Nông nghiệp Việt Nam sau 39 năm nhìn lại

Thứ ba - 13/05/2014 22:15 515 0
39 năm sau khi đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, ngành Nông nghiệp đã đạt được sự phát triển thần kỳ.

 Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2013 so với năm 1976, sản lượng lúa tăng 4,3 lần; sản lượng ngô 13,4 lần; sản lượng cà phê 234,5 lần; sản lượng cao su 23,6 lần; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 25,2 lần; sản lượng thủy sản: 7,7 lần; diện tích cây trồng 2,1 lần; giá trị sản xuất tăng 5,1 lần…

Thành tựu nông nghiệp từ ngày thống nhất đất nước đến nay được nhận diện trên một số góc độ chủ yếu sau đây.

Sản xuất lương thực đạt được sự phát triển vượt bậc. Vào năm 1976, sản lượng lương thực bình quân đầu người nước ta mới đạt 243,3 kg; phải nhập khẩu 880.000 tấn; năm 1980 sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 268 kg, nhập khẩu trên 1,33 triệu tấn. Đến năm 2013, sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 549 kg, xuất khẩu đạt gần 6,6 triệu tấn. Điều đó chứng tỏ, Việt Nam đã chuyển từ chỗ thiếu hụt lớn thành nước bảo đảm được an ninh lương thực trong nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu với lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới.

An ninh lương thực được bảo đảm đã góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam từ độc canh lúa chuyển dần sang phát triển nông nghiệp tương đối toàn diện.

Trong số cây lương thực, ngô tăng cao hơn lúa cả về diện tích (3,5 lần so với 1,5 lần), cả về sản lượng (13,4 lần so với 4,3 lần). Tốc độ tăng của diện tích cây lâu năm gấp nhiều lần của diện tích cây hằng năm (10,51 lần so với 1,7 lần), trong đó diện tích cây công nghiệp lâu năm còn gấp nhiều lần hơn (11,93 lần). Sản lượng cây công nghiệp cao hơn nhiều so với sản lượng lương thực có hạt (cà phê 234,5 lần, hạt tiêu 174,3 lần, cao su 23,6 lần, trong khi cây lương thực trên 4,4 lần). Sản lượng thủy sản tăng cao hơn sản lượng lương thực, trong đó sản lượng nuôi trồng tăng cao hơn sản lượng đánh bắt (25,2 lần so với 5,1 lần). Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng cao hơn diện tích cây trồng và diện tích cây hằng năm (tương ứng là 2,3 lần so với 2,1 lần và 1,7 lần).

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, nếu vào năm 1976 mới chỉ có một số mặt hàng với khối lượng và kim ngạch còn nhỏ (cà phê 8.200 tấn, chè 7.900 tấn, cao su 27.800, một số quả tươi và đóng hộp…), thì đến năm 2013 đã đạt quy mô lớn, gấp nhiều lần trước đây.

Năm 2013 so với năm 1976, cà phê trên 1,3 triệu tấn, cao gấp gần 159 lần; cao su 1,08 triệu tấn, cao gấp 38,7 lần; chè 141.000 tấn, cao gấp 17,8 lần…

Tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản đã giảm từ 73% năm 1990 xuống còn 46,9% năm 2013, nhờ có một tỷ trọng không nhỏ số lao động ở nhóm ngành này được chuyển sang nhóm ngành công nghiệp-xây dựng (tương ứng tăng từ 11,2% năm 1990 lên 21,1% năm 2013) và nhóm ngành dịch vụ (tương ứng tăng từ 15,8% năm 1990 lên 32% năm 2013).

Tỷ trọng nghèo ở nông thôn cũng đã giảm từ 66,4% năm 1993 xuống còn 21,2% năm 2004, còn 17,4% năm 2010, còn 14,1% năm 2012.

Tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng nông, lâm nghiệp-thủy sản hiện có những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ mà chúng ta cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, các hạn chế, bất cập và thách thức về nông, lâm nghiệp-thủy sản có thể được nhận diện ở một số góc độ.

Về vấn đề này, khi trả lời chất vấn tại phiên họp ngày 8/4/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã nhìn nhận Việt Nam không thể làm nông nghiệp như cách vẫn làm từ 30 năm qua mà phải thay đổi từ trong nhận thức.

Làm nông nghiệp chủ yếu là lấy công làm lãi, lợi nhuận thấp, nên tích lũy để tái sản xuất còn thấp. Tích lũy từ nông nghiệp thấp, trong khi đầu tư vốn của các ngành khác, kể cả của Nhà nước vào nhóm ngành này thấp và giảm: Tỷ trọng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cho nông, lâm nghiệp-thủy sản thấp chỉ bằng 1/3 tỷ trọng của nhóm ngành này về GDP.

Tỷ trọng lao động làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản còn quá cao, gấp 2,3 lần so với tỷ trọng về GDP. Do vậy năng suất lao động của nhóm ngành này năm 2013 chỉ có 26,8 triệu đồng/người, thấp chỉ bằng 21,6% năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng và bằng 28,9% năng suất lao động nhóm ngành dịch vụ.

Là nước nông nghiệp, nhưng Việt Nam vẫn phải chi nhiều ngoại tệ để nhập khẩu các sản phẩm nông, lâm-thủy sản. Trong khi đó, với cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập, cần xác định sản xuất là để bán, mà để bán thì phải xem có lợi thế không và sản xuất cái mà thị trường còn thiếu, không chạy theo số lượng, bởi như thế sẽ “tăng cao... trưởng thấp”, “thắng lớn... lợi nhỏ”.

Minh Ngọc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây