Nông nghiệp Tây Ninh sau 5 năm thực hiện nghị quyết 26NQ-TƯ của BCH Trung ương

Thứ năm - 27/02/2014 20:55 278 0

 Phòng KH - TC - Sở NN và PTNT Tây Ninh

Tây Ninh là một tỉnh nông nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm qua đã có bước phát triển khá đa dạng, phong phú với nhiều loại cây trồng có thế mạnh như: Mía, mì, cao su và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị nông – lâm – thủy sản trong GDP còn khá cao, chiếm 36,46%; phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn là nhiệm vụ quan trọng được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh hết sức quan tâm, chỉ đạo thực hiện.

Trong hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tây Ninh đã đạt được một số kết quả như sau:

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn

Trong 5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh và tác động của giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhưng sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục được duy trì tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng bình quân 5,5%/năm, chất lượng sản xuất hàng hóa ngày càng nâng lên. Công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng khai thác lợi thế của từng vùng, sản xuất gắn với thị trường được thực hiện khá tốt, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh.

Tất cả các lĩnh vực sản xuất: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản đều có bước phát triển khá. So với năm 2008, năm 2012 sản lượng lúa tăng thêm 72.919 tấn (đạt 778.038 tấn); sản lượng thịt các loại tăng 28.034 tấn, đạt 64.893 tấn; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 5.318 tấn, đạt 13.831 tấn; tỷ lệ che phủ rừng tăng 2,8%, đạt 13,9% (chưa bao gồm độ che phủ cây cao su trên địa bàn); năng lực tưới thiết kế của hệ thống thủy lợi cho sản xuất và chế biến công nghiệp đã tăng thêm 35.117 ha, đạt 116.867 ha. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản. Đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: Lúa, mía, mì và cao su, cây ăn quả, rau an toàn... Mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả. Công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật; ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chọn giống mới có năng suất, chất lượng cao không ngừng đẩy mạnh. Chăn nuôi được duy trì ổn định, phát triển theo hướng tập trung chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, bảo đảm vệ sinh môi trường, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Công tác thú y, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thường xuyên được quan tâm, góp phần ngăn chặn và khống chế dịch bệnh hiệu quả, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh.

Thủy sản: Có những chuyển biến tích cực, nhiều nông dân đã chuyển đổi, đầu tư thâm canh nuôi trồng một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá tra, ba ba, ếch, cá sấu, lươn. Thủy lợi: Đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng một số dự án đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh.

 Công tác giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Giai đoạn 2009-2011 thực hiện khá tốt, đã trồng mới được 3.457 ha rừng, bình quân hằng năm trồng mới trên 1.152 ha. Công tác bảo vệ khoanh nuôi tái sinh rừng được quan tâm, diện tích bảo vệ rừng toàn tỉnh đến năm 2012 là 46.109ha. Đã gieo ươm, cung cấp 728.000 cây giống các loại phục vụ trồng cây phân tán.

Công nghiệp, dịch vụ và TTCN ở nông thôn không ngừng phát triển, kinh tế hợp tác đổi mới về hình thức và nội dung hoạt động bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Với việc hình thành Nhà máy xay xát chế biến gạo xuất khẩu, công suất 40.000 tấn gạo/năm tại xã An Thạnh, huyện Bến Cầu đã giải quyết đầu ra cho sản xuất lúa và góp phần giải quyết thêm việc làm cho lực lượng lao động của tỉnh. Các làng nghề truyền thống như bánh tráng, muối ớt, mây tre, mộc gia dụng được khôi phục, phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, … tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho địa phương và xuất khẩu. Khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển ổn định đã tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, điện, cấp thoát nước…) hạ tầng xã hội (y tế, dịch vụ internet, trường học, bưu điện, ngân hàng…) có giá trị sử dụng lâu dài tại địa phương; thúc đẩy đô thị hóa nông thôn, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động trực tiếp và gián tiếp xuất thân từ khu vực nông thôn, hình thành một bộ phận công nhân kỹ thuật có tay nghề cao tại khu vực nông thôn, góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Phần lớn hàng hóa nông nghiệp, thủy sản đều được tiêu thụ ổn định, thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh, tiêu thụ thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận (Bình Dương, Bình Phước).

2. Kết quả thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới

Ngay từ đầu năm 2011, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào của cả tỉnh. Các nhiệm vụ về xây dựng dựng nông thôn mới được thể hiện rõ trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp từ tỉnh đến huyện, xã. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, đến nay đã dần hình thành được mô hình nông thôn mới ở các xã; Hệ thống quản lý từ tỉnh đến huyện, xã và ấp không ngừng được củng cố và hoạt động hiệu quả.

Công tác tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng nông thôn mới được quan tâm triển khai, phổ biến đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức, tạo điều kiện cho cả hệ thống chính trị và nhân dân hiểu rõ hơn mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới được sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhân dân, người dân từng bước nhận thức chủ trương xây dựng nông thôn mới mang lại nhiều lợi ích thiết thực, thay đổi tích cực đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Đến nay, Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả như sau:

   - Hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM cho 82/82 xã; phê duyệt đề án đạt 21/82 xã (13/25 xã điểm); 82/82 xã đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, 49,5% số dân tham gia các hình thức BHYT; 50/95 Trung tâm VHTTHTCĐ cấp xã hoạt động đạt hiệu quả, đạt tỷ lệ 52,6%, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đi vào hoạt động có khu xử lý nước thải tập trung bảo đảm quy định về môi trường. Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được tổ chức thực hiện tốt, đến thời điểm tháng 6/2013 có 36/82 xã (15/25 xã điểm) đạt chuẩn theo tiêu chí 19.

-  Đến nay có 01 xã  đạt 14 tiêu chí, 01 xã đạt 13 tiêu chí, 02 xã đạt 11 tiêu chí, 03 xã đạt 10 tiêu chí, 02 xã đạt 9 tiêu chí, 50 xã đạt từ 5-8 tiêu chí, 23 xã đạt dưới 5 tiêu chí;  bình quân mỗi xã đạt 6 tiêu chí, tăng 3 tiêu chí so với 2010; trong đó huyện Hòa Thành và Gò Dầu có mức tăng cao nhất, bình quân mỗi xã đạt 9 tiêu chí, tăng 5 tiêu chí so với năm 2010; huyện Tân Châu có mức tăng thấp nhất, bình quân mỗi xã đạt 4 tiêu chí, tăng 2 tiêu chí so với năm 2010.

3. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn nhất là vùng khó khăn

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn không ngừng phát triển đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra (giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng bình quân 5,5% /năm) thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên, khu vực nông thôn năm 2012 tăng 1,69 lần so với năm 2008 từ 13.572.000đồng/người/năm (2008) lên 22.918.000 đồng/người/năm (2012); tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo tiêu chuẩn mới giảm bình quân 2%/năm, từ 7,67% năm 2008 xuống còn 4,89% năm 2012 (trong đó tỷ lệ hộ nghèo Trung ương 2,61%); tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường tăng bình quân hằng năm trên 2%, từ 80% năm 2008 đến năm 2012 đạt 90%; tỷ lệ dân sử dụng điện năm 2008 đạt 96,81%, đến năm 2012 đạt 99,34%; mạng viễn thông và Internet đã phủ toàn tỉnh, với mật độ 135,13 máy/100 dân, tỷ lệ người dân sử dụng Internet theo hệ số quy đổi là 30,63 thuê bao/100 dân.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nông thôn, nhất là ở những vùng khó khăn được chăm lo ngày càng tốt hơn. Đến nay đại bộ phận người dân đã có cuộc sống ấm no, không còn tình trạng đói nghèo, sự hưởng thụ văn hóa, ngày càng phong phú thông qua hệ thống mạng viễn thông, truyền hình, Internet đã phủ sóng trên toàn tỉnh.

4. Thực hiện các cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn

Các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân ở nông thôn ngày càng phong phú và đa dạng, đáp ứng cơ bản nhu cầu của nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo niềm tin cho nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, cụ thể các chính sách đã được xây dựng và triển khai như: Chính sách hỗ trợ tạm thời cho đối tượng trồng mới cây mía trện địa bàn tỉnh; Chính sách miễn, giảm thủy lợi phí; Chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo…

II. NHỮNG KHÓ KHĂN TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN

Bên cạnh những mặt làm được, trong 5 năm qua, nông nghiệp, nông thôn Tây Ninh vẫn còn những khó khăn tồn tại như sau:

- Sản xuất nông nghiệp trong tỉnh phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phụ thuộc nhiều vào sự biến động của thị trường; việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở một số nơi còn chậm, chưa ổn định; năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và nhiều mặt hàng còn thấp, chưa đủ sức cạnh tranh; tình trạng nông dân tự phát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo biến động của giá cả thị trường vẫn còn diễn ra, mặc dù đã được ngành chuyên môn khuyến cáo và định hướng quy hoạch; chăn nuôi còn chiếm tỷ trọng thấp trong sản xuất nông nghiệp, dịch heo tai xanh lan rộng trên phạm vi toàn tỉnh; công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiến bộ công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế.

- Thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất cây trồng, bố trí mùa vụ. Hàng năm vẫn còn một số đối tượng phát sinh như: rầy nâu, đạo ôn lá, bệnh héo đốm cà chua, bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng; do nông dân gieo trồng giống bị nhiễm, chưa áp dụng tốt giải pháp kỹ thuật, nguồn bệnh còn tồn lưu trong đất, quản lý chưa tốt và một số dịch hại phát sinh còn khá mới mẽ đối với nông dân, bệnh lây lan nhanh, khó phòng trừ so với dịch hại thông thường, nên gây hại nặng cục bộ một số diện tích.

- Giá thức ăn, sản phẩm gia súc, gia cầm, giá nhân công, thuốc thú y tăng nên người chăn nuôi thu lợi nhuận thấp. Đàn gia súc, gia cầm đều không đạt so với KH đề ra. Nguy cơ tiềm ẩn xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trâu, bò và cúm gia cầm rất cao (kết quả giám sát tỷ lệ nhiễm vi rút trên đàn trâu, bò và sự lưu hành của vi rút cúm gia cầm cho thấy vi rút vẫn còn tồn tại); ý thức của người chăn nuôi trong việc chấp hành các quy định về vận chuyển, buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chưa cao. Khả năng không đạt chỉ tiêu NQ đã đề ra (đến 2015 tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt từ 20% trở lên)

- Tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn diễn ra, chưa được ngăn chặn triệt để; công tác trồng rừng phòng hộ, đặc dụng không đạt kế hoạch do khu vực biên giới không thể thực hiện trồng rừng được, công tác giải quyết đất lâm nghiệp đang có giấy CNQSD đất, có hợp đồng, xác nhận cho trồng cây sai quy hoạch, một số diện tích bị ngập úng chưa có mô hình trồng rừng phù hợp.

- Việc đầu tư, nâng cấp một số kênh chưa hoàn chỉnh, nhất là phần cơ khí thực hiện chậm nên việc điều tiết, vận hành phục vụ tưới đôi lúc chưa kịp thời, gây thừa, thiếu nước giả tạo, cục bộ. Công tác làm thông thoáng lòng dẫn kênh tưới dưới 50ha thực hiện còn chậm, chưa đồng bộ với kênh cấp trên, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ tưới trên một số khu vực. Việc xử lý vi phạm quy định về bảo vệ công trình thủy lợi còn chậm.

- Việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch còn chậm, không đạt kế hoạch; công tác tuyên truyền triển khai chưa đồng bộ, sâu rộng, người dân chưa chủ động hưởng ứng, tham gia; định hướng triển khai ở các huyện, thị còn nặng về xây dựng cơ bản (XDCB), chưa đi sâu vào phát triển sản xuất; nguồn vốn ngân sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất còn thấp; thành viên Ban chỉ đạo tỉnh phân công phụ trách các xã điểm đi cơ sở chưa đều để đôn đốc, nhắc nhở; nguồn nhân lực các cấp tham gia quá ít, chủ yếu là kiêm nhiệm.  

Tình trạng vi phạm quy định về chất lượng vệ sinh ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản vẫn còn diễn ra, đặc biệt là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hóa chất, phụ gia phẩm màu trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về chất lượng ATTP nông lâm sản và thủy sản chưa được thường xuyên, chưa thực sự đi vào chiều sâu, vẫn còn mang tính hình thức; quy mô sản xuất thực phẩm chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán, công nghệ thủ công mang tính gia đình; công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) do nhiều ngành quản lý nên việc phối hợp chưa được chủ động, thường xuyên, còn chồng chéo hoặc bỏ sót trong quản lý; cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy tổ chức, cán bộ và kinh phí kiểm tra giám sát chất lượng ATTP còn thiếu, chưa đảm bảo yêu cầu.

Đời sống vật chất tinh thần của một bộ phận dân cư nông thôn còn thấp, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị còn khá lớn.

III. NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện và hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tây Ninh cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

- Tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, chương trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án quy hoạch: Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đến năm 2020; Quy hoạch phát triển chăn nuôi, chế biến, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2015; Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch sản xuất, phát triển và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020. Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009 – 2015 và định hướng đến năm 2020 tỉnh Tây Ninh. Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch vùng nguyên liệu mía tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Rà soát Quy hoạch thủy lợi tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và những định hướng lớn đến năm 2020;

- Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm bổ sung quy hoạch sản xuất cho phù hợp với thực tiễn, xác định được các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô trang trại, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh môi trường.

- Tập trung củng cố các tổ kinh tế hợp tác, tổ đoàn kết sản xuất, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp… bằng cách hỗ trợ tạo điều kiện để mô hình kinh tế hợp tác phát huy hiệu quả, đồng thời tuyên truyền vận động, hỗ trợ để nông dân tự nguyện tham gia xây dựng các tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã mới.

- Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất lao động.

- Thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả thông qua các chương trình tiêm phòng định kỳ hàng năm. Dự án Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh gia súc 20 xã biên giới, Chương trình Khống chế và thanh toán bệnh lở mồm long móng, Quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tăng cường quản lý tốt việc ấp nở và nuôi mới thuỷ cầm trên địa bàn toàn tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương.

-  Tập trung thực hiện chương trình hỗ trợ hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu.

- Tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thành công tác khoán giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, cá nhân theo các chủ trương chính sách hiện hành.  Ưu tiên khoán cho hộ dân tộc, hộ tại chỗ, hộ định canh định cư, hộ nghèo, hộ thiếu vốn, thiếu đất. Thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Áp dụng công nghệ trong sản xuất lâm nghiệp như: công nghệ nhân giống, công nghệ trồng rừng kỹ thuật cao, công nghệ khai thác chế biến gỗ.  

- Nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thửy lợi, xã hội hoá công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi theo các chương trình thiết kế có sự tham gia của cộng đồng (PIM). Tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ như: công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin, hệ thống dự báo tự động (SCADA), các hình thức công trình kết hợp đa chức năng, chú ý áp dụng các công nghệ điều khiển hệ thống hiện đại. Xây dựng hệ thống kênh tạo nguồn, kênh tiêu đồng bộ với kênh tưới, các trạm bơm vừa và nhỏ ở nơi có nguồn nước thuận lợi và vùng tưới có hiệu quả để phục vụ tốt nhất cho sản xuất.

- Triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác hóa nông nghiệp. Khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác với nhiều loại hình khác nhau, đa dạng hóa về đối tượng hợp tác và quy mô hợp tác để đảm bảo hoạt động có hiệu quả, xây dựng và phát triển các HTX dịch vụ, HTX tiêu thụ để phục vụ sản xuất và đời sống nông dân; khuyến khích phát triển mạnh mẽ kinh tế trang trại để góp phần ổn định và phát triển kinh tế nông nghiệp-nông thôn. Phát triển nông thôn phải đi đôi với bảo vệ môi trường nông thôn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây