ÁP DỤNG MÔ HÌNH “LẤY NGẮN NUÔI DÀI” TRỒNG XEN CANH TĂNG THÊM THU NHẬP

Thứ tư - 26/02/2014 17:55 354 0

 Dương Thanh Phương – Khuyến nông Tân Châu

Hiện nay, việc áp dụng mô hình lấy ngắn nuôi dài trồng xen canh nhằm góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình đã được nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tân Châu thực hiện rất thành công và hiệu quả. Mô hình trồng xen canh là một mô hình được thực hiện tương đối khép kín, nhằm tận dụng tối đa nguồn đất đai, thời gian, công lao động . . . và đây cũng là mô hình rất phù hợp đối với những người có ít đất sản xuất và ít vốn để đầu tư.

Nhiều năm trở lại đây, việc trồng xen canh cây mì với cây cao su, đậu phộng với cây mãng cầu, gừng với điều… đã được nhiều người dân thực hiện và đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Điển hình là anh Lê Văn Thắng, ngụ tại ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu. Gia đình anh Thắng hiện có 1 ha đất vườn để sản xuất, vào tháng 03/2013 vừa qua , anh Thắng đã tiến hành xuống giồng trồng mãng cầu, đồng thời anh cũng đã tận dụng trồng xen đậu phộng với mãng cầu nhằm góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Theo anh Thắng: Việc trồng xen có thể làm tăng thêm độ tơi xốp cho đất, giảm được thời gian vun xới đất và làm cỏ, nhưng gốc mãng cầu vẫn thông thoáng, giúp cây có thể phát triển nhanh chóng. Mặt khác, với phần diện tích 1 ha đất trồng xen, chỉ sau 3 tháng trồng, anh Thắng đã cho thu hoạch, với năng suất đậu phộng đạt 3,2 tấn, sau khi trừ đi các khoảng chi phí đầu tư gia đình anh còn thu được lợi nhuận trên 30.000.000đ. Bên cạnh đó, anh còn tận dụng được thêm phần dây đậu để làm phân hữu cơ bón cho mãng cầu. Ngoài việc tận dụng được phần diện tích đất để trồng xen canh tăng thêm thu nhập cho gia đình, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, việc trồng xen đậu phộng với cây mãng cầu như gia đình anh Thắng đã giúp cho khâu chăm sóc đạt hiệu quả cao hơn, cây mãng cầu sinh trưởng và phát triển một cách nhanh chóng hơn so với cách canh tác thông thường.

Cũng từ việc áp dụng mô hình trồng xen canh, gia đình anh Nguyễn Văn Vĩnh, hiện ngụ tại ấp Thạnh Nghĩa, xã Thạnh Đông cũng thực hiện rất thành công việc lấy ngắn nuôi dài mì – bắp. Là một người nông dân chịu khó tìm tòi học hỏi và sáng tạo, dám nghĩ dám làm, trong vụ Đông Xuân năm 2012 – 2013 vừa qua, anh Vĩnh đã tiến hành trồng xen canh bắp với phần diện tích 0,5 ha mì ở sau vườn, kết quả thu được rất cao, từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch chỉ mất thời gian khoảng 3 tháng, anh đã có thu nhập trên 12 triệu đồng. Anh Vĩnh cho biết, đây là mô hình trồng xen canh, lấy ngắn nuôi dài được xem là rất hiệu quả đối với gia đình anh, do điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, đất đai sản xuất ít, gia đình anh chỉ có 1,5 ha đất để trồng mì, đối với cây mì, thời gian sinh trưởng và phát triển phải mất từ 8 – 10 tháng mới cho thu hoạch, do vậy thời gian nông nhàn của anh còn lại rất nhiều, nếu chỉ trông chờ đến vụ thu hoạch mì thì rất lãng phí, từ những suy nghĩ trên, anh đã quyết định lựa chọn cây bắp để trồng xen vào phần đất mì tăng thêm thu nhập ổn định cuộc sống.

Do mô hình trồng xen canh bắp với mì là mô hình tương đối mới nên lúc đầu anh chỉ thực hiện thử trên phần diện tích 0,5 ha, sau khi trồng, anh nhận thấy: Cả cây bắp và cây mì sinh trưởng phát triển rất tốt, do trong quá trình chăm sóc, tưới nước, làm cỏ, bón phân cho bắp, cây mì cũng được thụ hưởng theo nên cũng có điều kiện để phát triển hơn, năng suất mì từ đó cũng tăng hơn so với trồng độc canh như trước kia. Hiện nay, anh tiếp tục thực hiện mô hình này trên toàn bộ phần diện tích 1,5 ha đất trồng mì của gia đình, hứa hẹn mỗi năm gia đình anh có thể tăng thêm thu nhập ổn định từ 30 đến 35 triệu đồng/ năm, cộng với năng suất mì cũng tăng lên đáng kể.

Việc áp mô hình trồng xen canh – lấy ngắn nuôi dài là một cách làm mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân tận dụng hết tiềm năng đất đai, tiết kiệm chi phí sản xuất, nhân công lao động, mang lại lợi nhuận kép cho người sản xuất. Tuy nhiên, để áp dụng thành công mô hình trồng xen canh thì người sản xuất cần phải tìm hiểu và nắm vững những kiến thức cơ bản về quá trình sinh trưởng phát triển của từng loại cây trồng, từ đó mới có thể lựa chọn những loại cây trồng, thực hiện trồng xen cho phù hợp. Nếu được áp dụng đúng thì đây có thể xem là hướng phát triển cây trồng bền vững hơn cho người sản xuất.

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây