuỗi giá trị cho một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Tập trung liên kết các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ với nông dân vào chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị luôn được ngành chú trọng; hiện đang xúc tiến tạo điều kiện để Công ty Tanifood, Tập đoàn Nafood liên kết nông dân trong chuỗi giá trị rau quả và cây ăn quả, đây là 02 doanh nghiệp có tiềm năng và năng lực chế biến xuất khẩu rau quả của cả nước.

Trong thời gian tới, Tỉnh định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng: Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại, có năng suất, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và xây dựng nông nông thôn mới; từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng giá trị sử dụng trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống dân cư nông thôn.

Trong đó, từ nay đến năm 2020 và 2030 phát triển:

- Chuyển đổi cây trồng theo hướng chuyển dần diện tích năng suất, hiệu quả thấp như: đất lúa sang sản xuất rau, củ, quả; một số diện tích cao su, mì sang phát triển cây ăn trái có giá trị cao như xoài, thơm, chuối, chanh dây, nhãn, sầu riêng,... hướng đến xuất khẩu hoặc làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

- Triển khai ít nhất 02 nhà máy chế biến rau, củ quả.

- Đầu tư và hiện đại hóa phát triển các lĩnh vực công nghiệp chế biến truyền thống như chế biến khoai mì, cao su, mía đường, lúa gạo, rau quả, sản phẩm chăn nuôi, chế biến gỗ… Tập trung đầu tư trang thiết bị công nghệ mới để nâng cao giá trị gia tăng đi vào chế biến sâu đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm;

- Hình thành ít nhất 03 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn thiện; làm tiền đề thúc đẩy phát triển sản xuất chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao khoảng 800 ha đến năm 2020 và 1.800 ha đến năm 2030; rau, củ, quả chuyên canh khoảng 1.000- 1.500 ha đến năm 2020 và 4.000 ha đến năm 2030; tổ chức sản xuất, tiêu thụ đảm bảo ATTP 30.000 ha diện tích rau quả trồng luân canh.

- Từng bước phát triển nông nghiệp đô thị tại các huyện, trong đó tập trung phát triển các loại rau quả công nghệ cao, hoa, cây cảnh.

- Phấn đấu bình quân giá trị sản phẩm thu hoạch đất trồng trọt đạt trên 100 triệu đồng/ha.

- Phát triển chăn nuôi theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp (đặc biệt đối với heo và gà), có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ chăn nuôi trang trại và gia trại đạt trên 70% so với tổng đàn (nuôi bò thịt 20-25%; bò sữa 100%;  nuôi heo 80-85%; nuôi gà 90-95% và nuôi vịt 75-80%) và đến năm 2030 đạt 80% so với tổng đàn. Phát triển ít nhất 01 nhà máy chế biến giết mổ hiện đại phục vụ nhu cầu trong tỉnh và khu vực.

- Phấn đấu có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm (bao gồm rau quả, trái cây) được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Xây dựng 01- 02 thương hiệu nông sản đặc thù của tỉnh.

- Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

- Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đi đôi với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

- Tập trung phát triển sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn, đồng thời tăng cường, kiểm tra, giám sát quản lý tốt ATTP; hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng thị trường./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây