Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững cây mì tại Tây Ninh

Thứ năm - 27/02/2014 20:55 1.713 0

 KS. Nguyễn Văn Nhân - TTKN

Tây Ninh là Tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có biên giới giáp Campuchia dài 240 km, diện tích tự nhiên 402.815 ha, diện tích đất nông nghiệp 342.540,94 ha; có hơn 80% dân số sống về nông thôn. Tây Ninh có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung những cây thế mạnh như: Mía, mì, cao su, đậu phộng,… Đồng thời, Tây Ninh nằm ở cửa ngõ phía Tây của Thành Phố Hồ Chí Minh, một trong những khu tam giác công nghiệp lớn của cả nước, có đường quốc lộ đi qua 2 cửa khẩu quốc gia Mộc Bài và Xa Mát nối liền Việt Nam và Campuchia.

Đất của Tây Ninh là đất xám pha cát trên nền phù sa cổ thích hợp cho canh tác cây khoai mì. Diện tích cây mì hàng năm 40.000 ha, năng suất bình quân 290 tạ/ha, nông dân Tây Ninh có truyền thống canh tác mì lâu đời, ham học hỏi  và chịu khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới đặc biệt là chọn giống và trong khâu chăm sóc. Ngoài ra địa bàn Tây Ninh nằm trong hệ thống khảo nghiệm khoai mì quốc gia, vì vậy có điều kiện tiếp nhận rất nhanh với những giống khoai mì mới và các giải pháp kỹ thuật áp dụng để tăng năng suất khoai mì, thuận lợi để phát triển cây mì theo hướng thâm canh bền vững.

* Tình hình sản xuất và chế biến:

Diện tích khoai mì Tây Ninh khoảng 45.390 ha trong năm 2012, năng suất 293 tạ/ha, sản lượng 1.317.671 tấn.

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã tích cực trong lĩnh vực thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu giống đối với cây mì chế biến công nghiệp các giống như: KM60; KM94; KM95; SM937-26. Hiện nay một số giống mì trồng phổ biến ở Tây Ninh đã khảo nghiệm đánh giá đưa ra sản xuất gồm các giống: KM94, KM419, KM98-5; KM140-2; KM98-1. Việc chuyển đổi giống cây mì đã góp phần tăng năng suất bình quân cây mì từ 138 tạ/ha (1993) lên 293 tạ/ha (năm 2012).

Các điểm trình diễn trồng thâm canh khoai mì bền vững ở các địa phương có thế mạnh sản xuất khoai mì như: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành. Những điểm trình diễn này áp dụng các biện pháp kỹ thuật như cải tạo đất, sử dụng những giống mới có năng suất cao, kháng bệnh. Các mô hình đều đem lại kết quả khả quan, năng suất bình quân đạt 400 tạ/ha, cá biệt có hộ đạt 600 tạ/ha. Góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng mì.

Đối với cây mì ngoài nhu cầu kỹ thuật về giống, thâm canh, các biện pháp trồng mì theo hướng bền vững như: Thâm canh, luân canh, xen canh, bón phân hữu cơ (băm thân cây mì, bón phân chuồng, phân vi sinh, chế phẩm sinh học Moshap …) được Trung tâm Khuyến nông chú trọng chuyển giao.

- Khâu tiêu thụ:

Tây Ninh hiện có 8 Công ty chế biến lớn (từ 25-100 tấn/bột/ngày) và 87 cơ sở lò chế biến thủ công với tổng công suất sản xuất đạt khoảng hơn 232.613 tấn củ tươi, tương đương 58.153 tấn bột. Để đáp ứng  yêu cầu với tổng năng lực chế biến nêu trên, hàng năm cần có từ 25.000 - 30.000 ha với năng suất bình quân 293 tạ/ha (củ tươi) và hàm lượng tinh bột từ 28-30%.

- Đánh giá:

Thuận lợi:

- Địa hình đất đai bằng phẳng dễ dàng áp dụng cơ giới hóa;

- Phương tiện vận chuyển, đường xá tương đối thuận lợi;

- Địa bàn Tây Ninh nằm trong khu vực khảo nghiệm giống nên tiếp cận nhanh được các giống tốt, đồng thời hàng năm nông dân sản xuất mì được tập huấn, tham quan các mô hình trình diễn của các dự án khuyến nông cũng như trao đổi học tập kinh nghiệm thông qua các cuộc hội thảo;

- Các nhà máy chế biến được qui hoạch gần vùng cung cấp nguyên liệu;

- Nông dân Tây Ninh có truyền thống và kinh nghiệm canh tác khoai mì lâu đời.

Khó khăn:

- Giá cả bấp bênh không ổn định;

- Mùa vụ thu hoạch ồ ạt thường bị thương lái, nhà máy ép giá;

- Máy thu hoạch khoai mì còn hạn chế, nên chưa giải quyết được công lao động khan hiếm khi đến mùa vụ thu hoạch;

- Chưa có chính sách hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các nhà máy;

- Thị trường tiêu thụ khoai mì còn hạn chế;

* Định hướng tới:

Theo định hướng chung của cả nước, tỉnh Tây Ninh không khuyến khích mở rộng diện tích trồng khoai mì trong tương lai chỉ giới hạn ở mức 35.000 ha do chất thải của các nhà máy chế biến khoai mì gây ô nhiễm môi trường và là vấn đề khó giải quyết hiện nay. Bên cạnh đó khoai mì là cây trồng có sinh khối, sử dụng nhiều dinh dưỡng từ đất, nếu không có qui trình trồng hợp lý để bổ sung dinh dưỡng cho đất thì đất sẽ mau bị bạc màu.

- Xây dựng và hình thành các vùng nguyên liệu mì trồng tập trung theo hướng 4 nhà, thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và thu nhập cho các nông dân trồng sắn.

- Phổ biến nhân nhanh các giống mì có năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao, có thời gian sinh trưởng và bố trí thời vụ hợp lý để thu hoạch rãi vụ trên từng vùng.

- Đa dạng nhiều sản phẩm từ tinh bột mì: Làm lương thực, thực phẩm, Ethanol, thức ăn gia súc…góp phần ổn định giá cả.

- Áp dụng cơ giới hóa khâu chăm sóc, thu hoạch mì.

- Đẩy mạnh công tác Khuyến nông, tập trung xây dựng các dự án, mô hình tập trung trên những vùng chuyên canh khoai mì, theo hướng thâm canh cây mì bền vững.

- Có biện pháp phòng trị và ngăn chặn dập dịch kịp thời khi xảy ra dịch bệnh nhất là bệnh chổi rồng và rệp sáp bột hồng.

- Trong chế biến phải đảm bảo môi trường, chất thải phải qua xử lý triệt để.

* Các giải pháp thâm canh cây mì bền vững:

- Chọn giống có năng suất, hàm lượng tinh bột cao, sạch bệnh:

Trong canh tác, giống là yếu tố quan trọng đầu tiên quyết định tiềm năng năng suất. Do đó để nâng cao năng suất, sản lượng cây mì của tỉnh chỉ có biện pháp là trồng thâm canh theo hướng bền vững.

- Nên trồng luân canh, xen canh với cây trồng khác:

Khoai mì là loại cây sử dụng nhiều dinh dưỡng. Vì vậy, việc trồng nhiều vụ liên tiếp trên một mảnh đất thì bà con phải đầu tư phân bón nhiều, nhất là phân hữu cơ. Áp dụng các biện pháp trồng xen canh, luân canh: Đậu – mì, lúa – mì, bắp – mì…trên 1 mảnh đất. Cần phải áp dụng tốt việc xử lí đất trồng, cải tạo đất nhằm đảm bảo độ phì của đất để cây mì phát triển tối đa năng suất.

- Áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác thích hợp từng vùng (vùng đất cao, vùng đất triền gò và vùng đất thấp), chú ý đầu tư phân bón cải tạo đất như sử dụng phân chuồng hoai, phân rác chế biến, phân hữu cơ vi sinh…  Ngoài ra kết hợp với biện pháp canh tác trong khâu làm đất như khâu cày ải, lên luống chống xói mòn, rửa trôi dinh dưỡng nhất là trên vùng đất triền gò. Đặc biệt áp dụng qui trình phủ bạt nylon nhằm giảm áp lực công lao động.

- Nghiên cứu các biện pháp rãi vụ nguyên liệu, chú trọng cơ cấu giống, vùng trồng và thời vụ. Nhằm tránh thu hoạch ồ ạt, tập trung tồn đọng nguyên liệu làm giảm hàm lượng tinh bột.

- Hoàn chỉnh khâu cơ giới hóa trên cây mì từ khâu làm đất bón phân – trồng – chăm sóc – thu hoạch. Với mục đích giúp người nông dân tranh thủ xuống giống kịp thời vụ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân.

- Đảm bảo vệ sinh môi trường đối với các nhà máy và cơ sở chế biến khoai mì.

- Phối hợp với các nhà máy, xây dựng vùng nguyên liệu mì ổn định để có cơ sở đầu tư phát triển lâu dài nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Mở rộng thị trường tiêu thụ tinh bột mì, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, phát triển đa dạng hóa sản phẩm chế biến để làm lương thực, thực phẩm, dược liệu, làm thức ăn gia súc…

Tóm lại:

 Việc nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất trồng mì trên cơ sở áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật tiến bộ như sử dụng giống mì mới có năng suất bột cao phù hợp ứng dụng cơ giới hóa, kết hợp với bón phân hợp lý, hệ thống canh tác thích hợp, rải vụ thu hoạch sẽ là những yếu tố đảm bảo thâm canh phát triển cây mì bền vững.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây