Phòng và trị bịnh rụng lá non, chết cây Mãng cầu ta

Thứ năm - 27/02/2014 21:15 1.442 0

 Nguyễn Văn Quang – Trạm KN Thị xã

Thời gian qua các nhà vườn chuyên sản xuất cây mãng cầu ta ở Thị xã Tây Ninh, như: Ninh Sơn, Thạnh Tân, Tân Bình, Ninh Thạnh... phải đối mặt với bệnh rụng lá non, nứt thân cành rồi chết hoặc rụng lá không thể làm trái được, vì cây suy yếu có thể chết từng phần hay cả cây.

       Về hiện tượng thứ nhất là sau khi nông dân tuốt lá xong, khoảng thời gian từ 20 ngày trở lên thấy cây mãng cầu ra lá non, đáng lẻ lá phải xanh tốt, nhưng ngược lại, lá non bắt đầu có hiện tượng dễ thấy đó là: Khi bị nhiễm bệnh, bộ lá kém xanh (nếu nặng thì lá bị nhuốm vàng rỉ sắt, lá bị quăn bìa lá hoặc lá non mới nhú ra đã dễ bị rụng), làm cho việc ra hoa, đậu quả rất ít không như mong muốn.

       Hiện tượng thứ hai là trong vườn cây mãng cầu trên thân cách mặt đất khoảng 20 - 30 cm, cây bị nứt trên thân, nhưng đặc biệt là chỉ nứt về phía mặt trời lặn. Còn nếu lên trên cành thì sẽ nứt ở phần trên hướng ánh nắng làm khô, chết cành.

       Khi các vườn mãng cầu có hiện tượng trên, qua thực tế đi kiểm tra ta thấy gốc và bộ rễ  của chúng bị tổn thương nặng, có thể vỏ gốc bị nứt, bị khô hay thối đen từng mảng, vỏ các rễ cũng bị thối đen. Cả bộ rễ thấy rất ít rễ non hoặc hoàn toàn không có. Cây kém phát triển, có thể chết dần từng cành và sau một số năm cả cây bị chết. Bệnh thường lây lan sang những cây bên cạnh, gây chết theo luống…

       Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tuyên. Nguyên nhân: Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, tuy nhiên chủ yếu là do điều kiện canh tác phù hợp cho một số loại nấm dưới đất phát triển như nấm Fusarium, Phytophthora, Pythium…. Một trong những nguyên nhân đó là:

- Trồng cây quá sâu hoặc trồng ở đất không thoát nước khi mưa lớn. Trồng mật độ quá dày nên thiếu ánh nắng chiếu vào gốc (cũng có thể do che tủ gốc quá nhiều trong mùa mưa…), ẩm độ tại gốc thường xuyên cao do tưới nhỏ giọt thẳng vào gốc…

- Đất bị chua, bị rửa trôi và thành phần ít đất sét (đất nhẹ).

- Bón phân không cân đối, thừa phân đạm, thiếu hữu cơ và vi lượng, nên cây quá non mềm, rạm rạp, có khi lại bị suy kiệt.

- Một số côn trùng hại rễ, gây vết thương làm nấm xâm nhập.

- Thời vụ không đồng loạt (do giá cả chi phối), là nguyên nhân lây lan nhiều loại dịch hại.

- Người trồng chưa hiểu biết về nguyên nhân gây chết.

Phòng trị: Phải tuân theo nguyên tắc phòng ngừa là chủ yếu và phải áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp mới có hiệu quả:

- Chọn đất cao, thoát được nước, lên luống để trồng (chú ý không đào hố để trồng mà phải trồng cao). Ruộng phải có hệ thống mương tưới, tiêu thật tốt, đảm bảo không đọng nước sau khi tưới hay mưa lớn, không để nước chảy tràn giữa các vườn. Trước khi trồng, nên bón lót nhiều phân chuồng và vôi, cùng một số thuốc phòng ngừa.

- Mật độ trồng hợp lý, hoặc tạo tán cây phù hợp, đừng để quá rậm. Không tủ gốc cây bằng rơm rạ hay các loại xác bã thực vật khác, không để cỏ dại che phủ gốc trong mùa mưa, để đảm bảo nắng chiếu được vào gốc cây, tạo sự thông thoáng gốc.

- Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục quanh tán cây (tránh bón phân tươi sát gốc), bón các loại phân hữu cơ cao cấp như phân dơi. Bón cân đối NPK và phun bổ sung các loại phân bón lá có chứa vi lượng.

- Bón phân Calcium Nitrat, nó có tác dụng giảm độ chua của đất nhanh chóng, nên khống chế sự hoạt động của nấm gây bệnh trong đất. Ngoài ra còn cung cấp Canxi và đạm cho cây.

- Đầu vụ, phải diệt côn trùng hại gốc, rễ ở dưới đất, dế, sùng trắng, mối… bằng cách rải thuốc hạt Sago Super 3G, Regent hoặc Sargent 6G  nhằm hạn chế vết thương do chúng gây ra, để nấm khỏi xâm nhập bộ rễ.

- Đầu mùa mưa, nên tưới gốc, rễ bằng các loại thuốc bệnh có hiệu lực cao như Copforce Blue 51WP, hay Dosay 45WP (liều lượng thuốc tưới tương tự như phun). Đặc biệt, chú ý tưới cho những cây đã bị nhiễm bệnh nhưng còn nhẹ, những cây đứng gần cây đang bị bệnh hay gần cây đã bị chết, để tránh bị lây lan. Các cây đứng liền kề cây bị bệnh, nhưng ở vị trí đất thấp hơn sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.

- Những cây đã bị bệnh nặng, cần đào bỏ cả bộ rễ để đốt. Sau khi đào bỏ gốc và rễ, phải xử lý đất bằng các thuốc bệnh (như đã nêu trên) và dùng vôi để diệt sạch nguồn bệnh, trước khi trồng lại.

- Vận động những người xung quanh cùng phòng trừ như mình để tránh lây lan. Đây là biện pháp mang tính tự giác và tính cộng đồng cao, nó có ý nghĩa cho tất cả các loại dịch hại.


 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây