Tổng kết mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn vụ Đông Xuân 2013- 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh cho biết, bình quân mỗi ha ruộng trong mô hình, nông dân có lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình trên 3,1 triệu đồng/ha.
Vụ Đông Xuân năm 2013- 2014, toàn tỉnh có 1.398 hộ nông dân của 12 xã thuộc 5 huyện (Bến Cầu, Gò Dầu, Châu Thành, Hòa Thành và Trảng Bàng) tham gia mô hình liên kết 4 nhà thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng mẫu lớn.Đồng hành cùng với nông dân còn có sự tham gia của của các công ty: Phân bón Bình Điền, Bảo vệ thực vật An Giang, Syngenta Việt Nam, công ty Khử trùng Việt Nam, Nông dược H.A.I và công ty Nông Phát.
Về giống lúa, trong vụ Đông Xuân 2013- 2014, nông dân gieo sạ nhiều nhất là giống OM 6976, OM 5451 và IR 50404. Đa số nông dân cũng còn áp dụng biện pháp sạ lan, sạ thưa, với mật độ gieo sạ từ 100 kg đến 120 kg/ha. Chỉ có một số ít nông dân áp dụng sạ hàng, với mật độ gieo sạ từ 80 kg đến 100 kg/ha.
Về phân bón, nông dân trong mô hình sử dụng phân bón chuyên dùng do Công ty phân bón Bình Điền cung cấp với 2 loại phân NPK. Về chi phí sản suất, tổng chi phí sản xuất ruộng trong mô hình là 15,769 triệu đồng/ha, còn ngoài mô hình là 17,310 triệu đồng/ha.
Mặc dù chi phí đầu tư thấp hơn, nhưng năng suất lúa trong mô hình vẫn đạt cao hơn ngoài mô hình, bình quân ruộng trong mô hình đạt 7.755 kg/ha, còn ngoài mô hình là 7.387 kg/ha. Nhờ vậy mà lợi nhuận của nông dân trong mô hình được 18,965 triệu đồng/ha (tính giá bán lúa là 4.449 đồng/kg), còn nông dân ngoài mô hình 15,775 triệu đồng/ha.
Được biết, dự kiến vụ lúa Hè Thu năm 2014, toàn tỉnh thực hiện mô hình liên kết 4 nhà trên 3.142,8 ha tại 15 xã thuộc 6 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh. Trong đó có huyện mới thực hiện là Dương Minh Châu, với 275,2 ha trên địa bàn 2 xã Truông Mít (175,2 ha) và Chà Là (100 ha).
D.H
Ý kiến bạn đọc