Các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Thứ tư - 28/05/2014 16:30 333 0
(Chinhphu.vn) – “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (TCCNN) sẽ theo hướng phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng hiệu quả và phát triển bền vững”.

 Đây là định hướng chủ đạo trong chương trình TCCNN do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh trước lãnh đạo toàn ngành Nông nghiệp và lãnh đạo các địa phương trong Hội nghị Sơ kết thực hiện Đề án “TCCNN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” hôm nay (17/5).

Sau khi vượt ngưỡng sản xuất nông nghiệp chỉ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nông nghiệp đã trở thành ngành sản xuất hàng hóa định hướng xuất khẩu. Hội nhập quốc tế  toàn ngành ngày càng trở nên sâu rộng nên sản xuất nông nghiệp Việt Nam ngày càng chịu tác động mạnh mẽ từ thị trường quốc tế.

Bộ NNPTNT đã đưa ra định hướng và các giải pháp TCCNN đã được toàn ngành và các địa phương triển khai ngay trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013. Đến ngày 10/5/2014 đã có 23/63 tỉnh, thành phố đã ban hành đề án (hoặc có kế hoạch hành động) TCCNN của địa phương mình và nhiều địa phương đã triển khai trong thực tiễn.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc triển khai đề án này chưa đồng bộ, tăng trưởng của ngành và thu nhập cho nông dân còn hạn chế. Trong 2 năm tới đây (2014-2015), Bộ NNPTNT sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đưa đề án này vào sâu rộng hơn trong toàn ngành Nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc đầu tiên là phải tuyên truyền tạo sự quyết tâm cao trong toàn ngành. Việc TCCNN sẽ có tác động đến 25 triệu người làm nông nghiệp, chính vì vậy phải tạo ra nhận thức chung thống nhất và quyết tâm cao trong toàn ngành. “Đây không phải việc ứng phó tình huống mà là việc thay đổi căn bản trong nông nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp đó việc TCCNN cũng cần được  rà soát theo từng lĩnh vực và cụ thể hóa theo lĩnh vực chuyên ngành. Hiện nay việc cụ thể hóa theo lĩnh vực ở cấp Bộ đã căn bản hoàn thành nhưng ở các địa phương thì chưa đồng bộ. Hiện nay mới chỉ có hơn 20 địa phương có đề án của riêng mình.

Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách. “Trung ương đã xây dựng danh mục về cơ chế chính sách cho việc TCCNN để địa phương tham khảo nhưng đề nghị các địa phương phải chủ động ban hành chính sách thúc đẩy các hướng mà địa phương đang cần điều chỉnh”, Bộ trưởng Phát hướng dẫn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường chuyển giao ứng dụng KHCN. Việc ứng dụng KHCN cần tạo sự chuyển biến từ trong việc sử dụng nguồn lực trong nghiên cứu, không nghiên cứu manh mún và không có đầu ra cho các đề tài. Nghiên cứu cần gắn với chuyển giao và gắn với đòi hỏi của thực tiễn.

Cùng với đó, cần phát triển các hình thức kinh tế nông nghiệp phù hợp. Riêng về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu ngành Lâm nghiệp phải quyết liệt hoàn tất việc đổi mới nông lâm trường quốc doanh.

Lĩnh vực kinh tế hợp tác cũng được Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo cụ thể đi theo 2 hướng là xây dựng các hợp tác xã chuyên ngành và liên kết 4 nhà theo Quyết định 62 của Thủ tướng. Việc liên kết là con đường tất yếu để nông dân thoát cảnh được mùa mất giá

Thông điệp tiếp theo trong loạt hành động TCCNN Bộ trưởng gửi đến toàn ngành Nông nghiệp và các địa phương là cần nghiêm túc rà soát điều chỉnh về đầu tư công và có những chính sách cụ thể và hiệu quả để thu hút đầu tư tư nhân vào ngành Nông nghiệp.

Việc đào tạo nghề cho nông dân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng cần được toàn ngành và từng địa phương thay đổi cho hiệu quả hơn. Bộ trưởng yêu cầu: “Mỗi xã phải chọn những cây con chủ lực, quy hoạch sản xuất tập trung , thu hút nông dân tham gia sản xuất tại các vùng trọng điểm này và đào tạo tại chỗ luôn”.

Hai hành động cuối cùng được nhắc đến trong việc triển khai TCCNN trong 2 năm tới đây là đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG Nông thôn mới và đẩy mạnh hợp tác quốc tế và và làm chuyên nghiệp hơn khâu thị trường.

Đỗ Hương

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây