Làm giàu nhờ thủy chung với cây mía

Thứ năm - 27/02/2014 21:10 259 0

 KS. Đặng Tiến Dũng

Ở huyện Tân Biên, rất nhiều người biết đến anh Nguyễn Văn Nọn, người nông dân chân chất đã chọn cây mía làm kinh tế gia đình từ hơn 10 năm trước. Qua biết bao nhiêu thăng trầm và từng nếm trãi những vị mặn chát của cây mía qua những vụ mùa thất bại từ năng suất đến khi bị dịch bệnh phá hại, anh Nọn đã quá rành rẽ những nỗi khó khăn của người trồng mía khi phải đối đầu với không biết bao nhiêu là rủi ro ngay từ khi cây mía vừa được xuống giống. Với sự chí thú làm ăn và kiên trì cho một loại cây trồng có kinh tế cao và đã từng có một thời là cây chủ lực của Vương quốc mía đường đã đưa anh Nguyễn Văn Nọn trở nên khấm khá.

       Mỗi vụ mía thất bại là một bài học kinh nghiệm trong canh tác sản xuất để anh Nọn cải tiến phương pháp kỹ thuật chăm sóc cho mía. Các biện pháp kỹ thuật tiên tiến do bộ phận Khuyến nông nhà máy đường Bourbon chuyển giao được anh áp dụng triệt để và đúng quy trình sản xuất. Năng suất cây mía của anh canh tác được tăng lên từng vụ. Nếu như vụ 2010-2011 năng suất mía bình quân là 65 tấn/ha thì niên vụ 2011-2012 là 75 tấn riêng vụ 2012-2013, anh Nọn đã thành công hơn khi đưa năng suất của mình tại cánh đồng xã Đồng Khởi đạt trên 110 tấn mỗi ha. Anh vui vẻ cho biết, làm mía thời nay không còn cực khổ như trước nữa. Giờ đây mỗi công đoạn chăm sóc mía đều có cơ giới hỗ trợ, các kỹ sư của nhà máy thường xuyên có mặt hỗ trợ tối đa cho nông dân, nên vụ mía nào cũng đạt trên 100 tấn mỗi ha.

       Trồng mía không còn là chuyện khó khăn như những năm về trước. Trong những năm gần đây, người trồng mía đã được hỗ trợ rất nhiều trong suốt quá trình chăm sóc và thu hoạch mía. Với đề án cơ giới hóa canh tác mía để thay thế dần lực lượng lao động ngày càng thiếu hụt đã được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Vấn đề chăm sóc và thu hoạch mía đã từng bước được cải tiến từ khi xuống giống đến khi thu hoạch với hàng trăm thiết bị cơ giới được thiết kế phù hợp cho từng vùng canh tác ở Tây Ninh. Các loại thiết bị cơ giới đã phát huy được tác dụng ngay từ khâu làm đất, trồng mía hàng đôi, bừa cỏ giữa hàng, máy bón phân cho mía, đến máy thu hoạch mía …Có thể nói người canh tác mía ở Tây Ninh đã hoàn toàn chủ động trong mùa vụ của mình. Từ những thuận lợi này cùng với sự hỗ trợ tối đa về nguồn giống mía tốt và sự phối hợp gắn bó giữa nhà máy với nông dân, đã giúp người trồng mía đưa năng suất vượt trội. Tại vùng nguyên liệu của nhà máy đường Bourbon, thuộc xã Đồng Khởi huyện Châu Thành, đã có trên 300 ha đạt năng suất trên 100 tấn/ha.

       Theo kinh nghiệm canh tác của anh Bùi Văn Nọn và anh Trương Quý Sửu cũng như nhiều ba con trồng mía cho biết, muốn có ruộng mía tốt phải có mức đầu tư hợp lý, đúng mức, đặc biệt phải chú trọng đến việc nâng cao năng suất và chất lượng cây mía. Trong đó đưa cơ giới vào canh tác và chăm sóc sẽ làm giảm thêm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho vụ thu hoạch. Anh Trương Quý Sửu, ngụ tại xã Đồng Khởi huyện Châu Thành trồng mía giống mới thực hiện canh tác mía theo các biện pháp kỹ thuật hiện đại, bón phân theo khuyến cáo của nhà máy nên cây mía đạt năng suất vượt trội chưa từng có. Vụ mía vừa rồi anh đạt trung bình 120 tấn mỗi ha, vượt hơn 30 tấn so với vụ trước.  

       Trong vụ sản xuất vừa qua, nhà máy đường Bourbon Tây Ninh đã tập trung đầu tư cho người trồng mía bằng nhiều biện pháp hỗ trợ, riêng việc cung cấp phân vi sinh hữu cơ giá rẻ, hỗ trợ vốn thuê đất, chuyển giao kỹ thuật canh tác mía, cung cấp giống mía mới, hỗ trợ vốn không hoàn lại gần 10 triệu đồng để chăm sóc mía trồng mới, cung cấp thiết bị cơ giới trong chăm sóc và thu họach… đã giúp người trồng mía an tâm và thêm gắn bó với nghề trồng mía.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây