CHUYÊN MỤC
“Hiệu quả từ mô hình trồng thâm canh dứa Queen (Nữ hoàng)”
Thời gian: ngày 23/6/2020
Địa điểm: huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh.
Nội dung chuyên mục:
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, dứa là một trong những loại cây trồng mới đang phát triển, chiếm diện tích nhỏ so với các cây trồng khác trên địa bàn, nhưng đang được xem là một trong những cây ăn trái đặc thù của tỉnh trong thời gian tới. Theo Đề án Cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh tích cực chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, trong đó có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó có cây Dứa, dự kiến đến năm 2020 tăng diện tích trồng dứa và một số loại cây ăn quả đặc sản có giá trị cao lên khoảng 3.000 ha.
Diện tích gieo trồng Dứa tại tỉnh vào khoảng 100 ha tập trung chủ yếu tại các huyện Trảng Bàng, Bến Cầu. Hiện nay, tỉnh đang phát triển thêm vùng nguyên liệu tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu…Giống được trồng phổ biến hiện nay là giống dứa Queen (Nữ hoàng), với năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha. Lợi thế hiện nay của cây dứa là tỉnh Tây Ninh đã có Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood, đây là cơ hội cho người sản xuất dứa nếu ký kết được hợp đồng tiêu thụ với nhà máy giải quyết đầu ra ổn định.
Qua thời gian thực hiện mô hình dứa tại tỉnh, nhận thấy cây dứa Queen là loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, không tốn nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh hại. Với 1 ha dứa chi phí đầu tư bình quân chỉ khoảng 40-65 triệu đồng/ha/năm (vòng đời 6 năm). Giá dứa hiện nay được Nhà máy Tanifood tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu ký hợp đồng thu mua dứa tại tỉnh là 6.000đ/kg loại 1kg/trái trở lên và 4.500đ/kg cho loại dưới 1kg (giao hàng tại Nhà máy). Với giá bán khoảng 6.000đ/kg ước tính mỗi ha dứa cho thu nhập ít nhất 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 80 triệu đồng. Từ năm thứ hai trở đi dứa cho thu hoạch tương đối ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế, thu lợi nhuận hàng năm ổn định hơn so với lúa, mì, mía,… Để năng suất dứa cao cần phải áp dụng quy trình kỹ thuật đồng bộ từ khâu làm đất, xuống giống, phân bón nhất là bón lót và chăm sóc cho tới khi thu hoạch.
Trước những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, việc canh tác loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, thích ứng với hạn và mang lại hiệu quả kinh tế cao là điều đáng mừng đối với người dân tỉnh Tây Ninh. Mô hình trồng Dứa sẽ mở ra hướng sản xuất bền vững cho người dân.
Ý kiến bạn đọc