Một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi

Thứ sáu - 09/04/2021 18:00 525 0

Ngày 01 tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/4/2021 và bãi bỏ các quy định về thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi trong Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản và điểm b khoản 7 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Nghị định có 4 chương, 48 điều, trong đó ghi rõ, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Nghị định này quy định xử phạt mọi hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, trong đó có một số điểm mới mà trước đây chưa quy định như: Điều kiện chăn nuôi, kê khai trong chăn nuôi, điều kiện nuôi chim yến, hoạt động nhân đạo trong chăn nuôi và giết mổ động vật; xử lý chất thải trong chăn nuôi; sản phẩm xử lý chất thải trong chăn nuôi. Nội dung cụ thể được quy định trong Nghị định số 14/2021/NĐ-CP; trong đó cần lưu ý một số nội dung sau:

  • Về điều kiện chăn nuôi được xử lý cả 03 loại hình chăn nuôi nông hộ, trại chăn nuôi vừa và nhỏ, trang trại chăn nuôi quy mô lớn:

+ Đối với hành vi chăn nuôi trong vùng không được phép chăn nuôi tùy theo quy mô chăn nuôi mức xử phạt từ 2 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

+ Đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn (hơn 300 đơn vị vật nuôi) nếu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi sẽ bị xử lý từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

  • Về kê khai hoạt động chăn nuôi: Các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi phải kê khai với UBND cấp xã, nếu không thực hiện kê khai sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

- Về điều kiện nuôi chim yến:

+ Mức xử phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với nhà yến xây trong khu dân cư hoặc cách khu dân cư dưới 300 m sử dụng loa phóng phát âm thanh để dẫn dụ chim yến.

+ Mức xử phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối xử dụng thiết bị âm thanh để dẫn dụ chim yến vượt mức tiếng ồn và thời gian quy định.

  • Về hoạt động nhân đạo trong chăn nuôi và giết mổ động vật: Xử phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.
  • Về xử lý chất thải trong chăn nuôi: Xử phạt từ 1 triệu đồng đến 7 triệu đồng về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tùy theo quy mô chăn nuôi.
  • Về xử lý nước thải trong chăn nuôi: Xử phạt từ 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi cho cây trồng.
  • Về xử lý khí thải trong chăn nuôi: Xử phạt từ 3 triệu đồng đến 10 triệu đồng về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ngày 20 tháng 4 năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi biết để thực hiện; Lưu ý các nội dung sau:

  • Các tổ chức, cá nhân kê khai hoạt động chăn nuôi, đăng ký kê khai với UBND cấp xã, biểu mẫu đăng ký theo Thông tư số 23/2019/TT-BNN ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn một số điều của Luật chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.
  • Không tổ chức hoạt động chăn nuôi trong vùng không được phép chăn nuôi.
  • Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn (hơn 300 đơn vị vật nuôi tương đương 15.000kg vật nuôi) phải liên hệ Sở Nông nghiệp và PTNT để được thẩm định và cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi).
  • Đối với đầu tư nuôi chim yến: Không xây dựng nhà yến khu vực không được phép chăn nuôi, nhà yến phải cách xa khu dân cư  từ 300 m trở lên đối với nhà yến đã xây dựng trước ngày Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật chăn nuôi có hiệu lực (ngày 05/3/2020) thì không được phép cơi nới, sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A) và thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày, nếu nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300 m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh.
  • Xử lý chất thải:
    + Đối với chăn nuôi nông hộ: Phải có biện pháp xử lý phân, nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường.
    + Đối với trang trại chăn nuôi: Phải có biện pháp xử lý chất thải, nước thải và khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Sau ngày 20/4/2021 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch kiểm tra, nếu phát hiện tổ chức, các nhân hoạt động chăn nuôi vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo quy định./.


  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây