Ở xã Đã Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều gia đình mỗi tháng thu vào 20 triệu đồng nhờ bán sữa bò. Cả xã hiện có 1.800 con bò sữa. Mỗi ngày, lượng sữa tươi cung ứng cho các công ty đem lại hàng trăm triệu đồng, một khoản tiền không hề nhỏ đối với người dân vùng nông thôn. Nhưng, không phải nông dân nào cũng làm được.
Thống kê gần đây nhất của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh này đạt gần 35.000ha. Với mỗi ha đất trồng rau trong một năm ở Lâm Đồng, nếu ứng dụng công nghệ cao, thu nhập trên dưới 400 triệu đồng, đối với đất trồng hoa dao động từ 1-1,5 tỷ đồng. Lẽ đương nhiên, nông dân đều đặc biệt quan tâm đến công nghệ cao trong nông nghiệp. Thế nhưng, việc ứng dụng công nghệ cao chỉ mới đạt 1/10 so với 300.000 ha đất sản xuất hiện có.
Những năm qua, vốn đầu tư cho nông nghiệp trên cả nước liên tục tăng, song so với nhu cầu chỉ mới đáp ứng một nửa. Trong khi đó, mức tích lũy vốn bình quân mỗi nông hộ chỉ là 17 triệu đồng và nông dân khó cải thiện điều kiện sản xuất, chứ chưa nói đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
Xây dựng nhà kính, hệ thống tưới nước tiết kiệm, mỗi ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao cần số vốn từ 1,5-2 tỷ đồng. Trong chăn nuôi, đầu tư một con bò sữa, cần ít nhất 80 triệu đồng, để có một đàn bò 10 con, vốn ban đầu là cả tỷ đồng. Nếu được vay với số vốn lớn, liệu nông dân có mạnh dạn vay trước áp lực trả lãi?
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho thu nhập cao nhưng kèm với đó vốn đầu tư cũng phải cao, độ rủi ro cũng lớn không kém. Điều này chính là vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng, vướng mắc giữa mong mỏi và thực tế.
Nông dân nào cũng mong mình là chủ nhân của những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhưng thực tế không phải ai cũng có khả năng đầu tư. Vốn đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao sẽ còn là vấn đề tiếp tục cần được tháo gỡ, đòi hỏi những cơ chế tín dụng mang tính đặc thù.
Tấn Quỳnh
Ý kiến bạn đọc