Tiềm năng xuất khẩu nông sản sang vùng Đông Bắc và Trung Quốc

Thứ hai - 14/01/2019 19:00 300 0

Thị trường Trung Quốc ngày càng khắt khe hơn với nông sản nhập khẩu. Trung Quốc đã yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu từ tháng 4 năm nay và Giấy chứng nhận chất lượng, xuất xứ từ tháng 10 năm tới đối với các loại thực phẩm nhập khẩu.

Nhằm giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc và hưởng các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN, hội nghị xúc tiến nông sản đã được tổ chức.

Sau khi nhận diện các rào cản thương mại, các đại biểu của doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất, trước hết, sẽ tập trung nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, đạt các chứng nhận, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, bao bì, mẫu mã theo tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Với nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi, thị trường Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn và đầy tiềm năng đối với Việt Nam.

Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như: hàng nông lâm sản gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, chè, rau quả nhiệt đới; hàng thủy sản tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá da trơn đông lạnh và cá da trơn phi lê đông lạnh.

Riêng đối với mặt hàng sắn (mì) và các sản phẩm sắn cần tập trung khai thác, nâng cao thị phần tại Quảng Tây, Vân Nam nhằm tận dụng ưu thế vị trí địa lý, chi phí vận chuyển và sự linh hoạt của phương thức thương mại biên giới. Bên cạnh đó, cần tập trung thâm nhập, khai thác thị trường khu vực miền Đông, trong đó có tỉnh Giang Tô với cửa khẩu Trấn Giang, nơi thông quan mặt hàng sắn lát khô nhiều nhất Trung Quốc.

Trên tinh thần đó, sáng 21/12, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức buổi Tọa đàm doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam Trung Quốc; nhằm mở rộng hợp tác, phát triển thương mại nông sản, thủy sản giữa hai nước.

Đại diện gần 100 doanh nghiệp Việt Nam với nhiều ngành nghề như yến, hồ tiêu, cà phê, gạo, thủy sản, dừa, trái cây... tham dự buổi tọa đàm, trao đổi, thắc mắc và nhu cầu thị trường với Tập đoàn SanWa, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.

Tham dự buổi Tọa đàm, có Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cùng đại biểu các tỉnh. Riêng tỉnh Tây Ninh có Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Quang cảnh buổi Tọa đàm 

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi, đề xuất nhiều ý kiến với Tập đoàn Sunwah của Trung Quốc xung quanh việc đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm nông sản, thủy sản cụ thể; Phương thức thanh toán, giao nhận hàng hoá sản phẩm giữa hai bên.

Các doanh nghiệp Việt Nam tự tin khẳng định chất lượng sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam trước thị trường Trung Quốc, mong muốn được tham vấn về chính sách thuế giữa hai bên để tạo thuận lợi giao thương.

Đại diện Tập đoàn Sunwah (Trung Quốc) cũng mong muốn được tăng cường hợp tác thương mại, tiêu thụ nông sản, thủy sản của Việt Nam, nhất là gạo, trái cây sầu riêng, cá tra… Để tạo điều kiện có thị trường tốt tại Trung Quốc và tại tỉnh Liêu Ninh, nơi Sunwah đưa hàng hóa vào, doanh nghiệp hai bên cần phải tìm hiểu sự khác biệt hóa giữa nông sản của Trung Quốc và Việt Nam...

Theo Ông Trần Thanh Nam, nhận biết được các khó khăn này nên đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã làm việc với cơ quan Trung Quốc và phía Tổng cục hải quan Trung Quốc đồng ý xem xét mở thêm các loại rau quả mới từ VN theo thứ tự ưu tiên là: sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, na, măng cụt.

Hiện nay, Trung Quốc mới cho nhập khẩu chính thức 8 loại rau quả của Việt Nam là thanh long, dưa dấu, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, chuối và mít.

Tại buổi làm việc, đại diên một tập đoàn Trung Quốc cho biết các loại trái cây cũng như gạo VN có chất lượng tốt và các doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn hợp tác đưa nông sản VN vào Liêu Ninh, tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc.

Theo Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, "Bộ Nông nghiệp và Tổng cục Hải quan cũng thống nhất, để tăng cường thông tin và để hiểu thêm về các quy định xuất nhập khẩu của hai nước, hai bên sẽ tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ chuyên trách của hai bên ở các cửa khẩu.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cảnh báo các doanh nghiệp VN cần sớm thay đổi tư duy xuất khẩu sang Trung Quốc. Đó là xuất khẩu chính ngạch thay vì tiểu ngạch, cần chú trọng đến phát triển vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng. "Từ tháng 7-2019, phía Trung Quốc sẽ xiết chặt nhập khẩu hàng nông sản từ VN, nếu không đảm bảo các yêu cầu nói trên thì sẽ không xuất khẩu được"./.

Chi cục Phát triển nông thôn


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây