Hội nghị phát triển ngành hàng sắn đến 2030, tầm nhìn đến 2050

Thứ sáu - 28/06/2024 09:09 466 0
Cây khoai mì là cây lương thực, cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu, cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, nhiên liệu sinh học. Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng khoai mì lớn thứ hai cả nước sau tỉnh Gia Lai. Để hoạt động sản xuất ngành khoai mì của nước ta ngày càng phát triển bền vững cần có những giải pháp tốt về sản xuất, khoa học công nghệ, chế biến, quản lý và hợp tác quốc tế, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy ngành hàng khoai mì của nước ta và ngành hàng khoai mì tỉnh Tây Ninh nói riêng ngày một phát triển, nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Với mục tiêu đó, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Ngày 27/6, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Tây Ninh, Cục Bảo vệ thực vật, Hiệp hội Sắn tổ chức Hội nghị phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự tại Hội nghị có khoảng 150 đại biểu là lãnh đạo Cục, Vụ, Viện và Trung tâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 24 tỉnh, thành có diện tích trồng khoai mì lớn của cả nước.

Ở Việt Nam vai trò của cây khoai mì (sắn) đã chuyển đổi nhanh chóng từ chỗ là cây lương thực, cây xóa đói giảm nghèo thành cây làm giàu, cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, nhiên liệu sinh học.

          Tinh bột khoai mì, khoai mì lát Việt Nam đã trở thành một trong bảy mặt hàng xuất khẩu quan trọng; có giá trị, sản lượng chế biến và xuất khẩu tăng trưởng nhanh qua từng năm, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu khoai mì đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan, trong 5 năm gần đây đều đạt trên 1 tỷ USD.

          Giai đoạn 2015 - 2022 diện tích và sản lượng khoai mì toàn quốc có xu hướng giảm, diện tích khoai mì từ 567,9 nghìn ha năm 2015 giảm còn 530,3 nghìn ha năm 2022, giảm bình quân 1,0%/năm; sản lượng khoai mì từ 10,7 triệu tấn năm 2015 giảm còn 10,6 triệu tấn năm 2022, giảm bình quân 0,2%/năm.

hinh 1
Ruộng khoai mì trồng giống KM505 tại Tây Ninh

Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng khoai mì lớn thứ hai cả nước sau tỉnh Gia Lai, diện tích sản xuất toàn tỉnh hiện nay trên 61.000 ha, chiếm 23% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Sản lượng khoai mì hàng năm trên 2 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 33,2 tấn/ha (bình quân cả nước 20,4 tấn/ha), cao nhất cả nước. Tính đến tháng 6 năm 2024, diện tích khoai mì trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được 45.975 ha, bằng 74,6% so với kế hoạch.

Để năng suất bình quân khoai mì đạt trên 33 tấn/ha và diện tích khoai mì nhiễm bệnh khảm lá giảm mạnh, tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc khảo nghiệm các giống khoai mì có khả năng kháng bệnh khảm lá.

          Tính đến nay, diện tích trồng giống kháng khảm lá trên 4.500 ha; trong đó giống HN1 trên 4.400 ha. Bên cạnh đó, hiện nay, người sản xuất khoai mì trên địa bản tỉnh đã chủ động tìm mua các loại giống khoai mì không bị nhiễm bệnh ở các tỉnh vùng, địa phương lân cận để sản xuất, đồng thời cũng đã tăng cường nhân nhanh các giống khoai mì kháng/chống chịu với bệnh khảm lá.

Theo ông Trần Văn Chiến – Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, hiện nay diện tích khoai mì nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh (giảm 7.453 ha so với năm 2019) và giảm mức độ gây hại dần về các năm sau, chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ và chưa phát sinh diện tích nhiễm nặng. Tuy nhiên, để hoạt động sản xuất ngành khoai mì của nước ta ngày càng phát triển bền vững cần có những giải pháp tốt về sản xuất, khoa học công nghệ, chế biến, quản lý và hợp tác quốc tế.

Ông Trần Văn Chiến – Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh hy vọng, với những nội dung trao đổi, chia sẻ trong “Hội nghị phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” sẽ góp phần hỗ trợ, thúc đẩy ngành hàng khoai mì của nước ta ngành hàng khoai mì tỉnh Tây Ninh nói riêng ngày một phát triển, nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thụ trường quốc tế.

h2
Ông Trần Văn Chiến – Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu chào mừng tại Hội nghị

Theo ông Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, tổng diện tích khoai mì cả nước là 511,44 nghìn ha (năm 2023), giảm khoảng 60 nghìn ha so với năm 2015; trong đó diện tích nhiễm bệnh là 83.734 ha (giảm 36.952 ha so với năm 2021), nhiễm nặng 20.956 ha, bệnh gây hại tại 22 tỉnh trên cả nước.

Nhân giống kháng bệnh khảm lá hiện nay chủ yếu nhân ngoài đồng ruộng, không nhân trong nhà màng đối với các giống đã có đủ nguồn giống vì nhân trong nhà màng chi phí rất cao. Hiện tại 3 giống kháng bệnh khảm lá HN5, HN3, HN1 đang được nhân ở hầu hết các tỉnh trồng khoai mì trên cả nước với diện tích ước đạt 5.487 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Ninh, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh...

Theo ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh: cơ quan nghiên cứu đã tuyển chọn, công bố lưu hành 06 giống khoai mì kháng bệnh khảm lá; tuy nhiên qua 02 năm sản xuất, nhân giống trên diện rộng, có một số biểu hiện hạn chế như: giống HN36 bị bệnh xì mủ trên thân nặng giai đoạn 1 – 3 tháng sau trồng; giống HN80 bị bệnh lở cổ rễ, thối củ trên 20%; giống HN97 bị bệnh chổi rồng trên 10%; giống HN5 bị bệnh lở cổ rễ, thối củ trên 10% và hàm lượng tinh bột thấp; giống HN3 hàm lượng tinh bột thấp và phân cành; giống HN1 hiện nay bị bệnh lở cổ rễ, thối củ có nơi bị nhiễm đến 50%. Do đó, cần có giải pháp về kỹ thuật cũng như những nghiên cứu để khắc phục hạn chế của các giống này.

h3
Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh tây Ninh
phát biểu tại Hội nghị

Ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, để định vị rõ ràng vị trí của cây khoai mì, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo tầm nhìn đến năm 2025 của Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD. Để đạt được kết quả như trên thì phải thực hiện một số giải pháp như:

Về sản xuất: căn cứ điều kiện thực tiễn, các doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình trồng khoai mì xây dựng vùng nguyên liệu; cung ứng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...)

Về khoa học công nghệ:

- Thu thập, trao đổi, lưu giữ nguồn gen các giống khoai mì phục vụ công tác chọn tạo giống; nghiên cứu chọn tạo, nhập nội các giống khoai mì mới có năng suất cao, hàm lượng tinh bột cao, có khả năng chống chịu với sinh vật gây hại như: khảm lá khoai mì, chổi rồng, thối củ,...

- Áp dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác bền vững: trồng xen canh, luân canh khoai mì với các cây họ đậu, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh nhằm cải tạo đất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật (sử dụng giống mới, bón phân đúng quy trình, tưới tiết kiệm nước,...); góp phần nâng cao năng suất, chất lượng khoai mì; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển khoai mì để giảm công lao động.

- Khuyến khích các công ty, doanh nghiệp chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh nhập khẩu công nghệ mới trong chế biến, đa dạng hoá các sản phẩm từ khoai mì.

Về thị trường tiêu thụ sản phẩm:

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp giữ vững thị trường tiêu thụ sắn hiện có (Trung Quốc, Hàn Quốc,...); đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường (EU, Đông Bắc Á...), tháo gỡ rào cản thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm sắn Việt Nam được tiêu thụ rộng trên thị trường thế giới.

- Thu hút các doanh nghiệp chế biến bánh kẹo, nha đường gluco, mỳ ăn liền, thức ăn chăn nuôi,... sử dụng khoai mì và tinh bột khoai mì làm nguyên liệu để tăng chuỗi giá trị ngành khoai mì.

Về quản lý nhà nước:

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan đến phát triển ngành hàng sắn: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

- Rà soát ban hành mới hoặc bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến ngành hàng khoai mì: hom giống, khoai mì lát, tinh bột, nước thải trong quá trình chế biến khoai mì...

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...) để người trồng khoai mì được sử dụng vật tư đúng chất lượng.

h4
Ông Hoàng Trung – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu kết thúc
Hội nghị

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cần rà soát và đề xuất sửa đổi bổ sung quy trình phòng trừ bệnh khảm lá sắn cho phù hợp với tình hình thực tế sản xuất. Đồng thời, phối hợp với Cục Trồng trọt, các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng phương án nhân giống sạch bệnh, giống kháng bệnh.

Ngoài ra, các địa phương cần chủ động tham mưu, bố trí nguồn lực để xây dựng các chương trình, dự án phát triển ngành hàng sắn phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của địa phương. Lồng ghép các chỉ tiêu về cây sắn vào các bộ chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương để có những chính sách đầu tư, khuyến khích thích đáng để phát triển ngành hàng sắn đặc biệt là các đầu tư về hạ tầng cho vùng nguyên liệu trồng sắn. Đặc biệt, hỗ trợ triển khai liên kết sản xuất giữa người dân và nhà máy sản suất sắn trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của các bên hướng tới sản xuất chuyên nghiệp, bền vững…

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng nhấn mạnh, để thực hiện được các giải pháp trên, không chỉ là các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà các địa phương cần sử dụng linh hoạt các nguồn lực từ ngân sách nhà nước (bao gồm các đề tài khoa học, chương trình, đề án), từ các hoạt động hợp tác quốc tế cũng như các nguồn lực hợp pháp khác.

Mặc khác, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội cùng nhau phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển ngành hàng sắn. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, khẳng định và tăng cường uy tín, vị thế của sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam.

h5
Quang cảnh Hội nghị

 

 

Tác giả: Bao ve thuc vat

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây