Hội nghị về công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh

Thứ sáu - 07/11/2014 17:00 200 0

 Trần Minh Trí -Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản

Sáng ngày 17/9/2014, Đoàn Giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị về công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tham dự Hội nghị có ông Võ Hùng Việt - Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Về phía Sở Nông nghiệp và PTNT có đồng chí Phạm Văn Yên - Đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các đại biểu là đại diện các sở, ngành có liên quan và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tham dự.

Hội nghị đã được nghe Báo cáo công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (Theo Quyết định số: 1973/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2009 của UBND tỉnh Tây Ninh) do đồng chí Võ Thị Ánh Hồng - Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản trình bày với các kết quả đạt được như sau:

● Về công tác thẩm định, thẩm tra, cấp phép về chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp bao gồm: Kiểm tra và cấp giấy đủ điều kiện đảm bảo ATTP cho 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh (các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm); trong đó: 02 cơ sở (14,29%) đạt loại A, 12 cơ sở (85,71%) đạt loại B; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y cho 06 cơ sở giết mổ; cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc thú y: cấp 44 chứng chỉ hành nghề mới và cấp lại 18 chứng chỉ hành nghề đã hết hạn sử dụng.

● Về công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại: Thanh tra liên ngành quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản đợt 01 (thanh, kiểm tra 06 cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các huyện: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu; lấy 05 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu về hóa lý, vi sinh); thanh tra quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản đợt 02 (thanh, kiểm tra 83 cơ sở sản xuất, kinh doanh và lấy 51 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu về hóa lý, vi sinh; 47/156 cơ sở cơ sở chế biến nông sản nhận bàn giao từ Sở Y tế; 14 hộ sản xuất rau); Song song đó, Ngành đã thực hiện 19 đợt kiểm tra phân bón, thuốc BVTV (lấy 77 mẫu phân tích chất lượng, kết quả phát hiện 15 vụ vi phạm, 03 mẫu không đạt chất lượng); hình thức vi phạm chủ yếu (kém chất lượng, buôn bán thuốc ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc); hình thức xử phạt (phạt tiền, buộc thu hồi tái chế và tịch thu tiêu hủy). Ngoài ra, ngành đã tiến hành thanh tra đột xuất việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo tại các trang trại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (kết quả các trại chăn nuôi không có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi); thanh tra về nhãn mác, chất lượng, điều kiện sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tây Ninh (lấy 55 mẫu thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi gửi kiểm nghiệm tại TP.HCM). Đã phát hiện 85 vụ vi phạm về  kiểm dịch sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh; hình thức xử phạt (phạt tiền)…

Tại cuộc họp, các Sở, Ngành và các đơn vị trực thuộc Sở đã tập trung thảo luận một số vấn đề về cơ chế, chính sách pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật, những khó khăn vướng mắc, các vấn đề tồn tại nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp… Theo đánh giá của Sở, ngành và các đơn vị, hiện nay hệ thống pháp luật, quy chuẩn quản lý VTNN chưa hoàn thiện, còn nhiều “lỗ hổng”; việc phân cấp trong quản lý còn nhiều bất cập và chế tài xử lý những vi phạm chưa đủ mạnh… là những khó khăn lớn ảnh hưởng tới hiệu quả công tác quản lý chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Võ Hùng Việt đã đánh giá và ghi nhận những kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được. Tuy nhiên, trong thời gian qua công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành nông nghiệp còn nhiều hạn chế, sự chuyển biến còn chậm. Trong 3 tháng cuối năm, các sở ngành và các đơn vị trong ngành nông nghiệp cần tập trung thực hiện những giải pháp chủ yếu như sau: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền cho người dân và người tiêu dùng, công tác phối hợp giữa các ngành và các đơn vị trong ngành nông nghiệp đồng bộ và nhịp nhàng hơn; phân cấp quản lý rõ ràng hơn, đào tạo nhân lực con người để triển khai thực hiện nhiệm vụ; tập trung triệt phá hàng giả, hàng lậu nhất là thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng; xây dựng những cơ chế, chính sách để động viên, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tham gia./.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây