* Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng, khoản 1 Điều 24 của Luật PCTN năm 2018 quy định: "Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ”.
Như vậy, việc chuyển đổi vị trí công tác được quy định rất rõ ràng là với mục đích nhằm phòng ngừa tham nhũng và chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý.
* Vấn đề lưu ý là cần phân biệt giữa việc chuyển đổi vị trí công tác và luân chuyển cán bộ. Chuyển đổi vị trí công tác và luân chuyển cán bộ khác nhau về mục đích, đối tượng cũng như trình tự, thủ tục và thời gian. Luân chuyên cán bộ là chính sách của Đảng ta trong công tác cán bộ nhằm đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ lãnh đạo để họ rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, có thêm kiến thức thực tế và phát triển nhanh, toàn diện hơn, có điều kiện nâng cao trình độ hiểu biết và đủ năng lực thực tiễn đáp ứng được yêu cầu của người lãnh đạo quản lý. Chẳng hạn, đồng chí Phó Giám đốc một Sở được luân chuyển về địa phương làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện hoặc Phó Bí thư huyện ủy, sau một số năm luân chuyển (tối thiểu là 03 năm) đã có thêm kinh nghiệm thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ có thể được bổ nhiệm làm Giám đốc tại Sở trước khi luân chuyển hoặc một vị trí khác tương đương. Còn chuyển đổi vị trí công tác là để tránh việc cán bộ, công chức, viên chức làm lâu ở một trí sẽ tìm ra được kẻ hở hay những khiếm khuyết của cơ chế, chính sách, tìm cách lợi dụng tham nhũng hoặc do làm lâu một vị trí cho nên tìm cách móc nối với những người có liên quan hình thành đường dây, phe nhóm với nhau để thực hiện hành vi tham nhũng.
* Luật PCTN quy định một số nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác để bảo đảm việc chuyển đổi thực hiện được mục đích cũng như tránh những ảnh hưởng không tốt hoặc những biểu hiện tiêu cực khi triển khai thực hiện giải pháp này.
- Việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Có thể thấy điều quan trọng là người chuyển đổi phải được chuyển đến một vị trí phù hợp về chuyên môn, nghiệp vụ, chỉ khác về vị trí, địa bàn hoạt động. Chẳng hạn, kế toán viên của đơn vị này thì chuyển sang đơn vị khác cũng làm công việc liên quan đến nghiệp vụ kế toán,... Không được chuyển đổi công chức, viên chức sang làm những công việc không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, vừa làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, vừa gây khó khăn cho người được chuyển đổi, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Việc chuyển đổi vị trí công tác phải được thực hiện theo kế hoạch và được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là nguyên tắc của việc chuyển đổi nhằm tránh sự tùy tiện trong quá trình thực hiện. Nghĩa là việc chuyển đổi phải có kế hoạch, kế hoạch đó phải được công khai để những người có liên quan biết và chuẩn bị cũng như có thể có kiến nghị về những điều không hợp lý hoặc bày tỏ nguyện vọng cá nhân của mình để người có thẩm quyền xem xét, khi cần thiết có thể điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu công việc nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc và yêu cầu.
Điều 26 Luật PCTN năm 2018 quy định cụ thể về kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác như sau: Định kỳ hàng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị phải ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ; Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện.
- Không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì mục đích vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.
* Về vị trí công tác và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi, Điều 25 Luật PCTN năm 2018 quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác”. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
Danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 134/2021/NĐ-CP), với 119 vị trí công tác, trong đó, lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT, lĩnh vực Thanh tra và Phòng, chống tham nhũng gồm các vị trí:
“X. NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
1. Quản lý động vật thuộc danh mục quý hiếm.
2. Kiểm dịch động vật.
3. Kiểm lâm.
4. Kiểm soát thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, bệnh động vật, gia súc, gia cầm.
5. Theo dõi, quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh, thú y, thủy sản.
XVIII. THANH TRA VÀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
1. Làm công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.”
* Điều 37 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác như sau:
- Chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương.
- Chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
* Điều 38 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP cũng đưa ra các trường hợp chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác, bao gồm: Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật; Người đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang đi học tập trung từ 12 tháng trở lên, người đang biệt phái; Phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ mất hoặc trong trường hợp khách quan khác.
* Các trường hợp đặc biệt chuyển đổi vị trí công tác (Điều 39 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP) gồm có: Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung; Không thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với người có thời gian công tác còn lại dưới 18 tháng cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu./.