Tình cờ có dịp đi về nhà một người bạn ở Củ Chi, tôi thấy một số hộ dân gần đó trồng sương sâm thật tốt, những dây sương sâm phủ một lớp lá xanh mượt mà trên giàn giữa cái nắng mùa hè nhìn thật mát mắt, đây là một loại lá đã gắn bó với tuổi thơ tôi qua từng gánh sương sâm của mẹ, đã “gánh” chị em tôi trên bước đường đi tìm tri thức gầy dựng tương lai. Thời điểm đất nước vùa mới bước ra khỏi thời kỳ bao cấp, khó khăn còn chất chồng, vậy đó, nhưng với gánh sương sâm chỉ 500 đồng một ly mẹ gánh trên vai rong ruỗi qua bao ngõ xóm, đã cho chị em tôi có điều kiện đến trường để rồi sau này mỗi người đều tự ổn định cuộc sống của mình, một phần rất lớn là nhờ gánh sương sâm của mẹ.
Giờ đây, hầu như không còn nghe tiếng rao sương sâm vào những buổi trưa hè nữa, sương sâm đã có chỗ cố định trong các chợ, người có nhu cầu chỉ việc ra chợ mua về sử dụng, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy nhớ hình dáng những người mẹ, người chị của xóm quê tảo tần lam lũ, oằn gánh sương sâm trên vai với tiếng rao vọng giữa trưa hè, nhớ cảm giác được thưởng thức một ly sương sâm với nước cốt dừa, đường cát trắng thấm đượm vị quê hương.
Khi hỏi thăm những người trồng sương sâm, tôi được biết đây là một loại cây có thể xóa đói giảm nghèo tốt, là loại cây “hái lá ra tiền”, chị Út là một trong những người trồng sương sâm lâu nhất vùng này, khi tôi hỏi chuyện, chị tâm sự “ Tôi trồng sương sâm khoảng gần 8 năm nay, lúc trước nhà tôi làm ruộng, trồng hoa màu đủ cả, vợ, chồng làm quần quật suốt ngày mà vẫn không đủ sống, đến mùa thu hoạch thì có ít tiền, hết mùa thì hết tiền, hoặc cứ phải “ăn trước trả sau”, con cái ngày càng lớn mà gia đình cứ thiếu trước hụt sau. Trong lúc túng quẫn vợ chồng tôi đến nhà người chị, thấy chị ấy trồng sương sâm. Chính chị ấy đã khuyên tôi về trồng loại cây này” thế là chị Út bắt tay vào trồng sương sâm từ đó, khi gieo những hạt sương sâm đầu tiên, lúc sương sâm nảy mầm, nhiều người nói với chị rằng đây là trồng sương sâm rất khó. Loài cây này là dạng dây leo, dễ chết héo, phải chăm kỹ lắm mới sống được. Nhìn những cây sương sâm đầu tiên, vợ chồng chị không khỏi hồi hộp nhưng vẫn quyết tâm làm, anh bắt đầu cắm cây làm giàn, chị mua phân chuồng về chăm bón, chẳng bao lâu sau, họ đã có vườn sương sâm xanh mướt.
Khi sương sâm đến độ thu hoạch, những người làm sương sâm quanh vùng bắt đầu tìm đến mua, tiếp đến là thương lái từ các quận nội thành TP. HCM. Họ tự hái, tự cân và trả tiền ngay. Mỗi ký lá sương sâm giá 80 – 90 ngàn đồng, mùa nắng có khi lên đến 100 ngàn, trung bình mỗi ngày chị bán 2 – 3 kg lá, một ngày thu vài trăm nghìn đều đặn đối với nhà nông là một khoản thu nhập khá. Việc trồng sương sâm xem ra không quá khó với gia đình chị, chị chia sẻ “Từ ngày trồng cây này, cuộc sống gia đình tôi khá hơn, con cái có điều kiện đi học” Về đầu ra của lá sương sâm chị Út cho biết: “Từ lúc trồng tới giờ, tôi chưa bao giờ thấy lá sương sâm ế, mùa mưa hay mùa nắng đều bán được, mùa nắng giá có thể đắt gấp rưỡi”, những người trồng sương sâm gần đó cũng khẳng định không bao giờ sợ loại cây này rớt giá.
Sương sâm có hai loại, lá nhám và lá trơn. Lá nhám bán có giá hơn, nhưng lá trơn vẫn bán được. Trồng sương sâm không đòi hỏi đầu tư lớn, chỉ cần bỏ ra từ vài triệu đồng đến tối đa mười triệu đồng (nếu mua cây giống) cho một công đất là có thể thu hái trong năm năm. Sau đó chỉ cần ươm cây mới và giặm vào chỗ cây quá già chết đi. Điều đặc biệt khi ttrồng loại cây này là phải kỹ lưỡng ở khâu chăm sóc khi trồng trên diện rộng. Sương sâm là loại dây leo, kỵ ngập úng, rất hợp với phân chuồng, dễ héo khi mới trồng nhưng đã lên thì sống rất lâu. Việc ươm trồng phải thực hiện trong mùa nắng. Muốn cây cho lá nhiều phải bón phân chuồng, phun thuốc sinh học trừ sâu nhẹ, lượng nước tưới thích hợp, phải vệ sinh đất thật kỹ trước khi trồng vì đôi khi cây có thể bị nhiễm khuẩn và chết hàng loạt, nếu có hiện tượng này xảy ra thì phải ngưng trồng sương sâm khoảng 2-3 năm, rải vôi khử trùng, khử độc, chuyển sang trồng loại cây khác và sau đó mới quay lại trồng sương sâm.
Theo chị Út cho biết: Từ lúc ủ hạt giống đến khi hái lá sương sâm bao gồm 4 bước:
- Bước 1: Ủ hạt.
Phơi khô hạt giống rồi ngâm trong nước pha 4 sôi/6 lạnh một đêm, dùng khăn gói hạt giống lại, làm ướt và treo vào chỗ có nắng vừa khoảng 7 – 10 ngày đến khi hạt giống nứt ra.
- Bước 2: Ươm cây.
+ Làm bầu đất: Dùng đất sạch (hay pha với tro trấu càng tốt) sàng bỏ rác, mua bọc kích cỡ 6x10 cm, cắt 1,5 cm ở giữa đáy bọc.
+ Cho đất sau khi đã xử lý vào bọc để tạo bầu đất, ép cho cứng bầu đất (cũng có thể cho đất vào bọc trước rồi cắt hai bên góc bọc).
+ Lấy hạt đã nứt gieo vào bầu đất sâu khoảng 1cm, ngày tưới một lần, sau 3 – 7 ngày cây con sẽ lên chồi.
+ Khi cây giống cao khoảng 8 – 10 cm, có thể đem trồng xuống đất.
Chú ý: Nên để cây giống ở chỗ có ít nắng, tránh mưa và không ngập nước.
- Bước 3: Làm giàn cho dây leo.
Khi cây ra ngọn, cần phải làm giàn cho dây leo, giàn có thể làm từ tre, trúc, hay cây leo tùy vào điều kiện, quấn ngọn định hướng vào cây làm giàn giúp dây dễ leo hơn.
- Bước 4: Chăm sóc, thu hoạch.
Sương sâm ưa vùng đất cát pha, nguồn nước tưới sạch và phân chuồng, khi phát hiện có sâu hại thì dùng một số chế phẩm sinh học có thời gian thải trừ nhanh để phun xịt, trước khi thu hoạch một tháng không nên sử dụng bất cứ một loại thuốc BVTV nào. Khoảng 4 – 5 tháng sau khi dây bắt đầu leo thì có thể thu hoạch, để lá càng xanh đậm càng tốt, khi vò sẽ cho ra sương sâm ngon hơn.
Sương sâm là loại lá có tính mát, giúp nhuận trường, giải độc. Nếu mua lá sương sâm về tự vò, nên chọn những lá nhám, dày và già, rửa sạch lá sương sâm, vò nát trong nước (nước sôi để nguội) rồi lọc lấy nước bỏ xác. Sau đó cạo một ít nang mực cho vào (nướng sơ nang mực trước khi cạo), quậy đều rồi chờ sương sâm đông lại. Thông thường, 100 g lá pha khoảng 3 lít nước (dao động tùy chất lượng lá) và 1,5 muỗng cà phê nang mực. Thưởng thức thạch lá sương sâm với đường, nếu thích thì thêm nước cốt dừa và một ít đá vào những ngày hè thì hết sức tuyệt vời.
Chia tay vùng đất Củ Chi, nơi một thời là đất thép khiến kẻ thù phải khiếp sợ, trong công cuộc xây dựng đất nước, nơi đây lại có biết bao con người như vợ chồng chị Út, cần mẫn sớm hôm, không ngại khó khăn, tìm tòi học hỏi để vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khà giả hơn, và không chỉ ở Củ Chi, tôi nghĩ ở Tây Ninh hay bất cứ một nơi nào trên đất nước này cũng rất dễ gặp những con người như vậy, chỉ cần có một định hướng đúng trong sản xuất là bà con sẽ có cơ hội thoát nghèo.
Đây là một loại cây trồng mà theo bản thân tôi, rất thích hợp để bà con nông dân canh tác trên một diện tích đất nhỏ (500 – 1.000 m2) đem lại thu nhập tương đối khá, có thể giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả, vùng đất Tây Ninh đa số là đất cát pha với nguồn nước sạch thích hợp với loại cây này.
Hy vọng qua bài viết này có thể giúp bà con nông dân có diện tích đất sản xuất ít, biết thêm một số thông tin để định hướng trong việc sản xuất của gia đình, góp phần ổn định kinh tế, từng bước tiến đến khá, giàu.
Khi muốn trồng sương sâm, bà con nông dân có thể xin hạt từ những người đang trồng trong vùng về tự ươm cây theo cách đã trình bày ở trên hay có thể mua cây giống từ nơi chuyên sản xuất giống sương sâm (liên hệ anh Phan Trường Sinh, ở TP.HCM, điện thoại: 0169.379.0999)
Huỳnh Văn Cư Trạm khuyến nông Tân Biên
Ý kiến bạn đọc