Rời trụ sở làm việc, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh đưa chúng tôi theo tỉnh lộ 786 về hướng huyện Bến Cầu. Khi đến địa bàn xã Lợi Thuận (Bến Cầu), chúng tôi rẽ trái và luồn theo một con đường mòn giữa rừng tràm về hướng biên giới Việt Nam - Campuchia. Sau đó băng qua một cánh đồng mía đang thu hoạch (thuộc địa bàn huyện Bến Cầu), rồi mới đến được cánh đồng mới bắt đầu trồng mía của xã Bình Thạnh.
Trước mắt chúng tôi là một cánh đồng đất đen còn trống trơn, chạy dài đến tận biên giới. Cặp cánh đồng bưng Bình Thạnh, chỗ giáp ranh với cánh đồng mía đang thu hoạch thuộc địa bàn huyện Bến Cầu là một con kênh vừa mới tu sửa để tưới tiêu nước cho cánh đồng.
Trên cánh đồng có một nông dân đang sử dụng máy dầu bơm nước tưới cho một đám ruộng chuẩn bị xuống giống mía. Xa xa ở bìa cánh đồng, một vài nông dân khác đang chăm sóc mía mới trồng, và đặc biệt ở giữa cánh đồng có hai người đang điều khiển một chiếc máy cày đang xuống giống mía.
Đứng trên cánh đồng đang xuống giống mía, ông Minh cho biết, cánh đồng bưng gần biên giới này, trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng là vùng bưng hoang. Sau ngày miền Nam giải phóng, Nhà nước cho dân khai hoang, vỡ hoá sản xuất. Trên cánh đồng này đa số nông dân sản xuất lúa, một số ít trồng tràm. Nhưng do vùng đất còn nhiễm phèn nhiều, nên sản xuất lúa năng suất thấp. Trước tình hình đó, vụ Đông Xuân 2013 - 2014, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho một bộ phận nông dân ký hợp đồng với Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh sản xuất mía.
Số diện tích đất mà nông dân đăng ký trồng mía ở cánh đồng này là 162 ha, thuộc địa bàn hai ấp Bình Quới và Bình Phú. Đến nay (11.2.2014) nông dân đã xuống giống được 68 ha. Việc nông dân chuyển đổi cơ cấu trồng từ lúa sang mía làm đa dạng hoá cơ cấu cây trồng. Trước mắt cho thấy đây là việc làm hợp lý, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của đất, nâng cao thu nhập của người dân.
Cùng với việc chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa và đất trồng tràm sang trồng mía, nông dân Bình Thạnh vẫn tiếp tục duy trì và phát triển diện tích đất trồng thuốc lá vàng. Những năm qua, cây thuốc lá vàng đã góp phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống cho một bộ phận nông dân Bình Thạnh.
Vụ Đông Xuân 2013 - 2014, nông dân xã Bình Thạnh đã trồng 411 ha thuốc lá vàng, vượt kế hoạch của xã đến 91 ha. Nhờ thời tiết thuận lợi, từ khi xuống giống đến nay, nhìn chung thuốc lá vàng trên cánh đồng Bình Thạnh đang phát triển rất tốt. Hiện nay một số hộ bắt đầu thu hoạch thuốc lá vàng.
Cây lúa, cây thuốc lá vàng và hiện nay là cây mía đã và sẽ góp phần đáng kể cho việc chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hoá cây trồng trên các cánh đồng xã Bình Thạnh, góp phần tạo thêm việc làm cho nông dân. Từ đó giúp cho nông dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.
D.H
Ý kiến bạn đọc